Đầu tư mạnh cho hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm tới
Về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 rằng, Chính phủ luôn quan điểm vùng này có vị chí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng. ĐBSCL là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, do đó cần tập trung đầu tư vào đây.
Ông Huệ cũng cho biết, trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,59%). Trong khi đó, ngân sách trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba.
“Như vậy số vốn bố trí là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp cộng thêm việc đầu tư tại vùng tốn kém nên nguồn lực chưa đáp ứng được”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết thực trạng địa chất vùng ĐBSCL yếu dẫn đến suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, đầu tư phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, mức đầu tư đã không cao, do điều kiện tự nhiên khiến số tiền đòi hỏi lại càng tăng cao. Ông nhấn mạnh Chính phủ đã nhận ra điểm này và có nghị quyết chuyên đề.
Dự kiến từ nay đến 2020 và chương trình trung hạn 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM.
Các loại hình như hàng hải, đường bộ, hàng không, đường sắt... sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, không ở đâu có lợi thế như ĐBSCL, phù hợp phát triển dịch vụ logistics quốc tế cho khu vực tiểu vùng sông Me Kong. Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, kết nối cảng tại Cần Thơ, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ.
Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến 2020 và giai đoạn đến năm 2025. Trước mắt, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng trong phần vượt thu năm 2018 cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ là 932 tỷ đồng. Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Tài chính gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phần vượt thu năm nay. Khi Ủy ban có ý kiến, Thủ tướng sẽ ký quyết định cho phân bổ ngay để cùng với vốn tín dụng từ ngân hàng, dự án sẽ thông tuyến vào năm 2020.
Vấn đề quan trọng này là tổ chức thực hiện, ở đây nhấn mạnh vai trò của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Chính phủ sẽ bám sát vấn đề này, Phó Thủ tướng khẳng định.
Về cầu Mỹ Thuận 2, đây là 1 trong 11 gói của Cao tốc phía Đông, 5.100 tỷ đồng bằng trái phiếu, dự kiến khởi công quý I/2020.
Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT phải được sự chấp thuận của Thủ tướng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT).
Theo Nghị định này, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tài sản kết cấu hạ tầng); các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho Hợp đồng BT thì việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng; việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán; được xác định như sau: Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; cụ thể: Đối với tài sản công thuộc trung ương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách trung ương; đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách địa phương.
Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời điểm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư. Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ, chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Việc giao tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT sẽ có hiệu lực từ 1/10/2019
Nghị định quy định cụ thể xác định giá trị Dự án BT để thanh toán. Cụ thể, giá trị Dự án BT ghi tại Hợp đồng BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu và không thay đổi kể từ ngày Hợp đồng BT được ký kết, trừ trường hợp quy định đưới đây.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị Dự án BT thì thực hiện như sau:
Giá trị điều chỉnh Dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT.
Giá trị điều chỉnh Dự án BT ghi tại Phụ lục Hợp đồng BT được tổng hợp vào giá trị Dự án BT để thanh toán, quyết toán Hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật.
Giá trị Dự án BT để thanh toán là giá trị Dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật (giá trị quyết toán Hợp đồng BT).
Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10 và bãi bỏ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTG ngày 26/6/2015 quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đấy cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao.
Khánh Hòa yêu cầu di dời các công trình để triển khai cao tốc Bắc - Nam
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan di dời các công trình kỹ thuật trong phạm vi giải phóng mặt bằng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa phương này.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm 2 dự án thành phần: Đoạn Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài tuyến khoảng 49,2km, điểm đầu thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh và điểm cuối thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh. Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến khoảng 78,5 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) dài khoảng 5 km, đoạn còn lại đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Theo đó, văn bản UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu 3 huyện có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua là huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh làm việc với các chủ sở hữu, chủ quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp điện, nước, thông tin; hệ thống thoát nước; đường ống xăng dầu.... nằm trong phạm vi dự án phải di dời để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công trình.
Trên cơ sở đó, khẩn trương lập, thống nhất phương án thiết kế và tiến hành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.
Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa cũng có văn bản gửi các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đo đạc, kiểm kê số hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, tái định cư và báo cáo về sở để tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa.
Các đơn vị đề xuất phương án sơ bộ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong phạm vi các ban quản lý dự án đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch thu hồi đất, tiến độ chi tiết triển khai công tác kiểm kê khối lượng bồi thường, xác minh nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phê duyệt theo quy định cụ thể.
Dự kiến, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa sẽ được di dời đến 7 khu tái định cư, với tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng. Trong đó, huyện Diên Khánh và TP. Cam Ranh mỗi địa phương có 2 khu, còn lại huyện Cam Lâm sẽ có 3 khu tái định cư.
