Các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) không chỉ mang lại lợi ích với xã hội, mà còn đem lại nhiều tác động tích cực cho chính bản thân doanh nghiệp. Việc được biết đến như một tổ chức phát triển theo hướng bền vững, có đóng góp tích cực cho xã hội sẽ giúp start-up ghi điểm trong mắt người tiêu dùng và nhà đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường, đồng thời tăng khả năng thu hút nhân sự trong quá trình mở rộng.
Thời kỳ đầu thành lập, các start-up thường bỏ qua hoạt động CSR vì không nghĩ đến, hoặc sợ không đủ ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, giới khởi nghiệp hoàn toàn có thể thực hành CSR một cách hợp lý, tiết kiệm dựa vào những cách đơn giản sau.
Đầu tiên, hãy tạo một môi trường an toàn, bình đẳng cho người lao động. Đây được xem như hoạt động trách nhiệm xã hội mà bất kỳ start-up ở lĩnh vực nào, giai đoạn nào cũng có thể dễ dàng thực hiện. Theo đó, start-up cần đảm bảo đối xử công bằng với tất cả nhân viên bất kể tuổi tác, giới tính, dân tộc hay tôn giáo. Khi bị đối xử bất công, nhân viên có quyền lên tiếng mà không sợ bị gây khó dễ trong khi làm việc.
Bên cạnh việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, start-up có thể nâng cao trách nhiệm với xã hội bằng cách lựa chọn đối tác phù hợp. Điều này có nghĩa, start-up cần kiểm soát được nguồn cung từ phía các đối tác hay nhà cung cấp; đảm bảo nguồn cung tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không làm gì ảnh hưởng đến môi trường hay sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, start-up có thể tạo dựng các hoạt động CSR đơn giản như phát động phong trào tiết kiệm điện, nước, giấy ngay tại văn phòng, khuyến khích nhân viên trồng cây xanh... Ngoài ra, start-up cũng có thể huy động nhân viên quyên góp quần áo cũ, đồ dùng văn phòng cũ để gửi tặng qua các tổ chức trung gian hoặc gửi trực tiếp cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa.
Một điểm cần lưu ý là start-up không nên coi CSR như một kế hoạch marketing. Việc thực hiện các hoạt động hướng tới cộng đồng chỉ với mục địch marketing là cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa của CSR. Nếu một doanh nghiệp cố gắng tỏ ra quan tâm đến xã hội và môi trường thông qua những hành động hời hợt nhưng được truyền thông thổi phồng, sớm muộn gì cũng bị phản tác dụng, thậm chí bị người tiêu dùng quay lưng, ảnh hưởng xấu đến uy tín và hình ảnh thương hiệu.