Doanh nghiệp
Than nhập "tắc đường" về với điện
Thanh Hương - 29/12/2016 16:17
Chưa có giải pháp triệt để trong việc nhập khẩu than nhằm đảm bảo sản xuất điện, lẫn không để ngành than nội lâm cảnh ế hàng.
Nhập khẩu than đá vào Việt Nam trong năm 2016 tăng gấp hơn 4 lần so với dự báo được Bộ Công thương đưa ra

Thống kê Hải quan cho thấy, nhập khẩu than đá vào Việt Nam từ đầu năm tới ngày 15/12/2016 đã đạt xấp xỉ con số 13 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 860 triệu USD. Như vậy, so với mức dự báo 3 triệu tấn được Bộ Công thương đưa ra đầu năm, thì con số này đã gấp hơn 4 lần. Thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Australia, Indonesia, Nga…

Trước thực tế than nhập khẩu tăng mạnh, trong khi than nội ế ẩm và tồn kho trong năm 2016, đã có lúc lên  11 triệu tấn, việc tạo ra những lực cản đối với than nhập khẩu đã được áp dụng vào tháng 9/2016.

Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất điện đang nhập khẩu than trực tiếp gặp ách tắc, bởi được cơ quan hải quan hướng dẫn, muốn nhập khẩu than trực tiếp phải được sự cho phép của Thủ tướng theo quy định. Đồng thời, cần ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoặc Tổng Công ty Đông Bắc.

Nhiều doanh nghiệp có hoạt động sản xuất điện như Formosa, Vedan và các địa phương, nơi các doanh nghiệp đang hoạt động, cũng đã có kiến nghị kêu cứu khẩn cấp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Hàng rào ngăn than nhập khẩu được nhắc tới chính là Thông báo số 346/TB-VPCP (ngày 26/8/2014) kết luận về việc nhập khẩu than, theo quy định phải qua hai đầu mối chính là Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa bảo đảm các doanh nghiệp đầu mối tìm nguồn cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp.

Mặc dù văn bản 346/TB-VPCP có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành, nhưng trên thực tế lại không khả thi với tất cả các doanh nghiệp cần nhập khẩu than. Sau hàng loạt những tháo gỡ riêng lẻ cho các doanh nghiệp sản xuất điện gặp vướng mắc trong nhập khẩu than thời gian qua, một phương án tổng thể để giải quyết vẫn chưa được chính thức đưa ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, ngày 28/11/2016, Bộ Công thương đã đề xuất phương án chỉ đạo, điều hành việc cung cấp than cho sản xuất điện thay thế Thông báo số 346/TB-VPCP.

Theo phương án này, đối với các nhà máy điện sử dụng than sản xuất trong nước, Chính phủ sẽ giao Bộ Công thương trên cơ sở kết quả cân đối cung cầu than hàng năm, giao nhiệm vụ cho Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc cấp than cho từng nhà máy điện.

Đối với các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, phương án cũng đề xuất, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện (gồm cả chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, dự án nhiệt điện BOT…) chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định. Việc thu xếp có thể bằng cách trực tiếp nhập khẩu, hoặc mua than qua đầu mối là Vinacomin, Tổng công ty Đông Bắc hoặc qua doanh nghiệp thương mại. Dẫu vậy, đề nghị này của Bộ Công thương vẫn chưa trở thành chính thức, bên cạnh việc chưa có phương thức khác nào được đưa ra tới thời điểm hiện nay.

Tính đến trước ngày 28/11/2016, Thủ tướng đã cho phép Vinacomin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Formosa được nhập khẩu than cho sản xuất điện.  Ngoài ra, hầu hết các chủ đầu tư nhà máy điện BOT đều tự nhập khẩu than cho sản xuất điện.

Ngay chính Bộ Công thương trong báo cáo số 11391/BTC-TCNL cũng nhận xét, việc thực hiện theo Thông báo 346/TB-VPCP sẽ hạn chế tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh than theo cơ chế thị trường, không đa dạng hình thức kinh doanh (nhập khẩu than) trong bối cảnh khối lượng than nhập khẩu cho điện ngày càng tăng. Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Nghị định 59/2006/NĐ-CP, kinh doanh than là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Hầu hết các chủ đầu tư nhà máy điện BOT đều tự nhập khẩu than cho sản xuất điện.

Lý giải việc than nhập khẩu đột biến gia tăng trong năm nay, đại diện Vinacomin cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu chậm lại, trong khi năng lực sản xuất than của nhiều nước còn cao, nên giá than trên thị trường quốc tế giảm mạnh, đó là lý do khiến lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng. Chỉ tính riêng Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2016, nhu cầu đã giảm 280 triệu tấn than và cả năm dự kiến sẽ cắt giảm sản xuất 500 triệu tấn. Diễn biến của thị trường than quốc tế khiến nhiều nước phải điều chỉnh giảm thuế để ổn định sản xuất, việc làm, đảm bảo đời sống cho thợ mỏ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các loại thuế, phí với than liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác 2% được Vinacomin cho là “bản chất là thu thuế tài nguyên lần 2 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”, thì than hầm lò hiện phải nộp thuế 12%, than lộ thiên phải nộp 14% thuế tài nguyên. Mức thuế tài nguyên này cũng cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, tại Australia, thuế suất thuế tài nguyên với than lộ thiên trung bình là 7%, hầm lò là 6% và nếu mỏ sâu hơn 400 mét thì chỉ còn 5%, đồng thời, giá tính thuế được trừ chi phí sàng tuyển, vận chuyển, tiêu thụ, phí tìm kiếm thăm dò... Tại Indonesia, mức thuế tài nguyên chỉ từ 3 - 7%; tại Trung Quốc là 0 - 4%.

Như vậy, chỉ riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 7 - 10% so với các nước trong khu vực. Cộng với thuế nhập khẩu than vào Việt Nam là 0%, thuế xuất khẩu than của các nước là 0%, than ngoại đang có nhiều cơ hội để lấn sân than nội.

Tin liên quan
Tin khác