Công nghệ thay đổi lối mòn sản xuất
Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là trụ cột sinh kế cho hơn 70% dân số nông thôn. Song, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Theo Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nông nghiệp chiếm tới 33% tổng lượng phát thải khí nhà kính, trong đó sản xuất lúa gạo chiếm xấp xỉ 50%.
Những hình thức canh tác cũ, thiếu khoa học của nông dân chính là nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính ở mức cao. Làm sao để nền nông nghiệp ngày càng hiện đại hóa, nhưng phát triển bền vững, giảm tác động xấu đến môi trường là câu hỏi mà Anh hùng lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo luôn đau đáu đi tìm câu trả lời từ khi bước chân vào nghiệp “làm nông”.
Năm 2016, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV lựa chọn Thái Bình làm địa phương triển khai dự án AVERP trong 5 năm (2016 - 2021), với mục tiêu xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo. Như được tiếp thêm động lực, ThaiBinh Seed lập tức đăng ký tham gia.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thực nghiệm, Công ty có trung tâm nghiên cứu đầu tiên trên cả nước cùng với SNV và các HTX nông nghiệp liên kết đã áp dụng thành công công nghệ sản xuất lúa bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thay đổi tư duy sản xuất lúa của hàng ngàn nông hộ.
BC15 là giống lúa được ThaiBinh Seed và các đơn vị tham gia dự án lựa chọn thử nghiệm. Đây là giống lúa có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu bệnh, chịu rét cao, chịu phèn, chịu mặn khá tốt, lại cho năng suất vượt trội so với các giống khác.
Rơm rạ sau thu hoạch đươc chế phẩm sinh học phân hủy, tạo chất mùn tơi xốp thành nguồn phân hữu cơ tự nhiên bổ sung dinh dưỡng cần thiết, tăng cường độ phì nhiêu của đất, giảm chi phí sản xuất, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao sức chống chịu với các loại sâu bệnh.
Theo ThaiBinh Seed, giải pháp chủ đạo, then chốt để thực hiện sản xuất lúa bền vững là cách thức bón phân NPK 1 lần/vụ và đạm urê 2 lần, giúp giảm lượng phân bón so với 3 lần/vụ như trước đây. Đặc biệt, quy trình mới cũng yêu cầu xiết nước (tháo sạch nước) 3 lần/vụ, trong khi tập quán canh tác cũ là không xiết nước. Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích, giúp bộ rễ cây lúa ăn sâu vào tầng canh tác, huy động được nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây ít đổ ngã, ít nhiễm bệnh, giảm chi phí, năng suất cao hơn tưới ngập thường xuyên, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
Cam kết sản xuất bền vững
Sau 5 năm miệt mài trên những cánh đồng lúa, gói quy trình công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính của ThaiBinh Seed đã mang lại nhiều điểm ưu việt như giảm phát thải khí nhà kính CO2 từ 5% đến 54%; năng suất lúa tăng mạnh từ 12% đến 93%; trên 80% số hộ nông dân hiểu quy trình công nghệ sản xuất mới.
Ngoài lợi ích kép về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tăng liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo, thì các kết quả được kiểm định của dự án cũng đóng góp vào các đề xuất cơ chế chính sách, lồng ghép vai trò của doanh nghiệp vào thực hiện, nhân rộng và chuyển giao công nghệ sản xuất lúa bền vững cho Đồng bằng sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trái ngọt từ những nỗ lực của tập thể, ThaiBinh Seed đã vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký” trong ngành nông nghiệp để giành Giải nhất trong Dự án Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV.
Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ: “Giải thưởng của SNV chính là bằng chứng nhận khoa học cho những nỗ lực về nghiên cứu và cải tiến công nghệ sản xuất lúa bền vững mà ThaiBinh Seed đã theo đuổi suốt nhiều năm qua. Là công ty chiếm 20% thị phần giống lúa cả nước, chúng tôi xin cam kết tất cả các điểm trồng lúa của ThaiBinh Seed trên toàn quốc sẽ tiếp tục triển khai gói công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, cũng như sẽ tiếp tục lan tỏa những phương thức tiên tiến này đến những vùng sản xuất lúa trọng điểm trên cả nước, với mong muốn góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa tại Việt Nam”.