Trong câu chuyện đầu năm mới, ông Noriyuki Watanabe, tân Tổng giám đốc SMBC chi nhánh Hà Nội chia sẻ với Báo Đầu tư những thành công và dự định của SMBC.
Lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam năm 2012?
Ưu tiên lớn nhất của Việt Nam năm 2012 là kiềm chế lạm phát. Vì vậy, tôi cho rằng, nền kinh tế sẽ không có tốc độ tăng trưởng cao. Đối với ngành ngân hàng, hoạt động cho vay sẽ tiếp tục được thắt chặt cho đến khi chúng ta thấy các tia sáng của nền kinh tế châu Âu. Thị trường Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động mua bán, sáp nhập giữa các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, SMBC đạt kết quả kinh doanh khá tốt ở Việt Nam. Ông có hài lòng với kết quả này?
Điều thú vị là, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường rộng lớn, Việt Nam là nước đầu tiên chúng tôi thành lập 2 chi nhánh (các nước khác đều thành lập 1 chi nhánh). Tháng 3/2011, chúng tôi đã tăng vốn ở cả hai chi nhánh lên đến 500 triệu USD để kinh doanh hiệu quả, tuân thủ các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, quy định trần tăng trưởng tín dụng 20% của NHNN khiến chúng tôi gặp một số khó khăn trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Mặc dù vậy, tôi hài lòng với kết quả kinh doanh trong năm 2011.
Cụ thể, lợi nhuận của chúng tôi ước tăng 25-30% so với năm 2010. Tốc độ đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam nhiều hơn mức chúng tôi kỳ vọng, nên chúng tôi đã đạt được mục tiêu khá dễ dàng, thậm chí hoạt động tốt hơn dự kiến.
SMBC duy trì tới hai chi nhánh tại Việt Nam - điểm khác biệt so với các thị trường khác. Vậy cá nhân ông kỳ vọng như thế nào về tiềm năng thị trường ngân hàng Việt Nam?
Chúng tôi cho rằng, Việt Nam rất có tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng. Khi các công ty Nhật Bản lựa chọn để chuyển hướng đầu tư ra thị trường nước ngoài, họ nhìn vào dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng rất lớn và sẽ tiếp tục tăng của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 6-7% là khá tốt. Hơn nữa, mức tăng trưởng này là khá ổn định, đã mang lại sự tự tin cho chúng tôi. Thứ hai là mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản rất tốt và ngày càng phát triển. Đó là lý do tại sao chúng tôi mở hai chi nhánh ở đây.
NHNN khẳng định, năm 2012 sẽ cấp hạn mức tín dụng theo phân loại ngân hàng. Điều này có quan trọng với SMBC không, thưa ông?
Điều này có vẻ tốt. Tôi không chắc ngân hàng chúng tôi có nằm trong nhóm các ngân hàng chịu sự hạn chế hay không. Tuy nhiên, trên cơ sở sự ổn định và an toàn của chúng tôi, hy vọng NHNN sẽ đưa chúng tôi vào nhóm A với hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 có thể khoảng 20% hoặc hơn.
Thành thực mà nói, hạn mức 20% là không đủ cho chúng tôi. Năm 2012, chúng tôi hy vọng hoạt động kinh doanh của Sumitomo sẽ tốt hơn năm nay.
Tìm kiếm cơ hội
SMBC vẫn chưa gia nhập thị trường ngân hàng bán lẻ. Lĩnh vực này có nằm trong chiến lược phát triển của Ngân hàng không, thưa ông?
Sumitomo chi nhánh Hà Nội đã thành lập được 3 năm, nhưng chúng tôi vẫn chưa thâm nhập vào mảng ngân hàng bán lẻ, mà chỉ tập trung vào hai mảng lớn là cho vay các dự án lớn của Chính phủ và giao dịch với khách hàng của Nhật Bản.
Thành thực mà nói, thật không dễ dàng tham gia vào mảng ngân hàng bán lẻ, vì chúng tôi chưa có đủ kinh nghiệm ở đây.Vì vậy, chúng tôi quyết định hợp tác với Eximbank (đã mua 15% cổ phần của ngân hàng này). Đây là bước đi đầu tiên của chúng tôi trong hợp tác với một ngân hàng trong nước. Thông qua việc hợp tác này, chúng tôi đang theo dõi thị trường. Nếu nhìn thấy cơ hội ở lĩnh vực khác, có khả năng chúng tôi sẽ tiến tới.
Kết quả hợp tác giữa SMBC và Eximbank có khiến ông hài lòng?
