Sự lo lắng của nhà khoa học, giới báo chí truyền thông và người dân ở ĐBSCL trong mấy ngày qua là rất chính đáng và có cơ sở. Năm 2008, sau khi xin ý kiến của Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt ĐTM cho phép dự án triển khai. Đến ngày 11/12/2015, Bộ TN-MT đã cấp phép cho dự án Nhà máy giấy của Công ty TNHH Lee & Man được phép xả thải vào nguồn nước với lưu lượng tối đa 50.000 m3/ngày,đêm.
Trạm sử lý nước thải của nhà máy chỉ có công suất 20.000m3/ngày, đêm. |
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, công ty ông đã thay thế thiết bị, công nghệ hiện đại hơn, ít nước thải hơn nên chỉ cần đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 20.000m3/ ngày, đêm là đủ. Hiện nay trạm xử lý nước thải này đang lắp đặt thiết bị chuẩn bị vận hành thử.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin: Dự án Nhà máy giấy Lee &Man được đầu tư tại Cụm công nghiệp tập trung xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành. Cụm công nghiệp này có tổng diện tích 110 ha nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp đã lắp đầy hết diện tích, trong đó dự án nhà máy giấy thuê 80 ha. Do vậy, địa phương không đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mà chỉ yêu cầu hai nhà đầu tư phải tự đầu tư nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.
Theo các chuyên gia, sản xuất giấy được xếp vào nhóm một ngành nghề có nước thải nguy hại, những nhà máy thiên về công nghệ tái chế giấy thì chất tẩy rửa còn độc hại hơn gấp nhiều lần. Nếu nguồn nước thải này không được xử lý kỹ càng bằng công nghệ hiện đại mà thải ra môi trường thì tác hại vô cùng to lớn, có thể "giết chết" cả dòng sông.
Chính vì tầm quan trọng của nó, mới đây Bộ TN-MT đã lên tiếng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngày 22/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TCMT về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam Đoàn sẽ tiến hành công bố quyết định thanh, kiểm tra vào ngày 30/6/2016 và bắt đầu thực hiện công việc từ ngày 01/7/2016.
Về thành phần đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu ngoài đại diện Tổng cục Môi trường; đại diện các Sở TN-MT, Công Thương, Phòng Cảnh sát Môi trường, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, còn phải mời một số chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất giấy tham gia đoàn thanh, kiểm tra. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, kịp thời được dư luận đánh giá cao.
Trong công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã lưu ý với đoàn Thanh tra, phải đặc biệt quan tâm đến công nghệ xử lý nước thải. Bộ trưởng nhận định, đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường sẽ gây hậu quả lớn.
Vì vậy, đoàn thanh, kiểm tra cần phải xem xét toàn diện các nội dung sau:
Thứ nhất, kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung ĐTM, Giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải, đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải.
Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam: trong thực hiện quy định ĐTM, Giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn Môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm...
Thứ ba, kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.
“Sau khi thanh kiểm tra, nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; Đồng thời phải đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy đi vào giai đoạn vận hành thử nghiệm sản xuất, các giải pháp yêu cầu nhà máy phải tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành…”.