Thường trực Chính phủ họp về phân bổ vốn đầu tư công và tín dụng cho 2 tuyến cao tốc
Chiều 13/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về vấn đề phân bổ vốn đầu tư công và về tín dụng để đầu tư tuyến cao tốc Hữu nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Về đầu tư công, Thường trực Chính phủ đã thảo luận việc phân bổ khoản 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng thống nhất với nội dung báo cáo, kiến nghị, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành về phân bổ nguồn vốn 10.000 tỷ đồng và định hướng phân bổ nguồn vốn đầu tư công còn lại của giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, rà soát kỹ, hoàn thiện phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
“Vốn ít thì tập trung vào cái gì then chốt nhất”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần. Nhiệm vụ phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu và lũ quét, lũ ống ở miền núi phía Bắc, vùng nghèo nhất cả nước, rất quan trọng, cấp thiết. Thủ tướng đề nghị rà soát, ưu tiên tối đa, đồng thời rà soát tiếp, có thể phân bổ thêm một phần từ nguồn vốn đầu tư công còn lại của giai đoạn 2016 -2020 cho 2 vùng này và một số dự án đặc biệt cấp bách của các vùng khác.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình phân bổ vốn, bố trí và thực hiện vốn đầu tư công cho 2 vùng này rõ ràng, minh bạch, cần phân tích, đánh giá, so sánh với các vùng còn lại và tình hình chung cả nước. Trên cơ sở đó, rà soát các nguồn vốn đầu tư còn lại của giai đoạn 2016-2020, bao gồm tất cả các nguồn tăng thu và nguồn dự phòng để có kế hoạch, phương án bố trí, phân bổ phù hợp, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng cấp bách, thúc đẩy liên kết vùng miền và các vùng khó khăn, ưu tiên cho phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đối với kế hoạch phương án dự kiến phân bổ, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn còn lại của giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng nêu rõ, cần có thuyết minh, giải trình đầy đủ về phương án cụ thể.
1.500 tỷ đồng làm đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An)
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, Quốc hội đã thông qua phương án sử dụng dự phòng chung của Ngân sách Trung ương, trong đó Nghệ An được bố trí vốn đầu tư nhiều công trình trọng điểm với hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đó, các công trình trọng điểm mà Nghệ An được bố trí vốn đầu tư gồm: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn 90 tỷ đồng; Dự ánBảo tồn và phát huy giá trị Di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh 100 tỷ đồng; Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) 1.500 tỷ đồng; Dự án cầu Thanh Nam qua sông Lam, huyện Con Cuông 150 tỷ đồng; Dự án cầu Diễn Kim, huyện Diễn Châu 100 tỷ đồng.
Dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến là 4.850 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, thời gian thực hiện từ 2017 - 2022.
Ngoài ra còn có thêm vốn cho dự án đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền 150 tỷ đồng; Dự án sạt lở đê sông đê biển (gồm dự án đê biển Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) 20 tỷ đồng; Dự án đê bãi ngang Quỳnh Lưu 20 tỷ đồng; Dự án di dân khẩn cấp ở Hưng Hòa (TP. Vinh), Tri Lễ (Quế Phong) 20 tỷ đồng.
Như vậy, Nghệ An sẽ có thêm nguồn lực rất lớn để hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.
Trong những dự án lớn được bố trí nguồn vốn thì dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò là dự án nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129 năm 2010.
Dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến là 4.850 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, thời gian thực hiện từ 2017 - 2022.
Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ Khu kinh tế Đông Nam đến cầu Cửa Hội với tổng mức đầu tư 1.690 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư đoạn từ cảng Đông Hồi đến Khu kinh tế Đông Nam với tổng mức đầu tư 3.160 tỷ đồng.
Đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò có chiều dài khoảng 90 km đi qua các xã ven biển thuộc các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An.
Điểm đầu tuyến (Km0) giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tại khu vực phía Đông núi Răng Cưa (thuộc xã Hải Hà – Nghi Sơn – Thanh Hóa và xã Quỳnh Lập – Nghệ An). Điểm cuối tuyến (km90) nối với đường ven Sông Lam ở khu vực phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò.
Thêm 2.186 tỷ đồng hỗ trợ Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ có thêm cú hích lớn khi khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trị giá 2.186 tỷ đồng sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019 này.
Để tiếp tục tạo thêm bước chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức họp bàn để tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng cho dự án này với sự tham gia của Bộ GTVT, Bộ tài chính, ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tài trợ tín dụng cho dự án và Nhà đầu tư.
Thêm một hiệu tích cực nữa được khẳng định tại cuộc họp này khi Bộ Tài chínhkhẳng định đã chuẩn bị sẵn bản kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách Nhà nước 2.186 tỷ đồng cho dự án cao tốc này. Nếu không có gì thay đổi, phần vốn NSNN này sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019 này.
Bên cạnh đó, về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đang thu xếp vốn cho dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư dự án để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng quan trọng này.
Ông Đào Mình Tú khẳng định, đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay, đồng thời đề nghị các ngân hàng không áp đặt tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư bằng 30% TMĐT là điều kiện tiên quyết. Hiện nay, các Ngân hàng TMCP không thiếu vốn, nếu có thiếu thì NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án.
“Trong quá trình cho vay vốn tín dụng, nếu ngân hàng có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay và NHNN sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án mà cả cho đến khi dự án hoàn thành”, ông Tú cho biết.
Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: “Nhà đầu tư chúng tôi cảm thấy có thêm rất nhiều động lực hơn khi được giải tỏa một số vấn đề trong cuộc họp vừa qua, các cơ quan, ban, ngành liên quan đã tiếp tục tích cực hỗ trợ dự án rất sốt sắng, thể thiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm rất cao để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Nếu đẩy nhanh được thủ tục giải ngân 2.186 tỷ đồng vốn NSNN hỗ trợ dự án vào tháng 9 như ý kiến của Bộ Tài chính thì Dự án sẽ có vốn để tăng tốc về đích theo yêu cầu của Chính phủ trong bối cảnh các Ngân hàng đang thẩm định lại việc tài trợ vốn tín dụng”.
Theo đại diện nhà đầu tư, hiện các ngân hàng thương mại đã cũng ngồi lại với nhau để bàn về việc tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn tín dụng vốn bị bế tắc trong mấy năm qua. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ để cung cấp các hồ sơ, tài liệu và làm rõ các nội dung Ngân hàng băn khoăn. Hiện UBND tỉnh Tiền Giang và chúng tôi đang chờ ý kiến phản hồi cụ thể của ngân hàng đầu mối, khi việc thông xe kỹ thuật đã được giải quyết thì Dự án có hoàn thành được vào năm 2021 hay không sẽ còn đang tuỳ thuộc rất nhiều về nguồn vốn tín dụng này”.
Quảng Nam ban hành hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất
Theo Quyết định số 2435/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Nam vừa ban hành, thì Chủ tịch UBND tỉnh là người có thẩm quyền phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành hướng dẫn tạm thời trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số 2435/QĐ-UBND.
Theo đó phạm vi điều chỉnh gồm Dự án đầu tư có sử dụng các khu đất, quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và công bố danh mục dự án. Chủ tịch UBND tỉnh là người có thẩm quyền phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao các Sở chuyên ngành, cơ quan chuyên môn tương đương cấp Sở hoặc UBND cấp huyện làm Bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, thực hiện trách nhiệm của Bên mời thầu được quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ và khoản 3 Điều 75 của Luật Đấu thầu.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương được Chủ tịch UBND tỉnh giao làm Bên mời thầu có thể lựa chọn tổ chức tư vấn để thực hiện một số nội dung công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình. Ủy quyền cho người đứng đầu của Bên mời thầu phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật các dự án đầu tư có sử dụng đất sau khi có Báo cáo kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư; tổ chức đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn.
Cơ quan phát triển quỹ đất tại nơi có dự án chịu trách nhiệm lập phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở đề nghị của Bên mời thầu. Đối với dự án nằm trên địa bàn của 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương có diện tích đất thuộc dự án chịu trách nhiệm lập phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đề nghị của Bên mời thầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định các nội dung như Danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, Hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Áp dụng sơ tuyển quốc tế cho các dự án đầu tư có sử dụng đất, có tổng chi phí thực hiện dự án (Không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) từ 120 tỷ đồng trở lên.
Áp dụng sơ tuyển trong nước đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, có tổng chi phí thực hiện dự án (Không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) dưới 120 tỷ đồng.
Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm: Chỉ định nhà đầu tư; Đấu thầu rộng rãi trong nước; Đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Quảng Trị sẽ có Nhà máy sản xuất hàng đan lát xuất khẩu với công suất hơn 100.000 sản phẩm/năm
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định số 2039/QĐ-UBND về việc cấp chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Phước Hiệp Thành chi nhánh Quảng Trị thực hiện dự án Nhà máy sản xuất hàng đan lát xuất khẩu.
Dự án sẽ được triển khai tại Cụm Công nghiệp Diên Sanh (Hải Lăng, Quảng Trị) với diện tích 33.000 m2.
Dự án có mục tiêu sản xuất hàng đan lát từ sợi nhựa tổng hợp xuất khẩu với công suất 101.600 sản phẩm bộ bàn ghế các loại/năm. Địa điểm thực hiện dự án tại Cụm Công nghiệp Diên Sanh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), diện tích sử dụng hơn 33.000 m2. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 26,5 tỷ đồng, thời hạn hoạt động đến tháng 8/2058. Dự kiến đến tháng 1/2020 dự án sẽ đi vào vận hành hoạt động.
Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất hàng đan lát xuất khẩu thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn tại Quảng Trị nên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu…
UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu phía nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ đã cam kết cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình hoạt động. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, đất đai, xây dựng, an toàn lao động, phòng ngừa cháy nổ… Thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan…
Sắp tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung tại Bình Định
Tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung tại tỉnh Bình Định là đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ vướng mắc, đề xuất giải pháp phát triển bền vững vùng miền Trung, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND các tỉnh tham dự Hội nghị bổ sung nội dung tham luận liên quan đến thực trạng, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nội dung, chương trình, kịch bản điều hành; xây dựng báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội Vùng miền Trung trong đó có đánh giá Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2016-2018, Quý II/2019 và báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các Quyết định số 941/QĐ-TTg, số 2059/QĐ-TTg, số 2360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xác định những vấn đề tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, đề xuất giải pháp phát triển bền vững vùng miền Trung, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng video clip giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Vùng.