Thời sự
Thấy gì đằng sau thứ hạng năng lực cạnh tranh PCI?
Khánh An - 21/03/2014 07:45
Sự trở lại ngôi vị hàng đầu của một số tỉnh lớn và nỗ lực trụ hạng của những địa phương kém lợi thế hơn có thể coi là tín hiệu về giai đoạn mới trong cuộc đua ganh thứ hạng trong Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013. >>> PCI - phép thử cho những thể nghiệm trong điều hành >>> Tham nhũng giảm là tin tốt của PCI >>> Đà Nẵng leo lên ngôi đầu bảng xếp hạng PCI

Đà Nẵng trở lại ngôi đầu

Không xa lạ với nhóm dẫn đầu PCI hàng năm, song sự trở lại ngôi đầu bảng của Đà Nẵng trong Bảng xếp hạng PCI năm 2013 từ vị trí 12 của lần xếp hạng trước là một câu chuyện đáng để chia sẻ.

Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013

Ông Phan Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng kể lại, trong năm 2013, Thành phố đã có khảo sát độc lập theo đúng bộ chỉ số PCI để thực sự hiểu rõ doanh nghiệp (DN) đang thực sự cần gì và thành phố phải làm gì.

“Chúng tôi không buồn khi số liệu khảo sát cho thấy, DN chưa hài lòng những gì chính quyền địa phương đã làm. Khi các DN sẵn sàng chỉ ra điểm yếu, có nghĩa là chúng tôi sẽ cùng đồng hành để phát triển”, ông Chiến chia sẻ.

Cũng phải nhắc lại, sự tụt hạng của Đà Nẵng cũng như một loạt địa danh quen thuộc với giới đầu tư như Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM… trong những năm trước từng được coi là cú sốc của PCI, cảnh báo sự tới hạn của những cải cách mang tính “cách mạng” như thể chế, thiết chế pháp lý, đất đai…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Giám đốc Dự án PCI khi đó đã phát hiện ra, lý do thăng hạng của các địa phương vào giai đoạn đầu xếp hạng PCI là nhờ những cải thiện về thủ tục trong gia nhập thị trường… vốn là những cải cách dễ thực hiện, có tác động ngay, song đã tới hạn.

“Cuộc đua ganh thứ hạng trong con mắt đánh giá của giới đầu tư - kinh doanh đang đòi sự bứt phá mạnh và sâu sắc hơn ở những lĩnh vực khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh bình đẳng và tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Đây cũng là 2 trong những chỉ số thành phần có xu hướng giảm điểm từ năm 2007. Hai chỉ số còn lại là chi phí thời gian và đào tạo lao động”, ông Tuấn nói.

Cùng với Đà Nẵng, “á quân” Thừa Thiên Huế cũng làm nên chuyện trong mắt các DN khi “lội ngược dòng” ngoạn mục từ thứ hạng 30 của PCI 2012. Tính từ năm 2007 đến nay, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn có những cam kết mạnh mẽ nhất về việc cải thiện điểm số PCI. Đã có 7 văn bản kế hoạch, nghị quyết và 3 quyết định của UBND tỉnh về cải thiện PCI được ban hành trong 7 năm liên tục vừa qua. Trong lần xếp hạng này, Thừa Thiên Huế đứng đầu về cải thiện tính minh bạch.

Trong nhóm rất tốt của PCI 2013, hai gương mặt mới được đánh giá cao là Quảng Ninh (vươn từ vị trí thứ 20 lên vị trí thứ 4) và Quảng Ngãi (từ vị trí thứ 27 lên thứ 7).

Bình Dương “tụt dốc”

Vị trí 30 của Bình Dương có thể là điều mà lãnh đạo của địa phương vốn liên tục đứng trong nhóm tốt nhất muốn quên. Năm ngoái, khi Bình Dương tuột khỏi top 10 PCI, đã có ý kiến rằng, các DN ở đây, cũng như ở tỉnh lớn khác, có quy mô khá lớn, tầm hoạt động rộng, nhất là DN xuất khẩu, nên chịu tác động tiêu cực nhiều hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong nước. Chính tình hình kinh doanh không mấy khả quan ảnh hưởng tới đánh giá của họ về môi trường kinh doanh địa phương.

Tuy nhiên, mọi việc dường như đã khác khi nhìn vào sự giảm điểm không phanh của Bình Dương. Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, Bình Dương năm nay không giữ được chất lượng điều hành ở hầu hết cả chỉ số thành phần của PCI. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN trung bình ở Bình Dương mà DN trải nghiệm vẫn là 15 ngày, trong khi thời gian này tiếp tục được rút ngắn đi ở các địa phương khác. Bình Dương chỉ đạt được điểm trung bình trong các tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa. Ở chỉ số tiếp cận đất đai và tính minh bạch, điểm số của Bình Dương cũng sụt giảm, dù không đáng kể.

“Ngay cả thành tích nổi bật về chính sách đất đai của Bình Dương cũng bị xóa mờ khi có tới 35% DN đưa ra nhận định, chính quyền tỉnh không đền bù thỏa đáng khi thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc khu công nghiệp. Thậm chí, 41% DN kêu ca, cần có mối quan hệ mới tiếp cận được tài liệu quan trọng của tỉnh, tăng so với 37% của năm 2008”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, DN ở Bình Dương có cảm nhận phải đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh với DN có mối quan hệ với quan chức tỉnh và từ DN nhà nước.

Trong số các “ngôi sao” cũ cần nhắc đến, Bắc Ninh có lẽ cũng đang rơi vào “vết xe đổ” của những địa phương đi đầu khi tiếp tục rớt hạng. Mặc dù vẫn thuộc nhóm tốt, nhưng vị trí thứ 12 trong Bảng xếp hạng PCI năm 2013, so với ngôi vị á quân năm 2011, vị trí thứ 10 của PCI năm 2012, thì lãnh đạo Bắc Ninh khó ngồi yên…

Lo ngại từ những mối quan hệ

Một chỉ số mới đã được sử dụng trong PCI 2013 là chỉ số cạnh tranh bình đẳng (đo lường cụ thể các hình thức ưu đãi làm mất bình đẳng sân chơi dành cho các DN tư nhân) đã cho thấy góc nhìn không mấy thân thiện giữa khu vực DN dân doanh và khu vực DN nhà nước. Tới 1/3 DN cho rằng, ưu đãi cho DN nhà nước, DN sau cổ phần hóa do các mối quan hệ đã cản trở hoạt động của họ, 35% DN cho rằng, chính quyền địa phương ưu ái DN lớn trong tỉnh.

Tình hình tương tự khi đánh giá về mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng bị kêu nhiều hơn.

Nếu xét riêng chỉ số này thì DN ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, như Kiên Giang, Cần Thơ cảm thấy được đối xử bình đẳng nhất; cuối bảng là Bắc Giang, Hà Tĩnh. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong xếp hạng chỉ số bình đẳng chỉ đứng ở thứ 27 và 31, nằm ở giữa Bảng xếp hạng.

Tin liên quan
Tin khác