TIN LIÊN QUAN | |
Xu hướng cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp | |
Truy thu 1.317 tỷ đồng từ 1.950 DN nghi chuyển giá | |
"Khó thanh tra chuyển giá ở Việt Nam" |
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Trần Văn Phu cho biết, năm 2014, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 doanh nghiệp khai báo kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, tăng 80% so với năm 2013.
Năm 2014, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 doanh nghiệp |
Kết quả là, cơ quan thuế đã giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng tương ứng gần 82% và 112%. “Trong đó, qua thanh, kiểm tra đối với 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giao dịch liên kết, rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng”, ông Phu cho biết thêm.
Có được kết quả trên, theo ông Phu, bên cạnh việc tập trung vào công tác thanh, kiểm tra chống chuyển giá theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành thuế đã đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá và thương mại điện tử thông qua việc nghiên cứu, triển khai thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong quản lý thuế; từng bước xây dựng và cập nhật dữ liệu năm tài chính 2013 đối với cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra giá chuyển nhượng các ngành nghề có rủi ro cao về thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng cường quản lý kê khai thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, đến nay đã quản lý được 4.098 doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết.
Cùng với Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên…, Lâm Đồng là một trong những địa phương được đánh giá đạt hiệu quả cao trong công tác chống chuyển giá. Từ thực tế chống chuyển giá tại địa phương mình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Yên cho biết, hiện tại, hoạt động chuyển giá nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp đã “biến thái” sang nhiều hình thức mới, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ chuyển giá bằng cách kê khai giá thấp hơn so với thị trường, so với giá bán thực tế; chuyển giá thông qua góp vốn đầu tư; chuyển giao công nghệ; chuyển giao vật liệu, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; thông qua chi phí trả lãi vay vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh…, mà còn thực hiện chuyển giá bằng cách tính khấu hao thiết bị máy móc rất lớn khiến giá thành sản phẩm cao dẫn đến thua lỗ triền miên.
“Ngoài ra, lợi dụng chính sách thuế mới ban hành thường có nhiều ưu tiên, ưu đãi hơn so với chính sách thuế cũ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi hết thời gian được hưởng ưu đãi đã thành lập công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn để được hưởng chính sách ưu đãi thuế theo diện mở rộng sản xuất theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp”, ông Yên cho biết.
Nhìn vào kết quả giảm lỗ, truy thu, truy hoàn vào ngân sách nhà nước số thuế bị phát hiện qua chống chuyển giá, có thể thấy, số tiền gian lận còn lớn hơn gấp nhiều lần số thu ngân sách bình quân của một tỉnh cỡ trung bình trong năm 2014.
“Nhiều năm nay, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội thường đánh giá công tác chống chuyển giá chưa thực sự hiệu quả, khiến môi trường sản xuất, kinh doanh bị méo mó, ngân sách bị thất thu. Kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá năm 2014 có thể coi là tích cực. Vì vậy, năm 2015 và các năm tiếp theo, ngành thuế phải đẩy mạnh công tác này”, ông Ninh chỉ đạo.
Hàn Tín