Có thể nói, quan hệ hợp tác giữa hai bên là rất tốt. Các khách hàng mà chúng tôi đang phục vụ chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản. Họ có rất nhiều nhân viên và chúng tôi hiểu, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của những nhân viên này là rất lớn.
Vì vậy, chúng tôi cố gắng giới thiệu khách hàng của mình mở tài khoản tại Eximbank. Lượng tài khoản cá nhân mà chúng tôi giới thiệu đang tăng dần.
Ngoài tài trợ các dự án Chính phủ và cho vay với các doanh nghiệp Nhật Bản, còn lĩnh vực nào mà SMBC dự định triển khai thời gian tới?
Chúng tôi đang xem xét khả năng hoạt động trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A). Trong tương lai, chúng tôi có thể thu xếp và hỗ trợ các thương vụ sáp nhập giữa một công ty Nhật Bản và một công ty Việt Nam. Tôi dự đoán nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực tiêu dùng giữa công ty Nhật và công ty Việt Nam sẽ diễn ra thời gian tới, ví dụ trường hợp Công ty Unicharm của Nhật mua cổ phần Công ty Diana. Lý do là, các công ty Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Chúng tôi chưa tham gia thu xếp các thương vụ M&A vì chi nhánh ở Hà Nội mới hoạt động 3 năm, ở TP.HCM là 5 năm, chúng tôi cần tích lũy thêm kinh nghiệm.
Việt Nam đang xem xét tái cấu trúc ngành ngân hàng, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc M&A các ngân hàng thương mại? SMBC thấy cơ hội nào từ việc tái cấu trúc ngành ngân hàng của Việt Nam?
Có nhiều điều mà chúng tôi học được từ "sự bùng nổ của nền kinh tế bong bóng" đầu những năm 1990 ở Nhật Bản. Một trong số đó là các ngân hàng phải xử lý các khoản nợ xấu ở mức nhanh nhất và nghiêm khắc nhất có thể.
Đối với trường hợp của chúng tôi ở Nhật Bản, việc này đã diễn ra khá chậm ở giai đoạn đầu. Vì vậy, phải mất khoảng 20 năm ngành ngân hàng mới có thể hồi sinh. Trong giai đoạn này, một vài ngân hàng sẽ bị sụp đổ.
Chúng tôi luôn xem xét, lựa chọn cách tốt nhất để mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, nhưng hiện chúng tôi chưa quyết định cụ thể.
Háo hức chờ đón Tết Việt Nam
Được biết, ông đến Việt Nam chưa lâu. Vậy Việt Nam có khác nhiều so với hình dung ban đầu của ông không?
Tôi đã ở Hà Nội được 4 tháng. Khi còn ở Nhật Bản, tôi đã nghe nhiều điều về Việt Nam từ các phương tiện truyền thông và tôi hiểu rằng, nhiều công ty Nhật Bản đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam.
Tôi nhận thấy rằng, Hà Nội đẹp hơn nhiều so với suy nghĩ của mình. Tôi rất ngạc nhiên vì rất nhiều xe đạp và cần trục được dùng cho việc xây dựng.
Tôi thấy hầu hết người Việt Nam rất tốt bụng, thân thiện và thông minh. Tôi rất hãnh diện vì mình đã ở đây. Như bạn biết đấy, động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 đã tàn phá bờ biển phía Bắc của Nhật Bản. Tôi đã rất cảm động khi được biết, cùng với đông đảo nhân dân Việt Nam, các nhân viên ở chi nhánh của chúng tôi đã đóng góp rất nhiều cho các nạn nhân của trận động đất. Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình vì sự quyên góp này.
Thời gian rỗi ở Việt Nam, ông thích làm gì?
Sở thích của tôi là chạy bộ. Ở Hà Nội, tôi cố gắng chạy quanh Hồ Tây khi thu xếp được thời gian, nhưng bây giờ, hầu như tôi chỉ tập thể dục trong nhà, vì công việc quá bận rộn.
Thỉnh thoảng, tôi có chơi golf, đọc sách và dã ngoại. Tôi đã tới thăm cảnh đẹp vịnh Hạ Long. Tôi cũng rất thích đồ ăn của Việt Nam, bởi vì chúng khá giống với các món ăn của Nhật Bản. Tôi có thể ăn đồ ăn của các bạn hàng ngày.
Cảm nhận của ông khi ngày Tết cổ truyền của Việt Nam đang đến rất gần?
Đây là lần đầu tiên tôi ăn Tết Việt Nam. Tôi đang rất háo hức chờ đợi đến ngày được hưởng không khí Tết cổ truyền của các bạn.
Thùy Liên