Ladophar đang trở thành một ấn số mới của ngành dược phẩm. |
Khởi sắc bất ngờ
Sau nhiều năm kinh doanh ảm đạm, đặc biệt là chuỗi thua lỗ kéo dài 6 quý liên tiếp (từ quý II/2020 đến quý III/2021), bức tranh lợi nhuận của Ladophar đã bất ngờ khởi sắc trong quý IV/2021 với lợi nhuận sau thuế lên đến 55,4 tỷ đồng - mức lãi kỷ lục mà Công ty đạt được trong 1 quý.
Báo cáo tài chính của Ladophar cho biết, trong quý IV/2021, doanh thu thuần chỉ 42,4 tỷ đồng, giảm 42,66% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận gộp theo đó cũng chỉ đạt 6,02 tỷ đồng, giảm 48%. Với 8,02 tỷ đồng chi phí bán hàng và 4,18 tỷ đồng chi phí quản lý, như vậy hoạt động kinh doanh chính của Công ty vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ đã kéo dài nhiều quý.
Ông Nguyễn Mai Long, Tổng giám đốc Ladophar cho biết, doanh thu hàng thương mại đã giảm 58%, tương đương 27,94 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, doanh thu hàng sản xuất cũng giảm 14%, gây ảnh hưởng đến sản xuất, các chi phí sản xuất chưa phân bổ vào giá thành nhập kho phải ghi nhận vào giá vốn.
Trong bối cảnh đó, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác đã vực dậy lợi nhuận cho Công ty, khi lần lượt đạt 31,35 tỷ đồng và 34,2 tỷ đồng. Tuy vậy, nội dung cụ thể của các nghiệp vụ chưa được thuyết minh trong báo cáo tài chính do Công ty tự lập và nhà đầu tư sẽ cần chờ đến báo cáo tài chính kiểm toán để có thêm thông tin về nguyên nhân đem lại lợi nhuận đột biết trong quý vừa qua.
Kết quả lãi đột biến trong quý IV/2021 không chỉ giúp Ladophar bù hết số lỗ sau 9 tháng đầu năm 2021, mà còn giúp lợi nhuận cả năm của Công ty đạt hơn 39 tỷ đồng, đồng thời giúp lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính đến ngày 31/12/2021 không còn là số âm. Nếu kết quả này được giữ nguyên đến sau kiểm toán, đây sẽ là nền tảng quan trọng cho các kế hoạch phát hành của Công ty trong thời gian tới.
Lợi nhuận trong quý IV/2021 của Ladophar diễn ra trong bối cảnh Công ty có những thay đổi đáng kể trong cấu trúc cổ đông lớn, sau đó là Ban lãnh đạo trong thời gian từ cuối năm 2021 đến nay. Ban lãnh đạo mới đang cho thấy tham vọng lớn trong việc vực dậy một trong những thương hiệu lâu năm trong lĩnh vực đông dược tại Việt Nam sau nhiều năm kinh doanh sa sút.
Kế hoạch đầy tham vọng
Ladophar được biết đến là một đơn vị sản xuất và phân phối các sản phẩm đông dược hàng đầu tại tỉnh Lâm Đồng, tận dụng và khai thác được thế mạnh từ dược liệu địa phương với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho nhiều cây dược liệu quý phát triển như Actiso, Diệp hạ châu, nấm Linh chi…
Giai đoạn 2010-2016, mặc dù quy mô tải sản, nguồn vốn tương đối nhỏ so với nhiều doanh nghiệp dược phẩm cùng ngành, nhưng bù lại, Ladophar có tỷ suất sinh lời khá cao tính trên quy mô tài sản, nguồn vốn với lợi nhuận ổn định từ 15-20 tỷ đồng/năm và duy trì chi trả cổ tức tiền mặt trên mỗi cổ phiếu tương đương 25-30% mệnh giá. Nhưng sau đó, bức tranh kinh doanh của Công ty đã xấu đi đáng kể, đặc biệt là sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoàn tất thoái vốn và CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim nâng sở hữu lên mức chi phối.
Tuy vậy, chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 2021 đến nay, cơ cấu sở hữu của Ladophar đã có nhiều biến động với việc Công ty Nguyễn Kim (sở hữu 53,91% cổ phần) và bà Nguyễn Ánh Kim Trang (sở hữu 33,36% cổ phần) hoàn tất thoái toàn bộ vốn, đồng thời ghi nhận sự xuất hiện của 2 cổ đông mới là CTCP Louis Holdings và CTCP Louis Capital, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 10,23% và 10,39% cổ phần.
Đến ngày 14/1/2021, Ladophar đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường với nhiều sự thay đổi trong cơ cấu Ban lãnh đạo cấp cao. Theo đó, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT của Louis Holdings, đã trở thành tân Chủ tịch HĐQT Ladophar.
Ban lãnh đạo mới của Ladophar đã chia sẻ về các kế hoạch kinh doanh mới, đặc biệt là phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược, vốn là thế mạnh của Công ty. Để chuẩn bị cho việc mở rộng đầu tư này, HĐQT Ladophar đã trình cổ đông phương án huy động thêm 250 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, với hạn mức vay vốn năm 2022 là 1.100 tỷ đồng, gấp 5 lần quy mô tài sản, nguồn vốn đến cuối năm 2021.
Ban lãnh đạo mới cũng đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng cho năm 2022, với mục tiêu doanh thu thuần ở mức 760 tỷ đồng, tăng 469% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu hàng thương mại đạt 316 tỷ đồng, tăng 362% và doanh thu hàng sản xuất đạt 444 tỷ đồng, tăng 609%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 38 tỷ đồng.
Nếu những kế hoạch kinh doanh, kế hoạch huy động và sử dụng vốn mà Ban lãnh đạo mới của Ladophar đặt ra được thực hiện, dự kiến bức tranh quy mô tài sản, nguồn vốn cũng như hoạt động kinh doanh của Công ty sẽ thay đổi đáng kể trong năm 2022. Ladophar đang trở thành một ấn số mới của ngành dược phẩm.