Tết Bắc khắp Sài Gòn
Ngày 28/1 tức ngày 23 ông Công ông Táo. Buổi sáng Sài Gòn xuất hiện chút không khí lạnh, báo hiệu Tết cận kề.
Tết đến, thứ không thể thiếu được trong mỗi gia đình đó là phải có hoa Tết. Chính vì vậy mà hàng chục năm nay, những công viên lớn ở Sài Gòn như Gia Định, 23/9, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Tám… đều được biến thành những chợ hoa xuân để người trồng hoa không chỉ ở Sài Gòn mà ngay cả những tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang… bày hoa bán, phục vụ mùa Tết.
Những cành đào tết đỏ thắm được chuyển từ những vùng quê đất Bắc vào trời Nam khoe sắc. |
Ở những hội chợ hoa này, những năm trước chủ yếu những loài hoa đặc trưng miền Nam khoe sắc như mai, cúc… nhưng vài năm trở lại đây đã xuất hiện thêm nhiều cây hoa đào đỏ, đào phai được vận chuyển từ ngoài Bắc từ các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên vào bán.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, quê Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, một chủ cửa hàng bán hoa đào Tết tại công viên 23/9 quận 1 cho biết, đây là năm thứ 6 ông mang hoa đào từ Thái Bình vào Sài Gòn bán. Mỗi năm ông chỉ mang khoảng 300 gốc đào, vợ ông bán ở công viên Gia Định còn ông bán tại công viên này.
Ông Tuyến kể, ở Sài Gòn nhiều năm nay có gu chơi hoa đào Tết. Những cành đào thế càng đẹp thì lại được người Sài Gòn lựa chọn nhiều hơn.
“Những năm đầu, đào mang vào bán chủ yếu cho những người gốc Bắc mua về chơi Tết. Dần dần người Sài Gòn cũng chơi nhiều hơn”, ông Tuyến nói.
Cũng theo ông Tuyến thì ở thôn ông có hơn 10 gia đình cùng mang đào vào Sài Gòn bán năm nay.
Ở Sài Gòn, có những tuyến đường đươc mệnh danh là thủ phủ của đồ Bắc và chỉ phục vụ cho những ngày Tết. Đơn cử như đường Phạm Văn Hai quận Tân Bình. Từ những ngày 15/12 âm lịch, tuyến đường này được bán đầy những lá dong, lạt để gói bánh chưng. Ngoài ra, gạo nếp bắc, những quả gấc đổ, hay chè Thái Nguyên… những thứ đặc sản bắc và những thứ chỉ xuất hiện ở chợ quê Tết miền Bắc thì cũng bắt đầu xuất hiện tại tuyến đường này.
Theo những người bán hàng tại đây thì lá dong, gạo nếp đều được chuyển từ miền Bắc vào Nam. Những món hàng này trước đây chỉ phục vụ chính cho người Bắc ở Sài Gòn, nhưng giờ đây khách nói giọng bắc và khách nói giọng nam đi mua lá dong, mua gạo nếp cũng nhiều như nhau.
Không những vậy, những ngày này trên tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, người đi đường không khó để bắt gặp những quầy bán bánh chưng, giò lụa, chả lụa… những thứ mà người Nam vốn ít dùng tới vì với họ Tết chỉ cần có đòn bánh tét, nồi thịt kho hột vịt, hột gà (trứng vịt, trứng gà). Món hàng này đa phần là bán cho người gốc Bắc nhưng giờ đây, món hàng lại đắt hàng cả với người miền Nam. Minh chứng là trước đây chỉ có vài quầy hàng bán thì nay đã lên tới hàng chục quầy hàng.
Hay như ở Sài Gòn mới có mà không tỉnh thành nào trên cả nước có được đó là vùng đất này nhiều năm nay đã xuất hiện siêu thị mang tên Hà Nội. Món hàng bán tại đây chủ yếu là những món đồ ăn đặc trưng của người Bắc. Tuy nhiên, ngày Tết nhiều đồ được bán hơn, như măng khô, những bó rau mùi, lá bưởi để nấu nước tắm, gội đầu ngày cuối năm theo phong tục người Bắc là gột rửa những bụi bặm của năm cũ để đón một năm mới…
Nhưng vẫn thiếu một vị Tết quê
Nhiều người nói, Tết Sài Gòn giờ đây muốn gì mà chả có. Đâu cần cứ phải ra tận quê Bắc mới có những món đồ đó. Minh chứng là hoa đào, gạo nếp, bánh chưng… gì cũng có.
