Ngân hàng - Bảo hiểm
Thanh toán phi tiền mặt tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022
T.V - 21/05/2022 09:27
NHNN cho biết, đến tháng 4/2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%.

Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 69,7% về số lượng

Cụ thể, ngày 20/5/2022 tại Họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022 (16/6/2019-16/6/2022) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức, NHNN cho biết, những nỗ lực đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng.

Cụ thể, 04 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rông, bao phủ cả nước có hơn 20 nghìn ATM và hơn 347 nghìn POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Triển khai "Ngày không tiền mặt 2022"

Ngày không tiền mặt do báo Tuổi trẻ đề xuất - 16/6 - được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. 

Chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2022” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.

Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu quan trọng của chương trình là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới. Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định, chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạo của dịch Covid-19.

Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định ngành Ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. 

Triển khai định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã sớm có các hoạt động nghiên cứu, đánh giá kịp thời và ban hành nhiều quyết định, chính sách định hướng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số.

Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển TTKDTM, chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Ở mức độ toàn ngành, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cấp hoạt động thông suốt, an toàn đảm bảo sự kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán điện tử của người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM tiếp tục được coi trọng và tăng cường; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được kiểm soát và xử lý kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác