Khách không chờ
Theo thống kê của cơ quan hải quan, lượng than xuất khẩu cả nước tới ngày 15/9/2016 mới đạt 574.000 tấn, đạt trị giá gần 60 triệu USD. Với thực tế này, khó có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than trong năm nay.
Lý giải về lượng than xuất khẩu đạt thấp, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay, tới tháng 4/2016 mới có quyết định cho phép xuất khẩu than và đối tác không thể chờ được, nên đã quyết định mua than từ các nguồn khác.
Thuế, phí cao khiến than trong nước kém cạnh tranh so với than ngoại nhập khẩu. Ảnh : T.H |
Được biết, đầu năm nay, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ, hàng năm (trong giai đoạn 2016 - 2020) cho phép xuất khẩu 2,05 triệu tấn than chất lượng cao, trong số này có 2 triệu tấn thuộc về Vinacomin và và 50.000 tấn thuộc về Tổng công ty Đông Bắc.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, quan điểm của Bộ Công thương là cho xuất khẩu những loại than chất lượng cao, trong nước không dùng tới. “Sử dụng các loại than có chất lượng cao cho nhà máy nhiệt điện sẽ không tạo được giá trị gia tăng của các loại than này, dẫn tới việc sử dụng tài nguyên than không hiệu quả. Trong khi đó, 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 - 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện”, ông Thọ nhận xét và cho hay, cân bằng cung - cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho điện trước, còn lại cân đối cho các hộ khác ngoài điện cho kết quả, lượng than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sẽ dao động quanh mức 2,1 triệu tấn mỗi năm từ nay tới năm 2030.
“Đối tác mua than của Việt Nam để dùng cho sản xuất liên tục và dài hạn trong ngành luyện kim, nên muốn có hợp đồng dài hạn. Bởi vậy, việc cho phép xuất khẩu theo từng năm như năm 2016 và chậm về mặt thời gian đã khiến khách hàng nhập khẩu phải đi tìm nguồn cung cấp khác để đảm bảo chủ động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là lý do, dù được phép cho xuất khẩu, nhưng ngành than vẫn không bán được hàng có chất lượng”, một chuyên gia nhận xét.
Than tốt dù tồn kho cũng là mối lo với Vinacomin, bởi theo ông Biên, thời gian tồn kho lâu sẽ khiến than cục bị phong hoá, vỡ ra và thành than cám, khiến giá trị sẽ giảm đi tới 50%. “Nên có định hướng xuất khẩu trong 5 năm, để doanh nghiệp đàm phán được các hợp đồng dài hạn với đối tác, giá tốt hơn, cơ hội vay vốn để phát triển sản xuất cũng tốt hơn”, ông Biên kiến nghị.
Than nhập tăng mạnh
Trong khi than xuất khẩu giảm sút về mặt khối lượng, thì ở chiều ngược lại, nhập khẩu than lại tăng đột biến. Tính tới ngày 15/9/2016, Việt Nam đã nhập 10,113 triệu tấn, với trị giá 629,5 triệu USD.
Con số này lớn gấp gần chục lần so với kế hoạch nhập khẩu 1,3 triệu tấn than được Bộ Công thương đặt ra hồi đầu năm 2016.
Trong số này, nhập khẩu của Vinacomin chỉ xấp xỉ 1 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng than nhập khẩu của Vinacomin không phải là để đáp ứng nhu cầu của ngành điện. “Gần 1 triệu tấn than này được nhập khẩu để trộn với than khai thác ở một số mỏ khu vực phía Tây, nhằm tạo ra loại than có chất bốc tốt hơn và giảm hàm lượng lưu huỳnh xuống”, ông Biên nói và cho biết thêm, lượng than được nhập khẩu lớn từ đầu năm tới nay chủ yếu là của các đơn vị thương mại. Ngoài ra, cũng có không ít nhà máy xi măng đang nhập khẩu than ngoại với phương thức xuất khẩu clinker và đổi hàng.
Lý giải việc than nhập khẩu đột biến gia tăng trong năm nay, đại diện Vinacomin cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu chậm lại, trong khi năng lực sản xuất than của nhiều nước còn cao, nên giá than trên thị trường quốc tế giảm mạnh, đó là lý do khiến lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng. Chỉ tính riêng Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu đã giảm 280 triệu tấn than và cả năm dự kiến sẽ cắt giảm sản xuất 500 triệu tấn. Diễn biến của thị trường than quốc tế khiến nhiều nước phải điều chỉnh giảm thuế để ổn định sản xuất, việc làm, đảm bảo đời sống cho thợ mỏ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các loại thuế, phí với than liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác 2% được Vinacomin cho là “bản chất là thu thuế tài nguyên lần 2 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”, thì than hầm lò hiện phải nộp thuế 12%, than lộ thiên phải nộp 14% thuế tài nguyên. Mức thuế tài nguyên này cũng cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, tại Australia, thuế suất thuế tài nguyên với than lộ thiên trung bình là 7%, hầm lò là 6% và nếu mỏ sâu hơn 400 mét thì chỉ còn 5%, đồng thời giá tính thuế được trừ chi phí sàng tuyển, vận chuyển, tiêu thụ, phí tìm kiếm thăm dò... Tại Indonesia, mức thuế tài nguyên chỉ từ 3 - 7%; tại Trung Quốc là 0 - 4%.
