Cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ tạo thế và lực phát triển cho địa phương, góp phần đưa Bỉm Sơn trở thành đơn vị đóng góp ngân sách số 1 cho tỉnh Thanh Hóa. |
Tầm nhìn phát triển giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện vị trí chiến lược cũng như tiềm lực phát triển của Bỉm Sơn tại khu vực Bắc Trung Bộ với hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ và là cửa ngõ giao thông trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.
Phát triển kinh tế theo quy hoạch ven sông Tam Điệp
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền thị xã Bỉm Sơn tập trung thực hiện giai đoạn 2021 – 2026, đây là nhiệm vụ bản lề tiến đến việc đưa Bỉm Sơn trở thành đô thị loại III thành phố trực thuộc tỉnh.
Đời sống người dân được nâng cao, những biệt thự, nhà phố ven sông Tam Điệp góp phần thay đổi bộ mặt thành phố Bỉm Sơn trong tương lai. |
Với những thành tựu đã đạt được, năm 2020, Bỉm Sơn xứng đáng là lá cờ đầu, đứng vị trí top 1 trong phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh nhiều năm liền. Theo đó, tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 33.737,2 tỷ đồng, tăng 198% so với năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thị xã đạt 14,6%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt 80,1 triệu đồng/người/năm.
Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 21.143 tỷ đồng, tăng 1,4% so với mục tiêu. Cơ cấu vốn đầu tư có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn ngân sách Nhà nước, tăng vốn đầu tư doanh nghiệp và vốn đầu tư trong nhân dân.
Quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Tam Điệp với điểm nhấn khu hành chính và các khu đô thị tập trung. |
Ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, phát triển mạnh về quy mô với nhiều cơ sở sản xuất mới, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 18.240,2 tỷ đồng, tăng 1,97 lần so với năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,58%/năm, tăng 1,38% so với mục tiêu.
Nâng chất lượng sống nhân dân
Trong năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao và đúng đắn của Đảng bộ các cấp, Bỉm Sơn đã thu hút hàng loạt dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ… góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Năm 2020, Bỉm Sơn đã thu hút 57 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp mới với tổng vốn đăng ký đầu tư 20.652 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào khu công nghiệp chiếm 21 dự án, tổng mức đăng ký đầu tư 7.535 tỷ đồng; đầu tư ngoài khu công nghiệp 36 dự án, tổng mức đăng ký đầu tư 13.117 tỷ đồng.
Trong bán kính 5km, cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế Bỉm Sơn trong tương lai. |
Song song đó, ngành thương mại, dịch vụ cũng tiếp tục cải thiện và phát triển, hệ thống chợ, siêu thị và cửa hàng thương mại được quan tâm đầu tư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm đạt 18,6%; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 210 triệu USD, tăng 1,9 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm đạt 13,4%. Các di tích lịch sử - văn hóa cũng được tôn tạo khang trang, phục vụ du khách ngày một tốt hơn.
Với động lực phát triển đưa Bỉm Sơn trở thành thành phố đô thị loại III giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030, chính quyền địa phương đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy Bỉm Sơn giữ vững vai trò lá cờ đầu về kinh tế không chỉ của Thanh Hóa mà trên cả nước, trở thành thành phố công nghiệp kiểu mẫu trong tương lai.