Doanh nghiệp
Tên của Luật quan trọng, nhưng hợp tác xã cần thấy rõ hơn động lực phát triển
Khánh Linh - 10/11/2022 10:49
Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.
Đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn Hà Nam

“Tôi cho rằng, tên gọi có quan trọng không, theo tôi rất quan trọng, nhưng không phải quyết định tất cả mà quan trọng nhất vẫn phải là nội dung làm sao các quy định phải tạo được động lực để hợp tác xã phát triển chứ không phải chỉ vì tên gọi đơn thuần mà hợp tác xã sẽ khác hơn”.

Đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn Hà Nam đã mở đầu phần góp ý Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của mình, khi bày tỏ quan điểm nhất trí với việc giữ tên gọi như hiện hành là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rõ lý do.

Trong phiên thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng có nhiều ý kiến về tên gọi của Luật này. Đang có 2 luồng ý kiến về nội dung này. Thứ nhất, đề nghị đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Thứ hai là giữ nguyên Luật Hợp tác xã.

Trong phần báo cáo tiếp thu giải trình bước đầu các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 6 lý do cho phương án đổi tên, trong đó có lý do quan trọng là  tên Luật phải phù hợp tinh thần chỉ đạo của Đảng, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao”. Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh rộng với nhiều đối tượng không chỉ HTX mà còn có các tổ chức kinh tế khác như: tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã...

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, thực chất trong dự thảo luật cũng chủ yếu quy định về hợp tác xã còn các thực thể khác cũng chỉ chủ yếu quy định để xác lập tên gọi chứ không có nội dung chi tiết mang tính đặc thù gì nhiều.

Góp ý về tên của dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt.

Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của luật nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải thay đổi tên luật. Còn với tên luật là Luật tổ chức kinh tế hợp tác đúng với nội hàm, phù hợp với các quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức trong các tổ chức kinh tế hợp tác và cũng đúng với định hướng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tên gọi của dự án luật để thể hiện rõ quan điểm trong xây dựng luật. Đồng thời đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy của việc thay đổi tên để các đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định", đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề xuất đặt tên gọi của dự thảo luật là Luật các tổ chức kinh tế tập thể để phù hợp và thống nhất chung với tên gọi mà các nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các cụm từ trong dự thảo Luật Kinh tế hợp tác nên sửa thành kinh tế tập thể, mặt khác gọi Luật các tổ chức kinh tế tập thể thì phạm vi nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng; phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế

Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông


Mối quan tâm lớn của các đại biểu dành nhiều hơn cho các nội dung liên quan đến chính sách để phát triển hợp tác xã.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng.

Về vấn đề này đại biểu Hiền nhận xét, Điều 19 nếu được thông qua chắc sẽ là điều luật dài nhất trong lịch sử lập pháp vì tới tận gần 4 trang giấy. Có ý nghĩa nhất vẫn là thuế và phí cùng với 1 phần nữa là hỗ trợ chuyển đổi từ Tổ hợp tác lên Hợp tác xã.

"Tuy vậy, Điều 19 trong Dự thảo thể hiện chưa rõ ràng giữa các ưu đãi của Nhà nước: một là nhiệm vụ chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước phải làm; hai là quyền của tổ chức kinh tế hợp tác. Nội dung này tạo nên sự khó hiểu rắc rối không cần thiết", bà Hiền lo ngại.

Ví dụ: điểm đ khoản 1 về xây dựng và triển khai các Chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận  thức, kiến thức quản trị và sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác; điểm e khoản 1 quy định người dân, các tổ chức kinh tế hợp tác được hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý, thủ tục thành lập mới, chuyển đổi từ Tổ hợp tác sang hợp tác xã nhưng không rõ dịch vụ hỗ trợ miễn phí hay hỗ trợ với giá dịch vụ ưu đãi;

Điểm a khoản 2 Điều này quy định việc tính thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền thuê đất ... thì theo quy định của pháp luật về đất đai. Theo dự thảo của Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội thì việc này quy định tại Điều 162 và giao cho Chính phủ quy định, tra dự thảo Nghị định của Chính phủ kèm theo thì duy nhất Điều 140 quy định về hỗ trợ để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp có nhắc đến Hợp tác xã ở khoản 2 Điều này.

“Cá nhân tôi thấy ở Điều này có lẽ chỉ có khoản 3 và khoản 9 là rõ nhất về ưu đãi liên quan đến thuế, phí, lệ phí và ưu đãi khi chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại để có thể tách điều này thành 02 điều cụ thể, theo đó 1 điều quy định về những chính sách lớn mà nhà nước phải làm để thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể và 1 điều quy định về các ưu đãi cụ thể, rõ ràng mà hợp tác xã được hưởng thì mới khả thi và hợp tác xã mới có thể được thụ hưởng”, đại biểu kiến nghị cụ thể.

Về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, đề nghị cần quy định chặt chẽ nhằm hạn chế hỗ trợ theo kiểu xin cho và không loại trừ tình trạng trông chờ, ỷ lại, trục lợi chính sách.

Liên quan đến quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, mặc dù đây là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng giúp cho các hợp tác xã, song bà Hiền cảm thấy phân vân vì hồ sơ dự án Luật không có bất kỳ một đánh giá nào về hoạt động của Quỹ này.

Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã được thành lập từ năm 2009 và đang được điều chỉnh hoạt động theo Nghị định số 45 của Chính phủ.

Đại biểu, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo để Quốc hội có thêm thông tin xem xét, quyết định. Đồng thời, cân nhắc thêm việc quy định cho phù hợp về nguyên tắc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư vì ngay cả Nghị định 45 hiện nay cũng chỉ quy định “Lãi suất cho vay của Quỹ hợp tác xã phải phù hợp với chính sách ưu đãi, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của Chính phủ và từng địa phương, đồng thời, đảm bảo nguyên tắc trang trải đủ chi phí hoạt động của Quỹ hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật về lãi suất cho vay”.

Nghị định này cũng quy định rõ Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình hợp tác xã, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã.

“Theo tôi dự thảo Luật cũng phải quy định khái quát việc này để Chính phủ có căn cứ quy định. Chứ không thể giao chung chung cho Chính phủ quy định do quỹ này là Quỹ có hoạt động tín dụng, ủy thác chứ không phải như các Quỹ ngoài ngân sách khác”, đại biểu Trần Thị Hiền yêu cầu.

Trong báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo, nội dung này cũng được đề cập, với cam kết sẽ rà soát quy định của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp với vai trò, chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tin liên quan
Tin khác