Như vậy, chỉ riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn từ 7 - 10% so với các nước trong khu vực. Cộng với thuế nhập khẩu than vào Việt Nam là 0%, thuế xuất khẩu than của các nước là 0%, than ngoại đang có nhiều cơ hội để lấn sân than nội.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Vinacomin cho biết, cho dù sản lượng tiêu thụ không thấp, nhưng doanh thu và lợi nhuận của ngành than bị sụt giảm lớn do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường diễn biến theo hướng bất lợi; điều kiện khai thác đặc thù ngành mỏ ngày càng xuống sâu làm cho chi phí về an toàn môi trường tăng cao, tỷ trọng than hầm lò tăng nhanh. Hiện giá bán khoáng sản gần như chạm đáy, trong khi các loại thuế, phí tăng.
Chưa tính các dự án mới
Sản lượng than nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên ngành than nội địa. Dự kiến, sản lượng than trong năm 2016 giảm 8,5% và ngành đang gặp nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch ban đầu, năm 2016, Vinacomin sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than. Nhưng đến nay, Vinacomin đã phải giảm kế hoạch sản lượng xuống còn 33 triệu tấn.
“Đạt được khối lượng khai thác này, Vinacomin cũng chỉ đảm bảo việc làm cho công nhân lao động 5 ngày/tuần. Nếu không, công nhân không đủ việc làm, sẽ khó khăn cho ngành than trong cả trước mắt và lâu dài, khi nhu cầu than cho điện sẽ tăng cao”, ông Biên bày tỏ. Được biết, lao động trong ngành than đã giảm từ 121.000 người năm 2015, xuống 115.000 người năm nay.
Báo cáo của Vinacomin tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kết quả hoạt động nửa đầu năm 2016 cũng cho hay, doanh thu toàn Tập đoàn chỉ đạt 45% kế hoạch năm 2016 và chỉ bằng 98% cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ bản đạt 8.404 tỷ đồng - bằng 35% kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, khai thác than của Vinacomin ngày càng khó khăn, vì xuống sâu, điều kiện phức tạp, đầu tư lớn, giá thành cao, trong khi xu thế diễn biến của năng lượng lại bất lợi cho ngành than. Để giải quyết khó khăn, Vinacomin phải điều chỉnh lại giải pháp thực hiện chiến lược, đánh giá lại công nghệ khai thác, nâng công suất hơn và giảm tổn thất, điều chỉnh linh hoạt sản xuất theo diễn biến mới thị trường.
Hiện Vinacomin có 25 dự án mở rộng và xây dựng mới cấp bách phải triển khai. Tuy nhiên, muốn đầu tư trước tiên phải có vốn, lợi nhuận, có vốn đối ứng để vay ngân hàng.
Trong giai đoạn hiện nay, các mỏ tại Việt Nam ngày càng phải xuống sâu, khiến chi phí sản xuất lớn. “Các mỏ lộ thiên trước chỉ cần bóc đi 3 m3 đất, cung đường vận chuyển chỉ 1 km là được 1 tấn than, thì nay phải bóc 11 m3 đất, đi 4 km mới sản xuất được 1 tấn than. Cộng thêm các loại thuế, phí rất cao như nói trên khiến giá thành than trở nên rất cao, thậm chí có những loại cao hơn giá giao dịch trên thế giới. Bởi vậy, nguồn than nhập khẩu dồi dào đang gây sức ép lên khai thác than trong nước, khiến doanh nghiệp phải giảm sản lượng, dẫn tới lợi nhuận cũng bị giảm mạnh. Nguồn để đầu tư và phát triển cũng bị hạn chế”, ông Biên chia sẻ và cho biết, trước thực tế này, các dự án đã theo quy hoạch và đang đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thành nhưng dự án mới sẽ phải cân nhắc kỹ.
Trước tình hình tiêu thụ và giá bán than diễn biến xấu, Vinacomin cũng buộc phải thực hiện các giải pháp có tính chất “cực đoan”. Ngoài giảm sản lượng khai thác than, đẩy mạnh tiêu thụ để giảm tồn kho, Vinacomin tiếp tục cắt giảm chi phí, những mỏ nào giá thành cao, chỉ sản xuất ở mức vừa đủ cho công nhân có việc làm và tăng sản xuất ở mỏ có giá thành thấp.
Một giải pháp khác cũng được thực hiện là tiếp tục giảm lương cán bộ quản lý gián tiếp, để ưu tiên tiền lương cho thợ lò, nhằm giữ chân thợ. “Để khai thác được than cần chuẩn bị từ 5 - 6 năm, nên khi giảm sản xuất vẫn phải giữ chân thợ mỏ để chủ động năng lực sản xuất khi thị trường tăng trưởng trở lại”, ông Thọ nói.