Bén duyên từ vàng đến ngân hàng
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời, từ nhỏ, Cao Thị Ngọc Dung đã được sống trong giá trị của chữ “tín” trong kinh doanh. Cũng chính vì thế, chữ tín là điều kiện tiên quyết khi bà tiếp nhận và rèn rũa đội ngũ của mình.
Và chữ tín đã trở thành văn hóa kinh doanh của PNJ và những người PNJ.
Đúng là phải hiểu rõ văn hoá kinh doanh này, mọi người mới lý giải được tại sao người đứng đầu PNJ có thể châm chước cho nhân viên nếu có sai sót trong nghiệp vụ, thậm chí trong cả quyết định kinh doanh, nhưng họ sẽ không thể được chấp nhận nếu làm mất đi niềm tin, chứ tín của khách hàng.
Câu chuyện bén duyên với lĩnh vực kinh doanh vàng và ngân hàng của bà dường như cũng bắt đầu từ chính quan điểm nghiêm khắc về chứ tín và trách nhiệm với chứ tín này.
Sau khi PNJ thành lập 2 năm, bà được Thành ủy TP.HCM điều động để giải quyết đổ vỡ của Trung tâm Tín dụng Phú Gia. Với uy tín được tạo dựng trên văn hoá kinh doanh của mình, cùng sự tin tưởng của các lãnh đạo chính quyền, bà đã đưa ra phương án trả vốn cho dân. Mọi việc được giải quyết ổn thoả.
Thành công từ vụ Tín dụng Phú Gia là cơ sở để nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm khuyến khích bà cùng với một số thành viên khác thành lập DongA Bank. Hiện bà là Chủ tịch HĐQT danh dự của DongA Bank và PNJ là cổ đông lớn của Ngân hàng, còn chồng bà, ông Trần Phương Bình là Tổng giám đốc DongA Bank.
Bà Dung cho biết, những năm mới thành lập, hoạt động của PNJ tập trung vào kinh doanh mua, bán vàng miếng. Theo bà, ở thời kỳ đó (năm 1988 - 1992) khi kinh doanh vàng còn hạn chế đối với các doanh nghiệp tư nhân, thì hoạt động trong lĩnh vực vàng miếng lãi lớn và là nguồn thu nhập chính của Công ty. Nếu chỉ nhìn vào những món lợi trước mắt, thì có lẽ, sự thể đã khác và chắc chắn rằng, Việt Nam đã không có thương hiệu PNJ. May thay, bà Dung đã chọn lối đi riêng cho mình và cho PNJ.
Năm 1992, khi có cơ hội tiếp cận những thông tin về công nghệ và doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất nữ trang công nghiệp, bà đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đưa người đi đào tạo ở nước ngoài và liên tiếp trong nhiều năm, thuê các chuyên gia nước ngoài về đào tạo. Kết quả của bước đi bài bản và dài hạn này đã đưa PNJ vươn lên dẫn đầu và giữ vững về số lượng và chất lượng nữ trang trong cả nước.
Hiện PNJ có các nhãn hàng đáp ứng cho từng phân khúc thị trường, trong đó, 3 nhãn hàng CAO Fine Jewellery, PNJGold, PNJSilver đã tạo được dấu ấn tích cực. Thương hiệu kiểm định Kim cương PNJ chiếm vị trí số một tại Việt Nam, ngang bằng với thương hiệu số một quốc tế là GIA và được GIA đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu của mình.
Năm 2012, ý thức được tình hình kinh tế khó khăn, nên ngay từ đầu năm, bà Dung đã nhanh chóng đề ra các chương trình hành động, chấn chỉnh về nhiều mặt, nhằm giữ vững doanh thu cho PNJ, tiết giảm tối đa chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Do đó, so với thị trường chung, trong bối cảnh ngành trang sức thế giới và Việt Nam giảm mạnh, doanh thu của PNJ chỉ bị giảm nhẹ. Kết quả lợi nhuận trước thuế chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2011 khoảng 6,6%, đạt 280 tỷ đồng, đã chứng minh tài cầm lái của nữ thuyền trưởng tài ba.
Từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ ban đầu chỉ có 20 nhân sự, tài sản vỏn vẹn 7,4 lượng vàng, nhưng hôm nay, PNJ đã trở thành một doanh nghiệp đại chúng có tổng tài sản hoạt động trên 2.500 tỷ đồng, với đội ngũ nhân sự gần 2.428 người, sở hữu một xí nghiệp sản xuất nữ trang quy mô lớn và gần 1.000 thợ kim hoàn lành nghề. Thương hiệu PNJ không những khẳng định được vị thế ở thị trường nội địa, mà còn vươn tầm khu vực. Sản phẩm nữ trang PNJ cũng đã được xuất khẩu sang các nuớc thuộc châu Âu, Mỹ, Australia… Để có được thành công như ngày hôm nay, bà Dung cho biết: “Đối với cá nhân tôi, không có bí quyết của thành công, bởi đơn giản, chúng tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu”.
