Doanh nghiệp
Thảm cảnh sập bẫy vốn ngoại
Đức Luận - Anh Hoa - 21/10/2013 08:11
Bài học đau đớn đã được Công ty cổ phần Bibica rút ra từ cuộc chơi với đối tác ngoại Lotte, song Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vẫn đang rốt ráo tìm cửa thoát hiểm từ các nhà đầu tư nước ngoài… TFF đặt hy vọng vào nhà đầu tư nước ngoài

Đau đớn vì bị sập bẫy

Kết quả kinh doanh trồi sụt, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2013 đã bị hoãn vài lần vì vắng cổ đông lớn là những gì mà Công ty cổ phần Bibica đang phải đối mặt.

Bibica đã thừa nhận sai lầm khi hợp tác với Lotte. (Ảnh: Đức Thanh)

Theo thông báo mới đây của Công ty, Đại hội đồng cổ đông sẽ diễn ra vào ngày 28/10 tới và dư luận lại xáo lên vấn đề về mối quan hệ căng thẳng leo thang giữa Bibica với cổ đông ngoại - Lotte Confectionery (Hàn Quốc).

Có lẽ vậy mà mới đây, Lotte đã có cuộc gặp gỡ báo chí để nói lên quan điểm của mình về mối quan hệ với Bibica, nhằm dọn đường cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Theo đó, Lotte cho biết, sẽ không tham gia sâu vào công tác điều hành tại Bibica và mọi chuyện chỉ đơn thuần đầu tư để Bibica trở thành công ty sản xuất bánh kẹo hàng đầu Việt Nam.

Song những gì diễn ra cho thấy, tham vọng của Lotte đến thời điểm này vẫn chưa đạt được và không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Lotte muốn từ bỏ mục tiêu này.

Như vậy, mọi chuyện đã đi quá xa so với những toan tính ban đầu của Bibica và tất cả đều cho rằng, đó không hoàn toàn do lỗi của ông Tổng giám đốc Trương Phú Chiến, mà do Lotte đã quá cao tay.

Dư luận vẫn chưa quên câu chuyện Lotte Confectionery, một thành viên của Lotte Group, đã đầu tư vào Bibica năm 2008. Thời điểm đó, cổ phiếu Bibica (BBC) đang được giao dịch với giá 70.000-80.000 đồng/cổ phần, nhưng Lotte sẵn sàng trả 110.000 đồng/cổ phần để có được tỷ lệ sở hữu 30%.

Đối với Lotte, bước đi này chỉ là khởi đầu cho một chiến lược đầy tham vọng tại Việt Nam. Lúc đó, Lotte đang có ý định đầu tư dây chuyền sản xuất bánh Choco Pie tại Thái Lan để cung cấp cho toàn thị trường châu Á, nhưng đã quyết định từ bỏ ý định này khi đầu tư vào Bibica.

Ông Yang Soek Hoon, Trưởng đại diện của Lotte Confectionery tại Việt Nam, hiện là Giám đốc tài chính của Bibica kể lại, khi Lotte đầu tư vào Bibica năm 2008, Bibica có đầu tư vào thị trường chứng khoán. Năm 2009, thị trường đi xuống, báo cáo tài chính của Bibica có một khoản lỗ đến 24 tỷ đồng từ kinh doanh chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bibica còn nặng gánh với những khoản vay ngân hàng. “Quyết định đầu tư của Lotte thời điểm đó có vẻ không khôn ngoan, nhưng chúng tôi thấy được tiềm năng của thị trường bánh kẹo”, ông Yang Soek Hoon nói.

Trong cuộc chơi này, Lotte biết rõ mình muốn gì và Bibica muốn gì. “Lúc đó Bibica cũng rất hồ hởi, vì tiền đầu tư của Lotte và khoản thặng dư từ việc bán cổ phần cho Lotte đã giúp Bibica thanh toán các khoản vay ngân hàng với lãi suất cao, có thêm vốn để kinh doanh, nhờ đó đã vượt qua khó khăn”, ông Yang nói.

Chính điều này đã khiến Bibica sập bẫy. Lotte đã khiến Bibica không tiếp tục sản xuất nhãn hiệu bánh Orienco, mà chuyển sang sản xuất bánh mang nhãn hiệu Lotte Pie. Lotte chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục gom thêm cổ phiếu Bibica và trở thành cổ đông lớn nhất của Bibica, khi mua thêm 686.000 cổ phiếu vào ngày 15/10/2013, để nâng tỷ lệ sở hữu từ 38,6% lên 43,1%.

Giờ đây, mọi chuyện đã quá muộn màng, ông Chiến đã thừa nhận sai lầm. Lotte muốn biến Bibica thành của riêng họ, trong khi lúc đầu, Bibica mời họ làm đối tác, với kỳ vọng hoàn thiện hơn về quản lý, công nghệ, kỹ thuật, xuất nhập khẩu…

Theo ông Chiến, do ông quá non kinh nghiệm trong việc hợp tác này, nên đã bị “sập bẫy”. Hợp tác xong chẳng thấy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm gì hết, mà chỉ thấy bị chèn ép, bị phụ thuộc.

