Rác chất đầy dọc bãi biển |
Giữa cái nắng mùa hè bỏng rát, mùi tanh nồng từ biển, mùi hôi thối từ những đống rác sộc thẳng vào làng. Không rõ, người dân ở đây đã sống và chịu đựng cảnh này từ bao lâu?
Dọc bãi biển vài km, không khó tìm thấy những đống rác chất đầy ngay sát mép nước; từ chăn màn, túi nilông, đồ cũ hỏng… Đi kèm với chúng là mùi xú uế bốc lên nồng nặc.
"Bà con nơi đây bất đắc dĩ phải thích nghi với cuộc sống như thế này bao nhiêu năm rồi, từ đời cha ông, nên cũng thành quen", ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) chia sẻ.
“Nước lên mang theo rác và khi nước xuống thì rác ở lại. Xã Đa Lộc có gần 5 km đường biển phụ thuộc thủy triều lên, xuống. Chúng tôi nằm trong “rốn rác”, mỗi tháng có tới 7 đến 10 tấn rác được kéo từ khắp nơi tới và ứ đọng lại ở đây. Một tháng hai lần chúng tôi giao cho toàn thể người dân sát mép nước tiến hành thu gom rác. Qua những cuộc họp Hội đồng nhân dân, tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên huyện, ưu tiên dành kinh phí tăng cường cho việc xử lý rác trên bờ biển, nhưng không làm xuể”, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc nói.
Trước đây, rác còn quấn chằng chịt lên cây cối trong rừng ngập mặn. Và, trong hơn 400 ha rừng phòng hộ ngập mặn ven biển (với chức năng chắn sóng, chắn gió bảo vệ đê biển, là lá phổi xanh bảo vệ người dân, cũng là nơi sinh kế của bà con) thì có tới 100 ha rừng bị "bóp nghẹt" sự sống bởi rác, thải khiến cây chậm phát triển, gãy đổ và chết dần.
Cũng theo ông Đỉnh, để khắc phục tình trạng ấy, hiện nay hơn 400 ha rừng ngập mặn này đã được bảo vệ bằng hàng rào chắn rác.
Tuy nhiên, giải pháp này không thể ngăn cản được loại rác nhỏ cũng như nước bẩn xâm nhập vào. Có lẽ vì vậy mà các loại cây trồng mới, cây non chưa có khả năng thích nghi vẫn bị chết.
Do khu vực biển của xã Đa Lộc nằm ở vị trí cửa sông Lèn nên toàn bộ rác thải ở khu vực thượng nguồn đều theo thủy triều đổ dồn về đây. Vậy nên, mặc dù địa phương đã thực hiện triệt để việc thu gom rác thải trong khu dân cư, thế nhưng, bờ biển của xã vẫn thường rơi vào tình trạng bị rác “bủa vây”. Nhất là sau những trận mưa lớn hoặc thuỷ triều dâng, khu vực này lại tràn ngập rác thải từ khắp nơi dồn về. Và đó cũng là tình trạng chung các vùng ven biển của xã Hải Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc).
Chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ UBND xã Ngư Lộc cho biết: Trước đây, rác thải trên bờ biển bao gồm cả rác từ nơi khác đổ về và rác của người dân tại đây thải ra. Song những năm gần đây, đã có các công ty thu gom rác nên dân không ném bừa bãi ra biển nữa. Chỉ còn rác ở nơi khác vẫn đều đặn đổ về nên chúng tôi vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Ngày mưa thì rác lũ lượt “kéo nhau” về, ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên sặc sụa kéo theo ruồi xanh bủa vây khắp làng, nhiều khi chén nước rót ra chưa kịp uống, ruồi đã bu kín.
Dân số xã Ngư Lộc vào diện đông nhất cả nước, tổng diện tích được 0,93 km2 nhưng đất ở chỉ có 0,46 km2, còn lại là đất bãi bồi và diện tích đảo Hòn Nẹ. Mật độ dân số của xã biển này là trên 36.000 người/km2 cao gấp 15 lần so với Hà Nội và 8,25 lần so với TP. Hồ Chí Minh (mật độ dân số của Hà Nội là 2.398 người/km2, TP. Hồ Chí Minh là 4.363 người/km2, theo điều tra dân số năm 2019). Xã có trên 80% người dân sống bằng nghề đi biển, khai thác hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Lượng rác thải từ ngành nghề này cũng rất lớn. Hàng ngày, người dân đã phải xoay sở với hàng tấn rác thải sinh hoạt, cộng thêm rác từ tứ xứ đổ về khiến mảnh đất này càng thêm gánh nặng.
Lúc quay trở về, trời đã dịu mát hơn, bọn trẻ con đã nô đùa trên bờ biển và đang nhặt nhạnh thứ gì đó, ngay cạnh những đống rác đầy ú. Đó là cuộc sống của họ. Bao nhiêu năm qua, hàng nghìn người dân ở vùng biển Hậu Lộc đã sống và chịu đựng với môi trường như vậy. Và cuộc sống ấy sẽ còn tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác nếu con người vẫn ném rác bừa bãi ra môi trường, ném rác ra biển, để mỗi khi thuỷ triều lên lại đưa tất thảy chúng đến với bà con nơi cửa bể đã quá nhiều cơ cực này.