Tài chính - Chứng khoán
Tasco: Doanh thu tài chính đột biến nhớ thoái vốn
Kỳ Thành - 22/01/2022 08:26
Mặc dù không thuyết minh chi tiết khoản doanh thu tài chính đột biến trong quý IV/2021, song nhiều dấu hiệu cho thấy, đó là doanh thu từ việc thoái vốn tại các công ty con, liên doanh của Tasco.

Doanh thu tài chính đột biến nhờ “bán con”?

Công ty cổ phần Tasco (mã HUT - HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với những dấu hiệu khởi sắc.

Theo đó, doanh thu thuần quý IV của Công ty đạt 246 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiếm phần lớn trong tổng doanh thu là từ hoạt động thu phí, đạt 172,2 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh còn lại gồm bất động sản, cung cấp dịch vụ, hợp đồng xây dựng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Nếu như quý IV/2020, 3/4 mảng hoạt động của Tasco đều ghi nhận kinh doanh dưới giá vốn, thì cùng kỳ năm nay, tất cả các mảng kinh doanh của Tasco đều ghi nhận giá vốn thấp, giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh lên mức 78 tỷ đồng, trong khi quý IV/2020 ghi nhận lỗ gộp 36 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Tasco là doanh thu tài chính trong quý IV tăng đột biến lên 218 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng.

Trong kỳ, các khoản chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng hầu như không đáng kể, đồng thời lại tiết giảm gần một nửa chi phí quản lý doanh nghiệp, giúp Tasco ghi nhận lãi sau thuế quý IV đạt 176,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 153,7 tỷ đồng cùng kỳ.

Nhờ vậy, Tasco đã chấm dứt chuỗi 6 quý thua lỗ liên tiếp, đồng thời bù đắp khoản lỗ trong 3 quý đầu năm (lỗ ròng 134 tỷ đồng), giúp Công ty ghi nhận lãi sau thuế 47,8 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ khổng lồ 243 tỷ đồng trong năm 2020. Kết quả này được xem là cú lội ngược dòng ngoạn mục của Tasco, bởi trước đó Công ty dự kiến lỗ khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong văn bản giải trình, bà Phan Thị Thu Thảo, Phó tổng giám đốc Tasco cho biết, lợi nhuận quý IV/2021 của Công ty tăng mạnh là do các mảng kinh doanh gồm thu phí đường bộ, y tế, thu phí tự động (VETC) đều hồi phục và tăng trưởng so với năm trước. Bên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong thời kỳ Covid-19.

Mặc dù khoản doanh thu tài chính tăng đột biến không được Tasco thuyết minh cụ thể, song nội dung trong văn bản giải trình đã phần nào hé lộ chi tiết.

Theo bà Thảo, việc thực hiện thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.

Trước đó, tháng 12/2021, HĐQT Tasco đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần/vốn góp tại các công ty con/công ty liên kết. Cụ thể, Tasco đặt kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/phần vốn góp tại 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực hoạt động cần tái cấu trúc với giá trị thoái vốn tối thiểu là 600 tỷ đồng. Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, Tasco sẽ tìm kiếm đối tác hợp tác để triển khai.

Theo đó, Taso muốn thoái hết vốn tại 3 công ty con gồm Tasco Thành Công, Tasco Nam Định, An Nhiên Foods và 4 công ty liên doanh, liên kết: Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, D-Tech và Tổng công ty Thăng Long.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tasco cho thấy, trong danh sách 7 công ty trên, chỉ còn Tasco Nam Định và Tổng công ty Thăng Long váẫn được ghi nhận là công ty con và liên doanh/liên kết của Tasco.

Tiền mặt rủng rỉnh, nhiều “của để dành”

Nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2021, dòng tiền của Tasco cũng được cải thiện đáng kể.

Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh từ 143 tỷ đồng lên 430 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2021, Tasco đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 80 triệu cổ phiếu, thu về 800 tỷ đồng, giúp dòng tiền tài chính của Công ty tăng đột biến.

Nhờ dòng tiền dồi dào, Tasco đã đẩy mạnh chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác trong năm 2021, khiến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư chuyển từ dương sang âm 536 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Tasco đạt 10.831 tỷ đồng, tăng thêm 673 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi ngân hàng của Công ty tăng gấp đôi lên 403 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền cũng tăng gần 12 lần, lên 237 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Tasco cũng tăng mạnh từ 47 tỷ đồng, lên mức 618 tỷ đồng.

Về tài sản dài hạn, “của để dành” của Tasco được ghi nhận tại khoản mục “Tài sản dở dang dài hạn”, với tổng giá trị gần 688 tỷ đồng, gồm dự án Khu sinh thái Foresa Villa (xã Xuân Phương), Khu đô thị mới Vân Canh và dự án xây nhà ở cho cán bộ Báo Nhân dân và Văn phòng Trung ương Đảng.

Đáng chú ý, khoản đầu tư vào Tổng công ty Thăng Long mà Tasco đã lên kế hoạch thoái vốn được ghi nhận giá trị hợp lý lên tới 246,5 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho Tasco nếu thoái vốn thành công trong năm 2022.

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện tái cấu trúc triệt để và tập trung đầu tư cho các lĩnh vực cốt lõi, không chỉ kết quả kinh doanh, mà bức tranh tài chính của Tasco cũng đã được cải thiện đáng kể.

Tin liên quan
Tin khác