Doanh nghiệp
Thách thức cơ chế tài chính để A0 hoạt động độc lập
Thanh Hương - 12/09/2023 14:16
Đảm bảo chi phí hoạt động, đầu tư phát triển và thu nhập cho người lao động nhằm đảm bảo việc vận hành liên tục của hệ thống điện đang là vấn đề được quan tâm khi đưa A0 về cơ quan nhà nước.

Nhân sự không bị doanh nghiệp bên ngoài cám dỗ

“Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) luôn được đảm bảo cung cấp đầy đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu của sản xuất - kinh doanh điện; tiền lương và thu nhập của người lao động luôn được giải quyết ở mức khá so với mặt bằng chung của xã hội. Điều đó khiến đội ngũ cán bộ có trình độ cao yên tâm gắn bó với ngành nghề chuyên môn của mình, toàn tâm, toàn ý xây dựng và phát triển đơn vị, bỏ qua mọi sự cám dỗ của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài ngành điện”.

Đó là nhận định được đưa ra trong Đề án tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia từ EVN thành Công ty TNHH một thành viên trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau đó chuyển về Bộ Công thương.

Trên thực tế, với mô hình hạch toán phụ thuộc EVN bấy lâu, A0 đã chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính phục vụ điều hành Hệ thống điện quốc gia đảm bảo an toàn, ổn định, liên tục và kinh tế.

Mọi khoản chi phí liên quan đến quá trình sản xuất - kinh doanh, như khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền đơn vị thực hiện theo kế hoạch được EVN giao vào đầu năm.

Các khoản phúc lợi, khen thưởng, đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị cũng được EVN phân phối theo kết quả sản xuất - kinh doanh điện và theo nhu cầu đòi hỏi của quá trình nâng cấp thiết bị và trang bị nhằm phục vụ tốt hơn công tác Điều độ.

Tuy nhiên, khi A0 hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các cơ chế, chế độ cho người lao động sẽ có những thay đổi nhất định.

Các hạng mục đầu tư mà A0 đang thực hiện và sẽ hoàn thành trong năm 2023 bao gồm 24 hạng mục thuộc quỹ đầu tư phát triển (đã loại bỏ các hạng mục không thực hiện trong năm 2023), với tổng mức đầu tư 36,4 tỷ đồng.

Các hạng mục đã được EVN phê duyệt chủ trương đầu tư và được giao kế hoạch năm 2023 để thực hiện trong những năm sắp tới gồm 6 hạng mục, với tổng mức đầu tư 1363 tỷ đồng. Đó là:

 - Nâng cấp phần cứng hệ thống SCADA/EMS;
- Trang bị bổ sung hệ thống ghi sự cố cho các trạm biến áp 500 kV, 220 kV quan trọng và nâng cấp hệ thống trung tâm;
- Nâng cấp Hệ thống mạng WAN Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia;

 - Hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm mới phục vụ thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh;

 - Hệ thống SCADA/EMS giai đoạn IV;
- Trang bị hệ thống UPS, ắc quy cấp điện cho phụ tải trọng yếu của A1 tại 11 Cửa Bắc.

Theo các chuyên gia, vướng mắc chính khi A0 thành công ty TNHH một thành viên là hiện chưa có cơ chế xây dựng, ký kết hợp đồng và tính toán doanh thu/chi phí cho A0.

Vì vậy, Đề án cũng đề xuất, trước thời điểm chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn về chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, trong đó đảm bảo thu nhập, quyền lợi của người lao động tại A0-A miền như hiện tại và lợi nhuận hợp lý cho hoạt động của A0.

Chi phí sẽ do A0 lập, trình Bộ Công thương (thông qua Cục Điều tiết điện lực) phê duyệt, được áp dụng từ thời điểm thành lập đến ngày 1/7/2024.

Tiếp đó, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ xây dựng quy định về giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực theo quy định của Luật Giá sửa đổi để áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Khi đó, A0 là đơn vị cung cấp dịch vụ và sẽ hưởng giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện và thu quá cơ chế ký hợp đồng dưới dạng đơn giá (đồng/kWh) với các đơn vị mua điện và bán điện. Về nguyên tắc, lợi nhuận định mức trên vốn chủ sở hữu đảm bảo để tạo điều kiện cho A0 có thể tái đầu tư, trích các quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ đầu tư phát triển.

Trong quá trình rà soát lại các chính sách hiện hành phục vụ tách A0 khỏi EVN cũng cho thấy, Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC hiện không có tiêu chuẩn để xếp hạng đối với lĩnh vực hoạt động của A0 và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn xếp hạng công ty đối với lĩnh vực hoạt động điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện.

Do vậy, để kịp áp dụng ngay sau khi tách khỏi EVN, A0 đề xuất cho ban hành tạm thời thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương với nội dung tương tự của EVN hiện nay (gồm tiền an toàn điện như hưởng hiện nay).

Để đảm bảo giữ ổn định tiền lương, thu nhập cho người quản lý A0, EVN cũng đã kiến nghị cho phép A0 được vận dụng xếp hạng tổng công ty. Với việc vận dụng này, tiền lương bình quân kế hoạch các năm tới của người quản lý A0 tính theo quy định tại Nghị định số 52/2016/NĐ-CP là 41,3 triệu đồng/người/tháng (tương đương tiền lương bình quân của người quản lý của A0 năm 2022 khi còn trong EVN).