Ấy thế mà nhiều người Bắc lớn tuổi, sống lâu năm ở Sài Gòn cứ tới cuối năm, họ lại ngồi bên gia đình, con cháu để kể về cái Tết Bắc ngày trước mà nhiều năm rồi họ không được hưởng thụ.
Nhớ quá thì gọi điện thoại rồi nói chuyện với những người họ hàng còn lại ở quê. Nay thì hiện đại hơn, để được cảm nhận những vị Tết quê bằng công nghệ, người ta gọi nói chuyện trực tuyến từ Facebook hay Zalo, nhưng vẫn chẳng thể nào được gọi là đủ.
Những người trẻ vì cơm áo, gạo tiền, vì mưu sinh, từ các tỉnh miền Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp không về quê được họ nói rằng Tết ở đâu chả thế. Ấy vậy mà tới ngày Tết họ vẫn phải nói rằng, thèm cái vị Tết quê, vẫn còn thiêu thiếu...
Ấy là là thiếu cái mùi Tết. Cái mùi của xoong bánh chưng khi mở vung ra, cái mùi của phần thịt lợn được vài nhà đụng nhau rồi chia phần ăn Tết hay cả cái vị lạnh của Tết Bắc mà Sài Gòn - dù có nói trời chuyển lạnh thì cũng quanh quẩn ở 25 độ, trong khi ở Bắc là khoảng 15-16 độ.
Cận Tết, hàng đoàn người mang lỉnh kỉnh đồ kéo nhau về Bắc ăn Tết. Người làm ăn khấm khá thì mua cho mình tấm vé máy bay đi cho sang và nhanh, người không có điều kiện thì mua cho mình tấm vé tàu hay tấm vé ô tô. Họ rủ nhau mang những món đồ đặc sản miền Nam ra Bắc để sum vầy với gia đình. Thế nhưng, cũng có những người không thể về thì hẹn nhau sau Tết nhớ mang quà Tết quê vào với miền Nam.
Bởi với họ, dù những món đồ Bắc có bán ở Sài Gòn thì vẫn thiêu thiếu vị Tết. Đơn cử như gà luộc lá chanh, ở Bắc lá chanh rất thơm nhưng lá chanh ở trong Nam thì lại không có mùi. Hay như những đồng bánh chưng ở Bắc thì có vị đậm đà của muối, thịt mỡ, hạt tiêu, của tiêu thì ở Sài Gòn lại có vị ngọt và thịt toàn thịt nạc. Và bánh chưng Sài Gòn thiếu một món ăn kèm đó là hành muối cay nồng và hơi chua, được Sài Gòn thay bằng củ kiệu muối ăn ngọt lịm mà người Bắc ăn thấy không vừa miệng.
Cũng có nhiều người Sài Gòn hiện nay cuối năm rủ nhau mua con lợn ăn đụng dịp Tết. Nhưng họ phải thuê người ta mổ lợn, rồi thuê luôn người chia thịt chứ không như người Bắc tự bắt lợn, tự thịt rồi tự chia, quây quần với một không khí rất riêng, không lẫn vào đâu được.
Nhiều năm nay, ở một đoạn phố yên tĩnh trên các tuyến đường nhỏ ở các quận có nhiều người Bắc sinh sống như Quận 9, Bình Tân…, ngày cuối năm, nhiều gia đình gốc Bắc hẹn nhau bày nồi bánh chưng lớn trước cửa nhà, củi đuốc sẵn sàng. Đêm đến, họp nhau một nhà, người thùng bia, người con gà luộc, cùng lai rai bên nồi bánh chưng sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút.
Người Bắc ở Nam, có thể đổi thay, khác đi nhiều thứ, nhưng hồn quê thì sao mà bỏ được, và cũng chẳng có lí do gì phải bỏ. Nhưng có điều, tất cả vẫn cứ thấy thiêu thiếu một vị Tết Bắc.