Hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam trở thành địa chỉ đỏ hút đầu tư
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN, nay là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 1996, Việt Nam đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và liên tiếp ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Tính đến nay, các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán là 16 hiệp định. Trong số này, có 10 FTA đã được thực thi, gồn 6 hiệp định được thực thi với tư cách là thành viên của ASEAN và 4 hiệp định song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Chi Lê, Liên minh kinh tế Á - Âu (EEC). Sự hội nhập mạnh mẽ này cho thấy, Việt Nam đang nỗ lực vươn lên trong khu vực châu Á.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được thông qua và chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ 14/1/2019, cùng với đó, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho Việt Nam.
Các FTA đã mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam trong hoạt động giao thương, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện và đánh giá cao.
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á đối với các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD. Có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đầu tư, Hàn Quốc đứng thứ hai với 6,8 tỷ USD, tiếp đến là Singapore đạt 4,1 tỷ USD. Các địa phương thu hút nhiều chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương…
Việt Nam đã trở thành địa chỉ đỏ thu hút nhà đầu tư, đặc biệt giới chuyên gia trong và ngoài nước dự báo, thời gian tới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến một lượng lớn nhà đầu tư rời công xưởng Trung Quốc đến Việt Nam xây dựng nhà máy. Kinh tế Việt Nam hứa hẹn sôi động và liên tục tăng trưởng.
Biến cơ hội thành thế mạnh vượt trội
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, nhìn vào các FTA, Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng có những khó khăn. Nếu doanh nghiệp vượt qua được khó khăn sẽ nắm chắc cơ hội thắng lợi, nên người ta hay nói "trong nguy có cơ" là vì thế.
TS. Thành phân tích về các khó khăn và chi phí mà doanh nghiệp Việt phải bỏ ra để đón lấy cơ hội. Đầu tiên là cạnh tranh tăng, bởi Việt Nam mở cửa, các nước khác cũng mở cửa. Doanh nghiệp Việt biết, nhưng các doanh nghiệp nước khác còn biết nhiều hơn, nên sự cạnh tranh sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt, đòi hỏi mỗi đơn vị cần có tính toán, nghiên cứu cẩn thận từng đường đi, nước bước.
Cạnh tranh có thể khiến một số doanh nghiệp, lĩnh vực không trụ vững được, dẫn đến việc làm, sản xuất - kinh doanh suy giảm. Đây chính là khoản chi phí điều chỉnh và số chi phí này có thể lớn. Ví dụ, không tồn tại, thích nghi được với hội nhập, doanh nghiệp phải chuyển mô hình kinh doanh, hoặc giảm sản xuất, tái đầu tư, giải quyết chính sách xã hội…, đi kèm với đó là các chi phí chuyển đổi.
Thứ hai, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp phải đảm bảo nhiều điều kiện từ xây dựng, kế hoạch, chiến lược, thỏa mãn nguyên tắc xuất xứ hay những tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn an toàn lao động… Đó là chi phí tuân thủ, không hề nhỏ. Ngay cả khi doanh nghiệp có cơ hội vẫn phải chi nhiều cho vấn đề này. Trong chi phí tuân thủ, có chi phí học hỏi, chi phí tiếp nhận thông tin.
Thứ ba, để dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp còn phải tính toán đến chi phí đầu tư.
Thứ tư, với nền sản xuất hiện nay, việc tham gia vào các mảng sản xuất, các chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, nên cần cải thiện khâu này. Cần tăng cường liên kết, kết nối, bởi đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, giúp doanh nghiệp nước ngoài biết mình, hiểu mình.
“Bản chất của các cam kết hiệp định thương mại là những bản hợp đồng có chế tài giám sát nên phải biết học hỏi, biết tận dụng pháp lý để bảo vệ mình, tận dụng cơ hội của mình”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Nói như thế có nghĩa, các cơ hội từ FTA mở ra là yếu tố đòn bẩy, nhưng quan trọng hơn, mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị đầy đủ năng lực trước khi bước chân ra biển lớn. Biển lớn nhiều cá to, nhưng doanh nghiệp mạnh là doanh nghiệp biết cách chinh phục được đàn cá ấy hiệu quả bằng tài năng, trí tuệ và sự chuyên nghiệp.
2019 mở ra vận hội mới
Năm 2019, khi cả CPTPP và EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại những thuận lợi chưa từng có cho Việt Nam trên con đường hội nhập, chinh phục các thị trường khó tính nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, EVFTA thực sự là thời cơ vàng cho Việt Nam. Hiệp định sẽ mang lại lợi ích thiết thực nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công thương cho biết, EVFTA sẽ loại bỏ hơn 99% các mức thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, hoặc sau lộ trình ngắn, loại bỏ phần còn lại thông qua hạn ngạch thuế quan hạn chế, được gọi là hạn ngạch thuế quan. Chẳng hạn, đối với các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm, EU sẽ không mở cửa hoàn toàn cho hàng nhập khẩu của Việt Nam, hạn ngạch sẽ giới hạn số lượng có thể vào EU miễn thuế, bao gồm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, trứng, đường, các sản phẩm chứa nhiều đường, tinh bột…
Đối với lĩnh vực dệt may và giày dép, Bộ này lưu ý, để hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi, các quy tắc xuất xứ yêu cầu sử dụng các loại vải sản xuất tại EU, Việt Nam hoặc Hàn Quốc, một đối tác khác mà EU có thỏa thuận thương mại. Điều này sẽ đảm bảo rằng, các sản phẩm từ các quốc gia khác mà EU không có thỏa thuận thương mại không được tiếp cận không công bằng với EU thông qua Việt Nam.
Các doanh nghiệp ngành dệt may, thủy sản, xuất khẩu nông sản… của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ CPTPP, EVFTA. Tuy nhiên, vấn đề phòng vệ thương mại, rào cản về tiêu chuẩn đặt ra nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt.
Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, Công ty đã mua hệ thống máy xét nghiệm để kiểm tra chất lượng sản phẩm tôm trước khi xuất khẩu đi Úc, đảm bảo tiêu chuẩn tôm không bị đầu vàng, đốm trắng theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp dệt may đã triển khai nghiên cứu, nắm vững các quy định về yêu cầu xuất xứ, lộ trình giảm thuế, rào cản kỹ thuật của các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA để tận dụng cơ hội và vượt qua các rào cản của các nước nhập khẩu.
Mục tiêu đến năm 2020, dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu đạt 38 - 40 tỷ USD, đến năm 2025 con số này đạt 50 - 55 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2025 là 9%. Các sản phẩm chính của dệt may Việt Nam là xơ, sợi tự nhiên và tổng hợp; vải, sản phẩm may.
“Doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, hình thành chuỗi cung ứng, cân đối dần các khâu từ sợi, dệt, nhuộm đến may mặc và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chủ động truyền thông khẳng định thương hiệu với khách hàng trong và ngoài nước”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh về các giải pháp phát triển.
Không chỉ doanh nghiệp dệt may đang từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, khả năng chủ động về nguyên liệu cho may xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác cũng đang chuyển động linh hoạt để đón đầu xu thế, tăng trưởng cùng các cơ hội từ FTA.