Viễn thông - Công nghệ
Tắt sóng 2G: “Giờ G” đã điểm
Tú Ân - 25/07/2022 09:59
Vẫn còn nhiều vấn đề cần gấp rút giải quyết trước “giờ G” tắt sóng 2G để người dân và nhà mạng không bị “vỡ trận”.

Rục rịch chuẩn bị

Phương án tắt sóng 2G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chốt duyệt từ cuối năm 2019. Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để nghe gọi. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia với 100% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”.

Ở thời điểm đó, cả nước có 125,5 triệu thuê bao di động, nhưng vẫn còn tới 60,8 triệu thuê bao không dùng data, chỉ sử dụng gọi điện, nhắn tin. Tất nhiên, không phải toàn bộ 60,8 triệu thuê bao này đều là thuê bao Featurephone 2G.

Từ đó đến nay, cùng với xu hướng sử dụng data tăng lên, thuê bao chuyển sang 3G, 4G nhiều hơn, Bộ TT&TT đã áp dụng nhiều giải pháp để hướng người sử dụng chuyển công nghệ lên 3G, 4G. Theo đó, từ đầu năm 2020, Bộ đã triển khai một số giải pháp khuyến khích, thúc đẩy phổ cập smartphone 4G bằng việc điều phối hợp tác giữa các nhà mạng viễn thông, nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp ứng dụng để đưa ra các chương trình smartphone giá rẻ.

Tiếp đó, năm 2021, Bộ TT&TT ban hành Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến. Theo đó, từ ngày 1/7/2021, các sản phẩm thiết bị điện thoại di động nếu đơn thuần chỉ có tính năng 2G, 3G, hoặc kết hợp cả 2G và 3G thì đều không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ cũng khuyến khích nhà mạng phối hợp với các địa phương thí điểm việc tắt sóng 2G. Từ cuối năm 2020, MobiFone đã tiến hành thử nghiệm tắt sóng 2G ở một số khu vực thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Viettel cũng thử nghiệm tắt sóng 2G/3G ở một số khu vực thuộc TP.HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ninh Bình, Huế.

Mới đây nhất, tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành thí điểm tắt sóng 2G. Cụ thể, Lạng Sơn đã phối hợp với MobiFone và VNPT Lạng Sơn thí điểm tắt sóng 63 trạm 2G tại một số địa bàn. Kết quả cho thấy, sau khoảng 1 tuần tắt sóng, thông tin liên lạc của người dân không bị gián đoạn do phần lớn đã sử dụng điện thoại thông minh. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, bà Đoàn Thu Hà đã đề xuất việc tắt sóng 2G trên toàn bộ địa bàn thành phố, thị trấn của tỉnh trong năm 2022, nhằm đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, góp phần chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cửa khẩu số…

Sớm công bố lộ trình, kế hoạch

Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước vẫn còn 17,38 triệu người chỉ sử dụng thiết bị điện thoại feature phone 2G. Số liệu của Cục Viễn thông cho thấy, đến tháng 4/2022, vẫn còn tới 45,1 triệu thuê bao chỉ dùng thoại và tin nhắn (bao gồm cả smartphone và feature phone 2G). Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu đến tháng 12/2022 chỉ còn 5% người dân dùng điện thoại feature phone 2G, tức còn khoảng 6 triệu thuê bao 2G trên tổng số 123,8 triệu thuê bao hiện nay. Đó cũng là thời điểm để tiến hành tắt sóng bắt đầu từ đầu năm 2023. Các thuê bao 2G ở thời điểm đó sẽ được nhà mạng hỗ trợ điện thoại cầm tay khác để sử dụng nền mạng tiên tiến hơn.

Theo Bộ TT&TT, việc phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh tới từng người dân là một trong những mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc tắt sóng 2G vào năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên khi nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, tham gia sâu hơn vào các dịch vụ số.

Đại diện MobiFone đánh giá, công nghệ 2G đã lỗi thời và cần phải từng bước tắt bớt để giải phóng các tài nguyên cho công nghệ mới, cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, cũng như bảo đảm nguồn lực để triển khai các công nghệ tiên tiến. Việc này là cần thiết vì Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch sang doanh nghiệp công nghệ số cũng như định hướng, lộ trình của Bộ TT&TT trong thúc đẩy thực hiện mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel chia sẻ, quyết định tắt sóng 2G thời điểm nào phụ thuộc vào chiến lược của Bộ, nhu cầu khách hàng cũng như chiến lược của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần giải quyết hài hòa, tối ưu cho cả ba bên để đảm bảo quyền lợi khách hàng, hiệu quả của nhà mạng, đồng thời đáp ứng chiến lược phát triển của đất nước.

Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm thì đề xuất, Bộ TT&TT nên sớm công bố lộ trình này từ ngày 1/1/2023 để tuyên truyền tới người dùng, đến tháng 9/2024, chốt thời gian tắt sóng toàn bộ cho các nhà mạng. Việc chốt được lộ trình sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết liệt trong triển khai.

Bên cạnh đó, ông Liêm đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý tới việc xây dựng chính sách khi tắt sóng 2G. Đó là việc quy hoạch băng tần 2G (900MHz, 1.800MH), sau khi tắt sóng sẽ được cấp hoặc đấu giá như thế nào để các nhà mạng còn chuẩn bị. Cùng với đó, cần có kế hoạch tài chính phục vụ cho việc tắt sóng 2G như hỗ trợ người dùng chuyển đổi điện thoại với chính sách phù hợp…

Có thể thấy, việc tắt sóng 2G đang tiến gần về đích, trong đó vấn đề quan trọng nhất là hỗ trợ người dân chuyển đổi sang smartphone. Được biết, Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến về thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, đề xuất hỗ trợ hộ nghèo 500.000 đồng mua smartphone.

Tin liên quan
Tin khác