Trong quá trình triển khai khảo sát, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổng hợp, cung cấp dữ liệu đầu vào cho đơn vị tư vấn phân tích làm sạch để lựa chọn mẫu điều tra, khảo sát.
Đến ngày 15/9, tổng số dữ liệu đầu vào thu được và đã sàng lọc được 12.139 mẫu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Sau khi làm sạch dữ liệu, đơn vị tư vấn đã lựa chọn ngẫu nhiên được 4.082 mẫu để đưa vào khảo sát đánh giá. Kết quả, tổng số phiếu thu về đạt 2.368 phiếu, trong đó khối sở, ban, ngành 1.518 phiếu, khối huyện, thành phố 850 phiếu, vượt so với yêu cầu của kế hoạch. Tỷ lệ phiếu khảo sát trực tuyến đạt 84,88%, phiếu khảo sát bằng hình thức trực tiếp đạt 15,12%. Đến ngày 30/11, đơn vị tư vấn hoàn thành báo cáo kết quả phân tích điểm số và bảng xếp hạng Bộ chỉ số DDCI năm 2024.
Toàn cảnh Hội nghị công bố kết quả Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thái Bình năm 2024 |
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, kết quả xếp hạng DDCI của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố năm 2024 phản ánh sát thực trạng công tác điều hành kinh tế của các cơ quan, đơn vị dựa trên sự cảm nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh có giao dịch thủ tục hành chính trong năm.
Kết quả cũng cho thấy các cấp, các ngành từng bước nâng cao nhận thức về công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả Bộ chỉ số DDCI năm 2024 đối với khối sở, ban, ngành: Sở Xây dựng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng, thứ hai là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thứ ba là Công an tỉnh;…
Đối với khối địa phương: Đứng đầu là tiếp tục là thành phố Thái Bình – đây là năm thứ ba liên tiếp thành phố giữ vị trí “quán quân” trên bảng xếp hạng, tiếp đến lần lượt là các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy, Tiền Hải…
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng khẳng định: Kết quả DDCI đã cho thấy những sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, những người đứng đầu các cấp, ngành, huyện, thành phố luôn thể hiện rõ quyết tâm chính trị cùng các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số DDCI trong năm 2025, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình đã đưa ra một số đề xuất và giải pháp:
Về nâng cao nhận thức về Bộ chỉ số DDCI, ông đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần nhận thức đúng đắn về vai trò của Bộ chỉ số DDCI, coi đây là công cụ quan trọng để đánh giá năng lực điều hành của các cơ quan nhà nước.
Cải thiện các chỉ số thành phần, Sở Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu chủ trì tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo cải thiện các chỉ số thành phần còn hạn chế. Đồng thời, các đơn vị cần rà soát và sửa đổi các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình xử lý công việc.
Đẩy mạnh công tác phối hợp với doanh nghiệp, các sở, ban, ngành cần tăng cường phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần nâng cao sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của Bộ chỉ số DDCI để nâng cao nhận thức và sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai khảo sát Bộ Chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh năm 2025, xây dựng phương pháp khảo sát theo hướng toàn diện hơn và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đồng thời tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, là cầu nối đại diện cho tiếng nói, lợi ích chính đáng của hội viên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo hội thành viên kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và địa phương trong các lĩnh vực: Đất đai, lao động, tín dụng và lãi suất, chính sách thuế... hỗ trợ kịp thời hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.