Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (trái) nói chuyện với Đại sứ Trung Quốc tại Brazil Chúc Thanh Kiều (Zhu Qingqiao) tại Palacio do Planalto ở Brasilia hôm 03/02/2023. (Ảnh: Sergio Lima/AFP) |
Thỏa thuận giao dịch giữa Trung Quốc và Brazil
Theo một tuyên bố của Chính phủ Brazil, Brazil và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận để tiến hành giao dịch bằng đồng tiền của hai nước thay vì đồng đô la Mỹ.
Không có chi tiết nào được công bố về cách thức hoạt động của thỏa thuận này hoặc liệu thỏa thuận này có áp dụng cho tất cả hoạt động thương mại giữa hai quốc gia này hay không.
Tất cả những gì được công khai là các giao dịch sẽ được Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Truyền thông Brazil (BBM) xử lý.
ICBC sẽ thành lập một trung tâm thanh toán bù trừ ở Brazil để giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Do các bản tin nói rằng, trung tâm thanh toán bù trừ này sẽ được xây dựng nên có vẻ như các giao dịch này vẫn chưa diễn ra. Ngoài ra, tuyên bố trên cũng không cung cấp ngày bắt đầu cụ thể.
Ông Vương Hữu Minh (Wang Youming), nhà nghiên cứu cao cấp, đồng thời là Giám đốc Sở Nghiên cứu các quốc gia đang phát triển tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) nói với Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) rằng, “Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, đặc biệt là các đợt tăng lãi suất liên tục, đã dẫn đến sự mất giá đồng nội tệ của Brazil và chi phí gia tăng trong giao dịch”.
USD là đồng tiền dự trữ của thế giới kể từ Thỏa thuận Bretton Woods năm 1944. Vào cuối Thế chiến thứ hai, kinh tế của châu Âu và châu Á rơi vào tình trạng sụp đổ, đồng tiền của hai châu lục này gần như vô giá trị. Để thúc đẩy thương mại quốc tế và giúp thế giới phục hồi sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã đồng ý bảo đảm cho đồng tiền của mình bằng vàng và bảo đảm cho các loại tiền tệ khác bằng USD.
Mặc dù Hoa Kỳ đã bỏ bản vị vàng vào năm 1971, nhưng USD vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu vì tính ổn định và khả năng chuyển đổi của nó. Một lợi ích khác của USD là hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ, được định giá và giao dịch bằng USD. Vì tất cả các quốc gia đều cần dầu mỏ, nên việc các quốc gia lưu giữ USD làm dự trữ là chuyện dễ hiểu. Và vì họ vốn đã sử dụng USD để mua dầu và dùng làm đồng tiền dự trữ, nên việc các quốc gia định giá hàng hóa của họ và thanh toán hàng nhập cảng bằng USD cũng là điều hợp lý.
Việc USD là đồng tiền dự trữ và thương mại của thế giới mang lại cho Hoa Kỳ sức mạnh và ảnh hưởng địa chính trị to lớn.
Một số quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang ngày càng không đồng tình với thực trạng trên và đã tìm cách bỏ qua USD.
Bắc Kinh đã thiết lập một số giải pháp thay thế, chẳng hạn các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ hoặc Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới Trung Quốc (CIPS), một giải pháp thay thế SWIFT, cho phép thanh toán quốc tế bằng đồng nhân dân tệ. Cho đến nay, đã có 103 quốc gia tham gia, dù tổng khối lượng thanh toán thương mại còn nhỏ.
Năm 2016, đồng nhân dân tệ đã được thêm vào Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một rổ tiền tệ mà các quốc gia có thể rút ra khi họ cần thanh khoản.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, việc có mặt trong SDR giúp cho đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ quốc tế, nhưng đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 3% dự trữ tiền tệ toàn cầu, trong khi USD chiếm 60% và đồng euro chiếm 20%.
Đối với thương mại, khoảng 14,7% thương mại xuyên biên giới được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Hoạt động tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos) |
Các yêu cầu để một loại tiền trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế
Để một loại tiền trở thành đồng tiền dự trữ thực sự, thì đồng tiền đó phải đáp ứng 5 yêu cầu.
Đầu tiên là sự ổn định. Hai là được chấp nhận rộng rãi. Ba là tính thanh khoản. Yêu cầu thứ tư và thứ năm đối với một loại tiền tệ quốc tế là, các tiêu chí về quy mô và sức mạnh.
Đồng nhân dân tệ được cho là đáp ứng các yêu cầu thứ tư và thứ năm; trong khi USD đáp ứng các tiêu chí một cách mạnh mẽ.
Ngoài việc phù hợp với định nghĩa về một đồng tiền của thế giới, thì loại tiền tệ đó còn phải hữu ích.
Đồng bảng Anh và đồng euro đều là tiền tệ quốc tế, tuy nhiên, các quốc gia châu Á có xu hướng nắm giữ ít hai loại tiền này hơn vì họ ít sử dụng tiền tệ châu Âu hơn. Để một đồng tiền là hữu ích, thì một quốc gia phải có thể giao dịch thương mại được bằng đồng tiền đó.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, với thương mại song phương đạt 172 tỷ USD vào năm 2022 và đây là một điểm cộng cho thỏa thuận tiền tệ này.
Một công dụng khác của ngoại tệ là trả nợ. Nợ nước ngoài của Brazil đang ở mức 689,87 tỷ USD và phải được thanh toán bằng USD.
Đầu tư là một lý do khác để nắm giữ tiền tệ của một quốc gia. Trong khi Brazil nhận được rất nhiều đầu tư từ Trung Quốc, thì đầu tư của Brazil vào Trung Quốc là rất ít.
Các quốc gia cũng sử dụng ngoại tệ để ổn định đồng tiền của mình.
Real của Brazil đã được neo vào USD cho đến khoảng 20 năm trước. Ngay sau khi việc neo tỷ giá này được dỡ bỏ, thì real đã mất nhiều giá trị. Ngày nay, real được thả nổi tự do (không neo với bất kỳ loại tiền tệ nào khác). Và cuối cùng, các quốc gia nắm giữ USD vì dầu mỏ và các loại hàng hóa khác được định giá bằng USD.
Trung Quốc và Brazil đã tìm cách để bỏ qua USD. Thỏa thuận mới nhất này là một bước đi theo hướng đó, nhưng đồng nhân dân tệ vẫn chưa đáp ứng một số yêu cầu để hoạt động như một đồng tiền dự trữ.
Do đó, có thể hai quốc gia này sẽ đồng ý thực hiện một số, nhưng không phải là tất cả các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và không quốc gia nào trong hai nước có thể hoàn toàn từ bỏ USD.