Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. |
Không chỉ đề cập, nhận diện nguyên nhân dẫn đến các vụ tham nhũng đình đám, đại biểu Quốc hội còn nêu tác hại của tham nhũng vặt đang gây bức xúc lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Chiều 8/11, thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng hình thức của tham nhũng vặt rất đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, làm kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, không khách quan...
Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, bị đòi hỏi phải quà cáp, biếu xén... Nhiều vụ việc còn đòi hỏi “phí bôi trơn. Đáng sợ, việc này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như khám chữa bệnh, làm các thủ tục hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị... ông Tri nhìn nhận.
Theo đại biểu Trí, tình trạng tham nhũng vặt với vòi bạch tuộc vừa nhiều vừa đeo đẳng bám chặt đã gây bức xúc lớn cho người dân, doanh nghiệp, đã làm chùn bước nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, thậm chí đổ vỡ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ được coi là công bộc của dân.
"Trong phiên chất vấn vừa qua, Tổng thanh tra Chính phủ đã thừa nhận có sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với người dân. Tại diễn đàn này, tôi xin bày tỏ mong muốn của cử tri, nhân dân là Đảng, nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống tham nhũng vặt, chống tiêu cực trong xã hội ta", đại biểu Trí đề nghị.
Vị đại biểu Hà Nội cũng nêu rõ, qua báo cáo của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, thấy được sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhất là vụ Việt Á làm rúng động dư luận xã hội.
"Tuy vậy, các hoạt động phòng chống tham nhũng vặt thì có vẻ chưa được nhiều. Số liệu cho thấy năm 2022 đã xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Theo tôi, con số này còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra", đại biểu Trí nhận định.
Ông cũng chia sẻ với khó khăn của cơ quan thi hành công vụ là chống tham nhũng vặt là rất khó vì tính phổ biến, đôi khi rất mơ hồ, có khi chính người bị nhũng nhiễu cũng rộng lượng cho qua.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra 3 nguyên nhân của những hạn chế trong chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là vai trò của người đứng đầu; năng lực, đạo đức cán bộ, công chức, viên chức; việc thể chế hoá chủ trương, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Trí bày tỏ đồng tình với đánh giá trên và nhấn mạnh thêm việc phòng chống tham nhũng vặt chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân.
Vì vậy cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn cho Nhân dân, để Nhân dân hiểu, tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn... Chỉ khi Nhân dân vào cuộc, nói ra, phát hiện ra thì mới thấy được nhiều, khi đó phòng chống tham nhũng vặt mới hiệu quả, ông Trí nêu quan điểm.
Một đề nghị nữa từ đại biểu Hà Nội là Chính phủ, các cơ quan chức năng cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vặt.
Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022, Chính phủ nhận định tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Chính phủ cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.