Ảnh minh họa |
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP
Tác động của kinh tế số có nhiều, như giảm chi phí giao dịch, nhất là về tài chính; số hóa làm giảm các tầng lớp trung gian, liên kết cung và cầu, trực tiếp thông qua các nền tảng kỹ thuật số giúp nâng cao năng suất và hiệu quả; tăng trưởng thương mại điện tử; thúc đẩy người dùng sử dụng Internet. Phát triển hệ thống hàng hóa dịch vụ kinh tế số; cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, chia sẻ nơi cú trú, mua bán hàng online, ví điện tử, các dịch vụ truyền hình có trả tiền…
Có một tác động rất đáng lưu ý là kinh tế số đã góp phần tăng tính minh bạch về 2 mặt: ngăn chặn sự can thiệp gian dối, chủ nghĩa thành tích ở các cấp, các ngành vào tính khách quan của thông tin, nhất là về kế toán, thống kê. Ngăn chặn hoặc làm rõ hơn tình trạng tham nhũng, khi các thông tin này được xử lý bằng máy tính, truyền thẳng đến cơ quan tổng hợp xử lý thông tin...
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số/GDP đạt 20%, đến năm 2030 đạt 30%. Đây là tỷ trọng rất lớn so với tỷ trọng giá trị tăng thêm/GDP của các ngành kinh tế.
Như vậy, theo mục tiêu đến năm 2025, đóng góp của kinh tế số cao thứ 2, chỉ đứng sau công nghiệp chế biến, chế tạo; đến năm 2030 có thể vượt lên đứng thứ nhất, trong 21 ngành (tất nhiên kinh tế số cũng đã nằm rải rác ở các ngành).
Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á cho thấy, kinh tế số của Việt Nam năm 2015 đạt 3 tỷ USD, năm 2019 đạt 12 tỷ USD, năm 2020 đạt 14 tỷ USD, dự báo năm 2025 đạt 52 tỷ USD.
Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử do Iprice Insighis cập nhật cho thấy, lượng truy cập website Thế giới di động là 26 triệu lượt/tháng, Sendo là 27,2 triệu lượt/tháng, Lazada là 27 triệu lượt/tháng, Tiktok là 24,5 triệu lượt/tháng. Song, tất cả các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước đều phải mua giao diện lập trình ứng dụng (API) của Google.
Mục tiêu thương mại điện tử/tổng mức bán lẻ đến năm 2025 đạt trên 10% và đến năm 2030 đạt trên 20% so với kinh tế số/GDP (tương ứng là 20% và 30%) lại rất thấp, bởi thương mại điện tử là kết quả quan trọng của kinh tế số và còn nhiều dư địa để phát triển.
Mục tiêu lao động kinh tế số/lực lượng lao động trên 2% đến năm 2025 và 3% đến năm 2030 so với giá trị tăng thêm của kinh tế số/GDP đã thể hiện tốc độ tăng năng suất lao động rất cao so với tốc độ chung và so với tốc độ tăng của các ngành kinh tế khác.
Thách thức với Việt Nam
Mục tiêu đặt ra về lý thuyết phải dựa trên hai cơ sở: nhu cầu phát triển và mức thực tế đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm, vừa có tính khả thi. Mục tiêu về kinh tế số hầu như chưa có số liệu thực hiện chính thống để làm căn cứ, nên tính khả thi yếu. Số liệu nước ngoài thì rất khác nhau (Mỹ năm 2017 chiếm 6,9%; Trung Quốc năm 2017 đạt 32,9%, năm 2018 chiếm 34,8% GDP). Chênh lệch lớn chủ yếu do khác nhau về định nghĩa và khác nhau về phạm vi rộng/lõi/hẹp của kinh tế số.
Thách thức với Việt Nam có nhiều. Thách thức đầu tiên là về tư duy nhận thức, về khái niệm. Thách thức lớn là môi trường pháp lý và thể chế phát triển kinh tế số chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Mục tiêu tập trung vào sản xuất (giá trị tăng thêm), nhưng đề cập còn ít về lao động, vốn đầu tư, doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận…
Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, đường truyền và quan trọng hơn là phân tán, sự kết nối, liên thông rất kém. Là tài sản công, nhưng lại bị cát cứ ở nhiều bộ, ngành, địa phương.
Nguồn nhân lực, nhất là công nghệ thông tin ít và chưa bảo đảm về chất lượng. Số doanh nghiệp nội địa còn nhỏ, việc tiếp cận kém. Các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về công nghệ thông tin, nhưng việc lan tỏa sang khu vực nội địa còn ít. Nền kinh tế tiền mặt còn lớn, tỷ trọng trong tổng phương tiện thanh toán đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2015 là 12,07%, năm 2018 còn 11,78%, năm 2019 còn 11,33%, năm 2020 còn 11,04%, năm 2021 lên 11,92%). Khâu an ninh mạng, bảo mật an toàn thông tin bộc lộ những hạn chế.
Vấn đề đặt ra là cần có hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, xã hội số. Được biết, ở Tổng cục Thống kê đã có đề tài nghiên cứu khoa học về hệ thống chỉ tiêu kinh tế, giá trị tăng thêm kinh tế số của cả nước và của từng tỉnh/thành phố. Cần rà soát thêm để công bố số liệu chính thống, đồng thời tính thêm các chỉ tiêu, ít nhất cũng gồm những chỉ tiêu thuộc mục tiêu cơ bản.