VN-Index khởi động phiên đầu tuần mới cũng là đầu tháng 12 trong thế trận tích cực. Tâm lý giao dịch có sự thay đổi lớn thông qua điểm số và cả thanh khoản.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.120 điểm, tương ứng tăng 18,33 điểm (+1,66%). Sau 4 tuần vận động xung quanh ngưỡng điểm 1100 điểm có lẽ dòng tiền ngắn hạn đã xác định được điểm vào chủ động từ vùng hỗ trợ này tương đương với đáy 2 của nhịp hồi phục.
Tổng khối lượng giao dịch tăng mạnh so với phiên trước khi tăng hơn 85% đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu tương ứng với hơn 24.229 tỷ đồng về giá trị.
Lực cầu chủ động tăng mạnh không chỉ được ủng hộ từ phía nhóm vốn hóa lớn mà lan tỏa sang nhiều nhóm cổ phiếu đánh dấu mức độ tự tin của các giao dịch ngắn hạn đã thay đổi. Phiên hôm nay ghi nhận 487 mã tăng chiếm ưu thế hoàn toàn so với khiêm tốn 59 mã giảm. Tâm lý nghi ngờ liệu phiên hôm nay có phải là phiên “bùng nổ theo đà – FTD) thể hiện rõ qua bảng điện, khi nhiều mã có lúc chạm trần nhưng đóng cửa mất sắc tím. Tổng số mã đóng cửa kịch trần chưa đến con số 30.
Trong đó, ghi nhận sự đóng góp của nhiều nhóm ngành đua nhau tăng gần kịch trần như chứng khoán (SHS, VND, VIX, ...), trong đó, VIX và VND có thanh khoản cao nhất thị trường, lần lượt 68,84 triệu đơn vị và 56,54 triệu đơn vị. Nhóm xây dựng (VCG, FCN, HHV, …), bất động sản (CEO, DIG, DXG, ...), thép (HPG, HSG, NKG,…), ... Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn VN30 nới rộng biên độ khi tăng gần 17 điểm, chỉ có duy nhất SAB sắc đỏ ngược dòng. Thậm chí, SSI có lúc sát giá trần và đóng cửa vẫn ghi nhận mức tăng mạnh 5% lên 33.600 đồng/cp với thanh khoản ấn tượng 45,28 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên thị trường.
Ở chiều ngược lại, một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngành riêng lẻ, ghi nhận mức giảm như: SAB, BHN, STG, KDC, TDM, LDG, CMG,... những mã này cũng thuộc top những cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index hôm nay.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp, phiên nay bán ròng hơn 582 tỷ đồng trên sàn HSX, tập trung bán ròng ở các mã: VHM (-103 tỷ), VND (-95 tỷ), SSI (-80 tỷ), … Ngược lại, mua ròng ở các mã: NKG (+33 tỷ), DGC (+22 tỷ), BMP (+13 tỷ), …
Tuy nhiên cũng do sự bùng nổ tăng tích cực trên diện rộng này mà các giao dịch mở vị thế mua mới có thể gặp khó khăn đặc biệt là các hoạt động mua đuổi. Đây sẽ chính là lực cung tiềm năng lớn cho phiên T+ sắp tới và tạo ra bài kiểm tra cần thiết cho sự bền vững của nhịp hồi phục.
Theo CTCK HSC, các vị thế mua mới vẫn có cơ hội để đón bắt nhưng nhịp rung lắc điều chỉnh để có điểm vào thị trường chủ động, hơn là nóng vội FOMO bằng mọi giá. Chiến lược bám theo những cố phiếu có động lượng và đà tăng vượt trội so với thị trường vẫn đang phát huy tác dụng trong phiên hôm nay thể hiện qua sự bứt phá mạnh của các nhóm ngành như VLXD (Thép), Chứng khoán, Dầu khí, Cảng biển, Hóa chất, CNTT, Bán lẻ... Do đó các giao dịch mua mới tiếp tục được khuyến nghị ưu tiên canh các nhịp rung lắc điều chỉnh tại các nhóm ngành trên để tìm kiếm các vị thế giải ngân thuận lợi và có xác suất đầu tư tích cực nhất.