Tiến thoái lưỡng nan
Ngày 28/4/2017, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có Thông báo số 4578/UBND - THKH thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh về việc không chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trồng hoa, rau, củ, quả nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống; chưa xem xét đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực Đảo Mê và các cụm đảo nhỏ (trong khuôn khổ Dự án Khu du lịch Biển Xanh) của Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu (thông báo số 14045/UBND - THKH ngày 16/11/2017).
Để đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh, CTCP Phúc Hoàng Nghiêu đã nhận chuyển nhượng diện tích đất khá lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Dự án |
Cụ thể, tại Thông báo số 14045/UBND - THKH ngày 16/11/2017, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định tạm dừng Dự án Khu du lịch Biển Xanh bằng cách chưa xem xét đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực Đảo Mê và các cụm đảo nhỏ (khu vực 2 Dự án Khu du lịch Công viên Biển Xanh), bất chấp việc diện tích đất này đã được Bộ Quốc phòng đồng ý chuyển giao cho địa phương 223,9 ha đất quốc phòng để quy hoạch dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái cao cấp cụm Đảo Mê (Văn bản số 7753/BQP - TM do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ngày 19/9/2014).
Nhiều lý do được viện dẫn cho sự thay đổi đột ngột về chủ trương đầu tư của người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa với các dự án này như: nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ; Dự án nằm trong vùng bảo vệ di tích lịch sử, trong quy hoạch tuyến đường giao thông… Những văn bản, kiến nghị, chỉ đạo của các sở, ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa trước đó và đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đã không được tính đến tại các thông báo nêu trên.
Cụ thể, 3 năm trước, tại Văn bản số 11922/UBND - THKH ngày 5/12/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khi đó là ông Trịnh Văn Chiến (nay là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) đã chấp thuận chủ trương, địa điểm cho Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch Công viên Biển Xanh tại các thôn Tân Vinh, Tân Hải và Nam Hải (xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia).
Dự án đầu tư có tổng diện tích 467,5 ha, gồm 2 phần: Khu vực đất liền, nhà đầu tư được phép xây dựng các công trình khách sạn, nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở liền kề, đất nền phân lô tại khu vực ven biển, với diện tích 8,5 ha; Khu mặt biển, nhà đầu tư được thực hiện nuôi trồng thủy sản kết hợp dịch vụ thăm quan, khám phá thiên nhiên tại cụm đảo Hòn Mê (trừ phần quân sự quản lý), các hòn đảo nhỏ và mặt nước xung quanh gồm: Hòn Bung, Hòn Diêm, Hòn Cháy, Hòn Ruộc, Hòn Miệng, Hòn Buồn, Hòn Sổ, Hòn Sập, Hòn Nếu… với tổng diện tích khoảng 459 ha mặt nước. Khu đảo được đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ (diện tích khoảng 10 ha) và các nhà khu vực quản lý nuôi trồng thủy sản (diện tích khoảng 500 m2).
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn, UBND huyện Tĩnh Gia) thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, địa điểm thực hiện Dự án Du lịch Công viên Biển Xanh cho Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Lê Hồng Đặng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu cho biết, năm 2014, sau khi chủ trương đầu tư được thông qua, Dự án Khu du lịch Biển Xanh đã tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tại Thông báo số 4578/UBND - THKH, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tách Dự án thành 2 phần, tạm dừng lại 1 phần, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng.
“Hai khu vực của Dự án bổ trợ và phụ thuộc lẫn nhau. Bằng cách tạm dừng diện tích bổ trợ chức năng nuôi trồng thủy sản, kết hợp dịch vụ thăm quan, khám phá thiên nhiên, trong khi yêu cầu chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án phần đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã buộc nhà đầu tư ở vào thế tiến thoái lưỡng nan”, bà Lê Hồng Đặng lý giải.
Tiền hậu bất nhất
Về Thông báo số 4578/UBND - THKH (ngày 28/4/2017), Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa thông báo ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh này không chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trồng hoa, rau, củ, quả nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống của Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu, theo bà Lê Hồng Đặng, là “hết sức mâu thuẫn”.
