Tài chính - Chứng khoán
Thanh khoản nhích tăng, VN-Index tiệm cận mốc 1.150 điểm
Tùng Linh - 10/10/2023 19:22
Dù áp lực bán cuối phiên cản đà tăng, cả ba chỉ số chứng khoán đều đóng cửa trong sắc xanh. VN-Index trở lại gần hơn mốc 1.150 điểm.

Thanh khoản vẫn khiêm tốn

Phiên thứ ba liên tiếp, VN-Index lấy lại đà tăng dù thanh khoản vẫn còn khá khiêm tốn. Chỉ số sàn HoSE mở cửa phiên tăng mạnh nhưng sau đó áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khi lượng cổ phiếu bắt đáy giá thấp ngày 06/10/2023 về tài khoản. Nhiều dòng cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên, kết phiên vẫn duy trì tăng 6,33 điểm (0,56%) so với phiên trước lên mức 1.143,69 điểm. HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,27%) lên 234,17 điểm. Chỉ số sàn UPCoM tăng 0,64% lên 87,45 điểm.

Thanh khoản còn khiêm tốn nhưng liên tục nhích tăng với giá trị giao dịch trên ba sàn  đạt gần 17.900 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HoSE đạt 15.347 tỷ đồng, tăng 11,5% so với hôm qua.

Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong phiên là SSI với gần 27,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng tương đương giá trị 924 tỷ đồng. Cổ phiếu chứng khoán cũng là tâm điểm giao dịch với cổ phiếu đạt thanh khoản trên 500 tỷ đồng gồm VND (556 tỷ đồng), VIX (501 tỷ đồng).

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với giá trị 286,22 tỷ đồng trên HOSE, tập trung nhiều nhất ở nhóm bất động sản, ngân hàng; trong khi mua ròng khá tốt trên HNX với giá trị 50,11 tỷ đồng.  Tính chung, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 293 tỷ đồng.

Cổ phiếu VPBank dẫn đầu đà rút ròng của khối ngoại (gần 83 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, nhóm này vẫn gom thêm 64 tỷ đồng mua cổ phiếu Hòa Phát.

VCB dẫn dắt phiên tăng

Cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh tiếp tục phục hồi với thanh khoản cải thiện hơn, đa số tăng giá khá tích cực. Nhiều đại diện của dòng ngân hàng cũng là đầu tàu kéo chỉ số đi lên, dẫn đầu là VCB. Top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường còn có TCB, VPB, ACB, VIB, HDB.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản là SSI nằm trong top 3 tác động tiêu cực, chỉ đứng sau GVR và VIC. .

Nhóm cổ phiếu xây lắp điện, điện có diễn biến khá tích cực nổi bật so với thị trường khi nhiều mã tăng mạnh, thanh khoản đột biến với PC1 (+3,15%), NT2 (+2,23%), POW (+2,23%), TTA (+1,79%)...

Các cổ phiếu vận tải biển, cảng biển cũng có diến biến khá tích cực đầu phiên giao dịch, tuy nhiên kết phiên chịu áp lực điều chỉnh, phân hóa mạnh với một số mã vẫn tăng giá nhẹ như DXP (+2,24%), SGP (+2,13%), VSC (+1,49%), GMD (+0,15%)... Trong khi đó, một số mã chịu áp lực bán ngắn hạn như HAH (-1,36%), VOS (-0,37%)

Dòng chứng khoán giao dịch khá tiêu cực. Đa số chịu áp lực bán trong phiên chiều tuy nhiên thanh khoản gia tăng mạnh hơn khi giảm điểm so với thanh khoản thấp ở những phiên phục hồi trước như FTS (-2,7%), SHS (-1,70%), BSI (-1,59%), SSI (-1,51%), VCI (-1,23%)...

Áp lực bán trong cuối phiên chiều cũng tác động lên đa số cổ phiếu. Tuy nhiên, tính chung, số lượng mã chứng khoán tăng vẫn áp đảo. Toàn sàn có 476 mã tăng giá, 38 mã tăng trần; trong khi đó chỉ có 236 mã giảm giá và 20 mã giảm sàn.

Thị trường đang cải thiện dần thanh khoản, nhiều mã, nhóm mã sau giai đoạn giảm giá mạnh vẫn đang luân phiên phục hồi.

Sáng 10/10/2023, tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, thủ tướng giao Ủy ban chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán, hoàn thành trong tháng 11/2023.

Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà Nước giảm cường độ hút tiền với lượng tín phiếu phát hành giảm nửa so với phiên liền trước, lãi suất hạ xuống còn 1%. Sau 13 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu, tổng số tiền hút về qua bán tín phiếu đạt gần 145.700 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác