Ths. Vũ Mạnh Trường, Khoa Phẫu thuật tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, trước đó, bệnh nhân mắc bệnh basedow có nhiều nhân hai thùy tuyến giáp đã điều trị nội khoa 2-3 năm không khỏi. Bệnh nhân đã tiêm cồn thời gian dài tại cơ sở tư nhân.
Ảnh minh hoạ. |
Điều này đã gây xơ hoá vùng cổ trước, liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược bên trái, tắc tĩnh mạch cảnh trái, chèn ép khó thở. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, giải phóng chèn ép và loại bỏ tuyến giáp, điều trị tình trạng cường giáp kéo dài đã thất bại với điều trị nội khoa.
Thách thức của đội ngũ y, bác sĩ trong ca mổ là việc tiếp cận tuyến giáp qua một khối xơ hóa rộng vùng cổ, loại bỏ tuyến giáp giàu mạch máu với nguy cơ chảy máu cao của bệnh basedow, đồng thời bảo tồn bó mạch cảnh vốn đã bị vây cứng bởi tổ chức xơ.
Kíp mổ sẵn sàng cho tình huống mở khí quản để duy trì đường thở nếu có tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược còn lại. Bệnh nhân được sử dụng Lugol để làm mạch máu tuyến giáp co lại, hạn chế tình trạng chảy máu, hormon được điều chỉnh về bình giáp.
Ca phẫu thuật đặc biệt do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Lương tiến hành cùng TS. Trần Đoàn Kết và kíp mổ thực hiện. Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tuyến giáp qua khối xơ hóa vùng cổ trước.
Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, toàn bộ tổ chức tuyến giáp và xơ hóa của bệnh nhân đã được loại bỏ, dây thần kinh thanh quản liên quan giọng nói được bộc lộ và bảo tồn, bệnh nhân duy trì tình trạng ổn định.
Qua trường hợp ca bệnh nặng và hiếm gặp trên, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra một số khuyến nghị bệnh nhân cần cân nhắc khi lựa chọn, tiếp cận phương pháp điều trị tiêm cồn; nên tiến hành thăm khám, điều trị bệnh lý tuyến giáp tại các cơ sở chuyên khoa.
Nhân viên y tế cần tuân thủ chỉ định tiêm cồn cho những trường hợp phù hợp, nên phối hợp với siêu âm trong suốt quá trình điều trị; tránh lạm dụng điều trị tiêm cồn thời gian dài;
Chuyên gia khuyến cáo, cần thay đổi phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật cho bệnh nhân Basedow, hạn chế tình trạng điều trị nhiều năm bằng phương pháp nội khoa.
Được biết, hầu hết các nhân giáp là lành tính. Một số bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như mức hormone kích thích tuyến giáp (TSH) huyết thanh từ bình thường đến cao, tiền sử chiếu xạ hoặc có hội chứng đa u các tuyến nội tiết (MEN) thì nên được theo dõi định kỳ sát sao hơn.
Một số đặc điểm siêu âm cũng có thể gây lo ngại về ung thư tuyến giáp như tình trạng vi vôi hóa và bờ không đều, hình dạng cao hơn rộng và tăng sinh mạch máu.
Mặc dù các nốt đơn độc có nguy cơ mắc bệnh ác tính cao hơn các nốt trong tuyến giáp đa nhân, nhưng nguy cơ chung của bệnh ác tính sẽ xấp xỉ bằng nhau. Điều này là do nguy cơ cộng gộp của mỗi nốt ở bệnh nhân có tuyến đa nhân.
Tiên lượng cho u ác tính tuyến giáp sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào loại mô bệnh học của ung thư. Ngoài ra, một số đặc điểm riêng lẻ cũng liên quan đến tiên lượng của ung thư tuyến giáp ác tính như tuổi chẩn đoán, kích thước của khối u nguyên phát, sự hiện diện của sự xâm lấn mô mềm hoặc di căn xa.
Các yếu tố khác liên quan đến sự gia tăng tái phát hoặc tử vong do bệnh ác tính bao gồm giới tính nam, liên quan đến hạch bạch huyết trung thất, sự chậm trễ trong điều trị phẫu thuật.
Ung thư dạng nang thường xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi và diễn ra theo một tiến trình tích cực. Nó thường liên quan đến di căn xa và tỷ lệ tử vong cao hơn so với ung thư tuyến giáp thể nhú.
Đến nay, nguyên nhân gây u tuyến giáp vẫn chưa được xác định rõ ràng nên không có cách nào để phòng ngừa bệnh này. Tuy nhiên, mỗi người có thể cố gắng giảm nguy cơ phát triển chúng bằng cách quản lý các yếu tố rủi ro nhất định.
Ví dụ, nếu mắc bệnh béo phì, hãy cố gắng giảm cân; nếu đang hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá; cần đảm bảo đủ i-ốt trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sử dụng biện pháp tránh thai bằng đường uống và/hoặc statin có thể giảm nguy cơ phát triển các nốt tuyến giáp. Vì vậy nên hạn chế dùng loại thuốc này để phòng ngừa nguy cơ phát triển u tuyến giáp.