Thành công nhờ đánh giá lại bản thân
Đứng trong top 5 phụ nữ CEO quyền lực nhất Việt Nam, top 5 doanh nhân xuất sắc nhất được vinh danh trong Giải thưởng “Ernst & Young – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2011” và còn nhiều giải thưởng khác nữa, nhưng theo bà Dung, chính những cuốn sách về giá trị sống, tư duy tích cực, tư duy đột phá chính là động lực, chắp cánh cho những thành công đó.
Tuy nhiên, nữ CEO của PNJ cho rằng, nếu chỉ nhắc lại lịch sử hình thành của PNJ để tự hào, mà không biết kịp thời cập nhật kiến thức và chiến lược kinh doanh, thì khó có thể thành công. Vì thế, với bà, cũng như HĐQT PNJ luôn biết nhìn lại để đánh giá chính bản thân mình là cách tạo nên tầm nhìn chiến lược chính xác trong từng thời kỳ.
Vì thế, song song với quá trình liên tục học hỏi, PNJ luôn xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn. Chẳng hạn trong giai đoạn 2012 - 2022, PNJ đã không ngần ngại khi mạnh dạn mời chuyên gia tư vấn nước ngoài hỗ trợ quá trình tái cấu trúc.
Điều làm cho vị CEO này tự hào nhất chính là PNJ đã tạo được môi trường làm việc, mà ở đó mọi người luôn có cảm giác như đang ở trong một đại gia đình có giáo dục với nền nếp gia phong quy củ. “Đó là vốn liếng và cũng là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc”, bà Dung chia sẻ.
Tại PNJ, người lao động đều được đối xử thân tình như những người trong một gia đình. Vì ở đó, mọi người đều hiểu được mình đang ở đâu, làm gì và tương lai sẽ ra sao. Ngoài việc tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, thì CEO Cao Thị Ngọc Dung còn là một tấm gương trong công việc và lối sống để cấp dưới noi theo.
Cùng lúc kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, bà Dung cũng cảm thấy có quá ít thời gian dành cho bản thân và gia đình. Nhưng với bà và cả ông xã hiện là Tổng giám đốc DongA Bank luôn quan niệm, hạnh phúc lớn nhất là tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho nhiều người, đóng góp được gì cho xã hội. Cũng là dễ hiểu khi nữ CEO này luôn xem PNJ, DongABank là 2 đứa con tinh thần của vợ chồng bà. “Chắc chắn, cũng đến một lúc nào đó phải có người kế nhiệm thôi. Nhưng thực sự, đối với lĩnh vực kinh doanh nữ trang vàng, cũng hơi khó chọn người kế nhiệm. Vì đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn, sự tinh tế về mỹ thuật, thời trang, am hiểu về cả kỹ thuật…”, bà nói.
Cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh vàng và nữ trang tại Việt Nam đang nóng lên, nhưng chưa phải quá gay gắt. Tuy nhiên, để thực hiện được chiến lược của mình và cụ thể tại PNJ là chiến lược bán lẻ, bà Dung cho rằng, PNJ phải có những thay đổi về nhiều mặt. “Chiến lược PNJ lâu nay là chú trọng vào bán lẻ, thành công của PNJ trong mấy chục năm qua là đặt khách hàng làm trọng tâm, nhưng trong thời kỳ này cần phải làm tốt hơn nữa”, CEO PNJ nhấn mạnh.
Tầm nhìn trong 10 năm tới của PNJ được định vị “là nhà bán lẻ trang sức hàng đầu khu vực châu Á và giữ vị trí số 1 tại các phân khúc thị trường nội địa PNJ nhắm đến”.
Hiện tại, ở thị trường nội địa tuy chưa có một thống kê hay khảo sát nào về thị phần nữ trang, nhưng thực tế nhãn hàng nữ trang vàng, bạc PNJ đã khẳng định được vị thế dẫn đầu. Đồng thời, PNJ đã nằm trong top 500 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương. Chưa dừng lại, nữ CEO danh tiếng của PNJ?đang đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, bán buôn và phát triển sản xuất nữ trang, kể cả xuất khẩu.
CEO Cao Thị Ngọc Dung Sinh năm 1957, là Cử nhân Kinh tế thương nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM Quá trình công tác: 1984 – 1985: Phó phòng Kế hoạch Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận 1985 – 1987: Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Nông sản - Thực phẩm Quận Phú Nhuận. 1988 – 2003: Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận 1990: Giám đốc Trung tâm Tín dụng Phú Gia 1991 – 1992: Giám đốc Công ty Thương mại Phú Nhuận: 1992 – 1997: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á Từ 2003 tới nay là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Đông Á Từ 2005 – 2011 là Chủ tịch HĐQT Công Ty CP Năng lượng Đại Việt Từ 2004 tới nay là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận |
Thùy Vinh