- Quá sốt ruột với thu hồi tài sản tham nhũng
- Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 1: “Quái vật” Việt Á thao túng quan tham
- Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 2: Khi tham nhũng, tiêu cực khoác bộ mặt đạo lý
- Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 3: Lôi ra ánh sáng những cái “bắt tay” dưới gầm bàn
- Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 4: Siết chặt “vòng vây”, tiêu diệt giặc nội xâm
- Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 5: Xu thế không thể đảo ngược
Nhưng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thiếu hiệu quả vẫn là nỗi lo được nêu đi, nêu lại tại nghị trường, từ kỳ họp này qua kỳ họp khác.
Theo quy định, các kỳ họp cuối năm, Chính phủ đều gửi tới Quốc hội báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của năm đó.
Chỉ nhìn vào tiêu đề báo cáo cũng đã thấy ngay “phòng” luôn đứng trước “chống”, cho thấy tầm quan trọng của cả hai nhiệm vụ phòng và chống. Thế nhưng, đã nhiều năm, đặc biệt là hai năm 2021 - 2022, kết quả của “chống” có phần lấn át “phòng”.
Tại báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 vừa được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, Chính phủ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng “đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm”.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ) nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng “có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Nhiều vụ án mới được khởi tố, các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý bị xử lý nghiêm minh, nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và các hành vi tham nhũng trước ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ... đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.
Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh kết quả này. Nhiều vị đại biểu cũng đồng tình, bởi không khó để đưa ra hàng loạt ví dụ, thậm chí có vụ “dư chấn” đến tận nghị trường.
Nhưng đó là kết quả ở khâu “chống”. Còn ở khâu “phòng”, thì báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ ra không ít hạn chế từ trách nhiệm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cho đến kiểm soát tài sản, thu nhập tới tình trạng cán bộ công chức lợi dụng kẽ hở pháp luật để tham nhũng vặt...
Điều đáng nói, những hạn chế này được nêu đi nêu lại nhiều năm liền. Thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đặc biệt lưu ý là trong báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra nhiều hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, hầu hết nguyên nhân và hạn chế này là không mới, kéo dài qua nhiều năm, nhưng vẫn chưa có giải pháp đột phá để khắc phục.
Năm nay, ở báo cáo vừa trình Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tiếp tục nhấn mạnh “đáng lưu ý là nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã kéo dài nhiều năm do những nguyên nhân khác nhau, trong đó nhiều hạn chế có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả”.
Điểm lại, báo cáo thẩm tra năm 2021 nhận xét: Việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập còn chậm được thực hiện, vì vậy, chưa phát huy được hiệu quả của biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên thực tế.
Báo cáo thẩm tra năm 2022 tiếp tục nhận định: Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn chưa phát huy hiệu quả.
Dù quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, quy định chi tiết về thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đều đã có, nhưng Ủy ban Tư pháp chỉ ra rằng, hiện nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện các quy định phòng ngừa đó.
Như thế, có lý do để đại biểu nhận định, chúng ta “mới tập trung vào việc chống tham nhũng”, hay “nếu phòng ngừa tham nhũng được coi trọng đúng mức thì nền kinh tế đang lúc khó khăn chất chồng này đã tránh được những cú sốc của các đại án tham nhũng”.
Đành rằng, để những người có nguy cơ tham nhũng không thể, không dám và không muốn tham nhũng, thì cái gốc vẫn là thể chế. Nhưng rõ ràng, quy định đã có, nhiều nơi không thực hiện hoặc không thực hiện tốt, thì không thể đổ cho thể chế. Đó là kỷ luật, kỷ cương trong chính bộ máy công quyền, có lúc, có nơi vẫn còn bị xem nhẹ.
Chống phải nghiêm minh, nhưng phòng là chính, phòng phải được coi trọng hơn. Chỉ khi nào làm được như vậy, thì Chỉ số Nhận thức tham nhũng của Việt Nam (hiện ở mức 39/100 điểm) mới có thể được cải thiện mạnh mẽ và nền kinh tế mới yên ổn để phục hồi, để tăng trưởng mạnh, bền vững.