Trong nhịp sống hối hả hiện nay, mua thực phẩm online ngày càng phát triển. Nhiều người có thói quen lướt các chợ ảo, vào các ứng dụng mua sắm, hay xem các phiên livestream trên TikTok, Facebook... để chọn hàng.
Mua bán trên mạng dù tiện lợi, song lợi dụng việc không thể xem sản phẩm trực tiếp, một số đối tượng đã trà trộn sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa phần các loại đặc sản Tết bán trên mạng đều là thực phẩm homemade, handmade, hoặc nhập hàng từ các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn sản phẩm dựa trên các phản hồi của người mua trước đó, hoặc cam kết... miệng của người bán hàng.
Phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm loại này chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước, do đó, khó có thể bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Ngoài ra, khi chế biến, các cơ sở nhỏ lẻ có những hạn chế về điều kiện vệ sinh an toàn từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng, vì thế tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ đối với sức khỏe người dùng.
Trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử hiện có nhiều gian hàng ảo, trong đó bánh kẹo, thực phẩm, đồ khô, đồ trang trí Tết được quảng cáo rất nhiều. Song đa phần sản phẩm được bán trên chợ online trong tình trạng “3 không”: không có nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn dùng. Thậm chí, nhiều người bán còn tư vấn cho khách hàng mua những mặt hàng giá rẻ với lời quảng cáo là hàng nhập. Nhưng khi nhận hàng rồi, người mua mới “ngã ngửa” là những hộp bánh kẹo có thương hiệu nhái các thương hiệu nổi tiếng, không có địa chỉ sản xuất cụ thể nên không thể kiểm chứng được chất lượng.
Chị Minh, một người tiêu dùng ở Bắc Ninh kể, chị mua hộp sữa bột được quảng cáo là hàng ngoại nhập để đi mừng thọ. Khi nhận hàng mới biết hộp sữa đó nhái thương hiệu một cách tinh vi, vỏ hộp giống hệt về màu sắc, chỉ khác đúng một chữ trên nhãn hàng, rất khó nhận biết.
Trong các giỏ hàng gói sẵn, ngoài việc chen vào sản phẩm với tên gọi lệch đi 1-2 từ so với sản phẩm có thương hiệu, người bán còn có cách khác đánh lừa người tiêu dùng là rút ruột 30-40%, thậm chí hơn nửa khối lượng được in trên bao bì sản phẩm thương hiệu. Người mua tưởng hàng rẻ, trên thực tế bị móc túi một cách tinh vi mà không biết.
Ngoài ra, rất phổ biến tình trạng người kinh doanh dùng chai rượu thật đã qua sử dụng để đổ rượu khác vào, người mua khó phân biệt được.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là hồi chuông cảnh báo tới những người tiêu dùng có thói quen mua hàng online không để ý nguồn gốc, xuất xứ.
Trước thực trạng chợ online nở rộ, chất lượng nông sản, thực phẩm không bảo đảm, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý thực phẩm bẩn ở mức cao nhất. Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cùng với trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm, Thành phố sẽ tập trung giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo, để có một cái Tết an toàn thì người tiêu dùng chỉ nên mua hàng ở những cơ sở có giấy phép kinh doanh.
Về phía Bộ Y tế, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng nếu mua ở các chợ cư dân online, phải chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tìm hiểu kỹ về sản phẩm, chọn những chủ tài khoản bán hàng uy tín, được đánh giá cao, không nên mua vội vàng để rồi phải gánh hậu quả.
Hiện nay, việc kiểm tra xử lý các mặt hàng đặc sản Tết “nhà làm” bán trên mạng xã hội gặp nhiều khó khăn vì địa chỉ bán hàng không rõ ràng, bán hàng ở một nơi, kho xưởng lại ở nơi khác và chủ yếu bán dạng ship tại nhà. Do đó, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân khi mua sắm, đặc biệt là nông sản, thực phẩm nên tránh mua qua mạng, mà nên đến các siêu thị để mua.