Theo lý giải của Đề án, việc này không chỉ đảm bảo việc vận hành liên tục của toàn khối điều độ A0-A miền, mà còn tránh gây tâm lý ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của người lao động.

Theo tính toán của EVN, nếu A0 được xếp là công ty hạng II, tiền lương bình quân kế hoạch các năm tới của người quản lý tính theo quy định tại Nghị định số 52/2016/NĐ-CP là 32,3 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2022, khi vẫn trực thuộc EVN, lao động trực tiếp tại A0 có mức thu nhập bình quân là 39,75 triệu đồng/người/tháng và người quản lý của A0 (gồm Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng) có mức lương là 42,3 triệu đồng/người/tháng và nếu tính cả tiền an toàn điện thì là 48,1 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia điện, mức tiền lương tại A0 không phải là cao so với trình độ nguồn nhân lực được xem là tinh anh của ngành điện khi so với các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Tuy nhiên, do cơ hội thăng tiến, cùng liên tục được đào tạo nâng cao tay nghề mà ngành điện ưu ái dành cho A0, nên nhiều nhân lực chất lượng cao vẫn gắn bó với A0.

Dẫu vậy, khi A0 trở thành Công ty TNHH một thành viên thuộc sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sau đó là Bộ Công thương, thì việc giữ được mức tiền lương đề xuất như đề án này cũng cần bộ quản lý ngành hay Cục Điều tiết điện lực nỗ lực nhất định, khi các cơ quan xét duyệt mức lương này lại có mức lương thấp hơn.

Lo vốn đầu tư phát triển

Bên cạnh việc giữ chân người tài, mối lo nhất của nhiều người am hiểu về điện là việc đầu tư phát triển cho A0 ở mức hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận hành hệ thống điện ngày càng phức tạp và nhiều thách thức.

Kể từ khi thành lập đến nay, A0 luôn là đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN về sản xuất - kinh doanh điện. Hàng năm, cứ vào cuối quý IV, đơn vị lập kế hoạch chi phí sản xuất, mua sắm đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng… cho năm sau để trình EVN xem xét phê duyệt, sau khi kế hoạch năm được duyệt hàng tháng căn cứ vào nhu cầu phát sinh thực tế, khối lượng nghiệm thu hoàn thành, đơn vị được EVN cấp chi phí.

Ưu điểm của cơ chế hạch toán phụ thuộc này là đơn vị chỉ tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn chính là điều độ hệ thống điện và vận hành thị trường điện, không cần quan tâm đến kết quả lãi - lỗ trong sản xuất - kinh doanh điện; mọi khoản chi phí, chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi và khen thưởng, đầu tư xây dựng, vốn và tài sản đều do EVN lo cho đơn vị, đơn vị chỉ hạch toán tập hợp chi phí chuyển dữ liệu về EVN.

Tuy nhiên, khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập, tách khỏi EVN, A0 sẽ phải tự trang trải các chi phí và thực hiện đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất - kinh doanh theo các quy định của pháp luật và quy định của EVN.

Như vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật điều độ và vận hành thị trường điện, A0 còn phải lo tự hạch toán, tự trang trải chi phí, hạch toán lãi - lỗ trong sản xuất -kinh doanh điện theo cơ chế giá điều độ hệ thống điện và giá thị trường điện, tự thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đây cũng được xem là thách thức rất lớn đối với một đơn vị đã nhiều năm làm việc theo cơ chế hạch toán phụ thuộc, quản trị doanh nghiệp theo cơ chế bao cấp.

Theo dự báo của Đề án, trong thời gian đầu hoạt động, A0 sẽ gặp khó khăn trong công tác huy động vốn do cần đầu tư lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện.

Với quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ và lợi nhuận định mức của A0 dự kiến thấp (hiện nay, lợi nhuận định mức tính cho các đơn vị trong EVN cao nhất là 3% theo khung giá bán lẻ điện được phê duyệt), chỉ đủ để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, dự kiến không đủ đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng, tài sản cố định cần thiết.

Bên cạnh đó, doanh thu về phí SMO (đơn vị vận hành thị trường điện) trong giai đoạn đầu còn thấp, trong khi nhu cầu đầu tư dự án lớn, chắc chắn gây khó khăn cho A0 trong công tác huy động vốn. Chưa kể, do đặc thù là đơn vị vận hành, việc đầu tư thay thế thiết bị cần phải được thực hiện nhanh chóng để đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, liên tục.

Vì vậy, Đề án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương tạo cơ chế cho A0 tiếp cận được các nguồn vốn vay cho hoạt động đầu tư phát triển của đơn vị để đảm bảo duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất.

 Đối với những dự án cần vốn lớn, ngoài khả năng thu xếp vốn của A0, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính xây dựng cơ chế để bảo lãnh hoặc hỗ trợ cơ chế vay vốn cho các dự án đầu tư xây dựng mà A0 thực hiện, như bảo lãnh cho A0 vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác.

Được biết, trong Báo cáo thẩm định đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc tách A0 từ EVN để thành lập công ty TNHH một thành viên chỉ nên xem xét, quyết định khi có các cơ chế tài chính đảm bảo cho A0 hoạt động và vận hành ổn định.n

Tin liên quan
Tin khác