Tại buổi lễ công bố chuỗi sự kiện công nhận vùng an toàn dịch bệnh và kế hoạch xuất khẩu gia cầm sang thị trường Halal được tổ chức vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, việc xác định xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp quan trọng. Điều này không chỉ nhằm phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động mà còn giúp sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Tây Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đáp ứng theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Theo ông Ngọc, tính đến hết năm 2023, tổng đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. |
“Trong hơn 2 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tỉnh Tây Ninh, đến nay huyện Tân Châu là huyện thứ 2 tại địa phương xây dựng thành công huyện đạt tiêu chuẩn Vùng An toàn dịch bệnh đối với bệnh Niu-cat-xơn và Cúm gia cầm. Đây là tiền đề rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chăn nuôi cũng như hướng tới hoạt động xuất khẩu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm trong thời gian tới”, ông Ngọc nói.
UBND tỉnh Tây Ninh cùng Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện gồm: Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal; Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030; Lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh "Trang trại gà bố mẹ Bel Gà Tây Ninh".
Nói về lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc toàn cầu De Heus cho biết, Tây Ninh có nhiều lợi thế về lĩnh vực chăn nuôi bởi có quỹ đất rộng. Chính quyền đặc biệt quan tâm đến công tác thiết lập vùng an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, hạ tầng đang dần hoàn thiện rút ngắn lộ trình vận chuyển từ Tây Ninh đi các tỉnh lân cận, đặc biệt là TP.HCM.
“Sau hơn 10 tháng thi công, khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN hiện đại áp dụng 100% công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Đây là dự án khởi động cho chuỗi từ tạo con giống, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gà thịt, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal”, ông Gabor Fluit nói.
Cũng tại chuỗi chương trình, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu thịt gia cầm qua thị trường Halal sẽ giúp Việt Nam giải quyết cân bằng sản phẩm. (Ảnh: Lê Bình) |
Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2025 - 2027) sẽ xây dựng nhà máy ấp con giống hiện đại, công nghệ cao có diện tích khoảng 2 ha, cung cấp cho thị trường 1,2 triệu sản phẩm vịt giống/năm; xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn ORGANIC USDA/EU có diện khoảng 20-30 ha sử dụng 30.000 - 50.000 tấn nguyên liệu từ hoạt động chăn nuôi tại địa phương để sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 120.000-150.000 tấn phân bón hữu cơ và vi sinh.
Giai đoạn 2 (2027-2030) sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 80 ha, cung cấp khoảng 4 triệu sản phẩm vịt giống và 18 triệu sản phẩm vịt thịt mỗi năm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Halal và quốc tế. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án này là 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hùng Nhơn cùng với De Heus, Công ty Ngọc Bích, Công ty Thế giới của Kiến thức và Kết nối cũng ký kết về chương trình hợp tác, liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal.
Theo thỏa thuận, De Heus sẽ cung cấp các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản theo tiêu chuẩn Halal cho chuỗi Ngọc Bích - Kiến thức và Kết nối; chuỗi Hùng Nhơn - Ngọc Bích sẽ chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn Halal; Kiến thức và Kết nối sẽ tư vấn, hướng dẫn cho các bên về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Halal và thực hiện các thủ tục cấp chứng chỉ và chứng nhận Halal.