Nghị định 57/2021/NĐ-CP do Chính phủ vừa ban hành được xem là bước sửa đổi chính sách quan trọng, giúp tháo gỡ vướng mắc về vấn đề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ưu tiên phát triển từ trước năm 2015.
Bà Vũ Thu Ngà, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đã có những chia sẻ về Nghị định này.
Bà Vũ Thu Ngà - Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam |
Nghị định 57 có những điểm có lợi nào cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thưa bà?
Nghị định 57 có thể xem là tín hiệu tích cực tiếp theo góp phần quan trọng cởi bỏ nút thắt vướng mắc chính sách ưu đãi thuế TNDN mà các doanh nghiệp đã kiến nghị từ nhiều năm nay kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 được ban hành.
Đối tượng được hưởng lợi từ Nghị định là các doanh nghiệp có Dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm CNHT trước năm 2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT. Doanh nghiệp thuộc các trường hợp này sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp Giấy xác nhận ưu đãi CNHT.
Sau khi áp dụng các quy định chuyển tiếp ưu đãi tại Nghị định này, nếu doanh nghiệp có số thuế TNDN nộp thừa đã kê khai hoặc qua thanh kiểm tra thuế, thì doanh nghiệp có quyền đề nghị cơ quan thuế thực hiện bù trừ với nghĩa vụ thuế còn nợ, nghĩa vụ thuế phát sinh của kỳ tính thuế tiếp theo.
Đặc biệt, theo Nghị định này, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được áp dụng hồi tố các ưu đãi thuế được hưởng và trong trường hợp có phát sinh nộp thừa, mặc dù đã được cơ quan thuế thanh, kiểm tra vẫn được phép bù trừ với nghĩa vụ thuế trong tương lai.
Bà đánh giá như thế nào về tác động của nghị định này với các doanh nghiệp CNHT tại thời điểm này? Và đặc biệt vai trò của Chính phủ và các Bộ ban ngành đối với sự ra đời của Nghị định này như thế nào?
Sự ra đời của Nghị định 57 tại thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp CNHT.
Đầu tiên, số tiền thuế tiết kiệm được từ việc áp dụng Nghị định sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đã rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Nghị định 57 có thể xem là “liều vắc-xin tinh thần” cần thiết để giải toả tâm lý, củng cố niềm tin giúp doanh nghiệp ngành CNHT yên tâm tập trung sản xuất kinh doanh, hạn chế sự đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng.
Những sửa đổi chính sách kịp thời như Nghị định 57 sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp CNHT, mà cả cộng đồng doanh nghiệp thêm vững tin vào việc Chính phủ, đang thực hiện cam kết đổi mới, tạo sự chuyển biến hiệu quả thông qua việc tập trung tháo gỡ vướng mắc hướng đến xây dựng môi trường thuận lợi hơn để sản xuất kinh doanh phát triển.
Chính phủ và các Bộ, ngành đã thể hiện rất rõ tinh thần lắng nghe, tích cực ghi nhận kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và cơ quan ngoại giao. Từ đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành đã vào cuộc rất khẩn trương, quyết liệt để đưa ra các phương án sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ triệt để vướng mắc của doanh nghiệp CNHT.
Đó cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp CNHT nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung thể hiện trách nhiệm và sự đồng hành với Chính phủ trong việc chung tay chống dịch và phát triển kinh tế, điển hình như những hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong các hoạt động quyên góp và ủng hộ chống dịch thời gian qua.
Là đơn vị đã tích cực đồng hành và tham mưu cho quá trình ban hành Nghị định 57, bà có thể chia sẻ thêm về thách thức, vướng mắc mà Deloitte Việt Nam đã tháo gỡ trong tiến trình kiến nghị và triển khai xây dựng Nghị định?
Công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất giúp Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững; tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Việc ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Nghị quyết số 115/2020/NQ-CP,… được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích cho ngành. Tuy nhiên, các chính sách phát triển ngành CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn, như việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán.
Trên thực tế, trong suốt quá trình kiến nghị, triển khai xây dựng Nghị đinh 57, từ năm 2017, Deloitte Việt Nam đã có nhiều bài báo, phỏng vấn, phát biểu đưa ra góc nhìn chuyên sâu liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNHT và đồng hành cùng các hiệp hội doanh nghiệp để nhiều lần tham mưu, cũng như đưa ra những kiến nghị đến các Bộ, ban ngành thông qua nhiều hình thức, bao gồm việc tham gia đối thoại trực tiếp trong các hội nghị, hội thảo chuyên đề về nội dung này. Trong giai đoạn thẩm định Nghị định, Deloitte Việt Nam được mời tham gia Hội đồng thẩm định với tư cách chuyên gia tư vấn độc lập.
Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống sau khi Nghị định được ban hành, bà có khuyến nghị gì cho các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp?
Để thúc đẩy phát triển được ngành CNHT, bên cạnh việc xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần nỗ lực để đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Các cơ quan nhà nước cần khẩn trương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung của Nghị định để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan thuế địa phương trong quá trình thực thi các quy định của Nghị định.
Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu hoặc thông qua đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp hỗ trợ đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định của Nghị định để kịp thời triển khai các thủ tục cần thiết để áp dụng ưu đãi.