Theo Thông báo, khu đất mà Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu đề nghị thực hiện Dự án không phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất huyện Nông Cống đến năm 2020, thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử Thành Hoàng Nghiêu (căn cứ Nguyễn Chích), nằm trong phạm vi nghiên cứu tuyến đường giao thông Sao Vàng - Nghi Sơn giai đoạn 2.
Thực tế, tại Công văn số 2163/UBND - THKH ngày 26/3/2014, Dự án này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết 1/500. Ngày 26/5/2014, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra thực địa và hội nghị lấy ý kiến các đơn vị liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nông Cống, UBND xã Hoàng Sơn).
Khu vực lập quy hoạch có quy mô 400 ha, mục tiêu nhằm bảo tồn và từng bước khôi phục lại hệ thống thành Lê Chích và xây dựng mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao khoảng 100 ha. Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa khi đó chỉ rõ, “theo quy hoạch sử dụng đất huyện Nông Cống đến năm 2020 được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 959/QĐ - UBND ngày 4/4/2014, khu vực trên có chức năng là khai thác vật liệu xây dựng và đất sản xuất nông nghiệp”.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa (khi đó là ông Phạm Minh Huân), phần lớn diện tích đất Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu dự kiến đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch sử dụng đất huyện Nông Cống đến năm 2020 được phê duyệt. “Do đó, cho phép Công ty tiếp tục sử dụng phần diện tích đất nêu trên để thực hiện việc ươm giống câu trồng. Khi các dự án trong khu vực triển khai mới xét đến yếu tố tác động của Dự án đối với phần diện tích trên,” Sở Xây dựng Thanh Hóa kiến nghị.
Ý kiến tham vấn của các sở, ngành liên quan và UBND huyện Đông Sơn, UBND huyện Nông Cống, tại Công văn số 6742/SXD - QH ngày 22/11/2016, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương, cho phép Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu lập quy hoạch xây dựng khu công nghệ cao và du lịch tâm linh tại khu vực thuộc 3 huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Nông Cống.
Để chuẩn bị đầu tư Dự án, Công ty cổ phần Phúc Hoàng Nghiêu đã nhận chuyển nhượng khoảng 40 ha đất nông nghiệp từ các hộ dân trong khu vực xã Hoàng Sơn và đang tiến hành đầu tư trang trại sản xuất và gieo trồng cây giảo cổ lam, chanh ngọt, sâm Ngọc Linh, tiến hành lập và chi trả kinh phí quy hoạch bảo vệ khu tâm linh cụm di tích Thành Lê Chích, sớm đưa dự án vào hoạt động.
Tại Hội nghị tham mưu đề nghị lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh cụm di tích thành Lê Chích tổ chức ngày 25/4/2014, các sở, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo UBND huyện Nông Cống “rất ủng hộ và đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty, đồng thời kiến nghị dừng và di chuyển các dự án liên quan đến việc khai thác đá tại dãy núi Hoàng Sơn đến vị trí khác”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc quy hoạch và bảo tồn cụm di tích thành Lê Chích là rất cần thiết. Ban Quản lý cũng đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh quy hoạch và cắm mốc bảo vệ, đồng thời di chuyển các dự án khai thác vật liệu xây dựng ra ngoài phạm vi bảo tồn. Tuy nhiên, đến nay, việc này chưa thực hiện được do không có kinh phí. Nếu có nhà đầu tư đứng ra thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích là việc cần khuyến khích.
Mặc dầu vậy, tất cả ý kiến này đã bị Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa “phớt lờ” tại Thông báo số số 4578/UBND - THKH ngày 28/4/2017 về việc không chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trồng hoa, rau, củ, quả nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống. Trong khi đó, một số tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện khai thác đá tại khu vực núi Hoàng Sơn gây bức xúc dư luận và nhân dân địa phương.