Từ đây, ông Chiến mới rút ra bài học chọn đối tác ngoại. Theo ông, khi bán cổ phần cho đối tác đầu tư, doanh nghiệp cần quy định cổ phần tối thiểu và tối đa, thì sẽ hạn chế khả năng bị thao túng. Thông thường, tỷ lệ cổ phần dưới 25% là an toàn.

Vẫn tự tin tìm bạn ngoại

TTF được xem là công ty chuyên về trồng rừng và chế biến gỗ đầu ngành tại Việt Nam, chính thức cổ phần hóa đầu năm 2003 và niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM đầu năm 2008. TTF hiện sở hữu 12 công ty con và 2 công ty liên kết.

Thế nhưng, TTF lại đang gặp hạn lớn với con số nợ hàng ngàn tỷ đồng. Công ty này hiện nợ 13 ngân hàng với số tiền 1.174 tỷ đồng, nhưng đã được 9 ngân hàng giảm áp lực trong vòng 1 năm, do đó, Công ty sẽ có thêm thời gian cân đối lại vốn cho hoạt động kinh doanh.

Để khơi thông dòng tiền, TTF đãõ chấp nhận pha loãng quyền của cổ đông lớn và khả năng kiểm soát, nhằm chắc chắn tăng khả năng phát triển ổn định của Công ty. Và kế hoạch huy động vốn đã được vạch ra. TTF đã có giấy phép phát hành và hợp đồng bảo lãnh phát hành với giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, TTF sẽ thu được tương đương 150 tỷ đồng qua đợt phát hành này.

Điểm đáng chú ý là, TTF đang làm các thủ tục để ký hợp đồng với đối tác chiến lược mới. Đối tác này sẽ mua 30% cổ phần TTF. Do hợp đồng còn đang trong thời gian bảo mật, nên ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF chỉ tiết lộ được đối tác kia là một tổ chức tài chính trong nước.

Việc “gọi” vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cũng được TTF tính đến. TTF khẳng định, khả năng cao nhất là TTF sẽ tiếp tục huy động vốn của hai nhà đầu tư vẫn đang hợp tác với mình. Trong đó, Tập đoàn Giấy OJI (Nhật Bản) có nhu cầu về nguồn cung nguyên liệu gỗ từ TTF và một đối tác chuyên về lĩnh vực dịch vụ, thời trang, nhà hàng, có nhu cầu về nguồn cung đồ gỗ nội thất cao cấp.

Ông Thành hy vọng, động thái trên sẽ giúp TTF tái cơ cấu tài chính, bổ sung vốn lưu động, cải thiện dòng tiền. Trước những lo ngại về việc liệu TTF có rơi vào trường hợp giống như Lotte - Bibica, ông Thành khẳng định là không, bởi Bibica và Lotte là các doanh nghiệp cùng trong ngành bánh kẹo, thực phẩm, nên Lotte muốn thâu tóm Bibica để phát triển kinh doanh, gia tăng lợi nhuận. Còn đối với trường hợp của TTF, thì 2 nhà đầu tư nước ngoài không cùng ngành và chỉ có những mảng kinh doanh hỗ trợ nhau.

“Họ thực sự là hai nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia đó và là top 4 doanh nghiệp lớn của thế giới về uy tín và thương hiệu”, ông Thành nói.

Như vậy, có vẻ TTF đã tìm được cửa thoát hiểm cho mình, nhưng dư luận vẫn không khỏi lo ngại, khi quyền kiểm soát của TTF bị pha loãng thì mọi việc sẽ diễn biến khó lường. Hơn thế, cũng phải nhắc lại sự đổ vỡ trong cuộc hôn phối giữa Tập đoàn Phú Thái và nhà bán lẻ Family Mart (Nhật Bản) xảy ra cách đây vài tháng.

Cụ thể, tháng 6/2011, liên doanh Vina FamilyMart được thành lập với vốn đầu tư 4,2 triệu USD, được góp từ Phú Thái (51%), FamilyMart của Nhật Bản (44%) và Itochu cũng của Nhật Bản (5%). Liên doanh này kỳ vọng sẽ tận dụng tiềm lực tài chính dồi dào, kinh nghiệm của đối tác để dành vị thế mạnh mẽ hơn trong cuộc đối diện với các tập đoàn đa quốc gia tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, có vẻ như các phương án phòng ngừa rủi ro đã được chuẩn bị, khi ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái luôn coi tỷ lệ chi phối của Phú Thái trong liên doanh là điều tiên quyết để đảm bảo sự chủ động trong kinh doanh của phía Việt Nam. Chính vì vậy, cuộc chia tay diễn ra khá êm ấm, khi mục tiêu của các bên không có được sự đồng thuận.

Liên quan đến rủi ro và lợi ích của việc huy động vốn từ nhà đầu tư ngoại, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành VinaCapital không nghĩ rằng, việc nhà đầu tư ngoại đầu tư vào doanh nghiệp trong nước sẽ gây ra nhiều rủi ro về quản trị. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài, với kinh nghiệm quốc tế, sẽ giúp các công ty mà họ tham gia đầu tư về mặt xây dựng chiến lược phát triển, cải thiện phần quản trị doanh nghiệp, minh bạch hóa thông tin...

Theo ông Andy Hồ, các nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng mạng lưới khách hàng, cũng như chuỗi cung ứng. Đương nhiên, doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn những nhà đầu tư có mong muốn gắn bó lâu dài với họ.

Tin liên quan
Tin khác