Thời sự
Thêm động lực cho kinh tế hợp tác, hạn chế tiêu cực trong đấu thầu
Nguyễn Lê - 24/09/2022 09:24
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội sửa đổi hai dự án: Luật Hợp tác xã và Luật Đấu thầu, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho kinh tế hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: D.L

Để kinh tế hợp tác phát triển năng động

Luật Hợp tác xã sẽ được sửa đổi, bổ sung toàn diện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thông tin trên khi thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Với tư cách Trưởng ban Soạn thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc cho được đổi tên Dự án Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, bởi tên gọi mới này phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đó là bao phủ các loại hình kinh tế hợp tác khác nhau.

“Hợp tác xã chỉ là một loại hình trong các hình thái của mô hình kinh tế hợp tác. Còn bản chất của kinh tế hợp tác là từ tổ hợp tác đến hợp tác xã, đến liên đoàn, liên minh, trong thời gian tới có thể có nhiều hình thái khác nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi phân tích rất kỹ, Chính phủ muốn thay đổi tên mới, vừa phù hợp với Nghị quyết mới, chủ trương mới, tinh thần đổi mới và cũng phù hợp với thực tiễn, với cả thông lệ quốc tế.

“Hiện nay, mọi người có thái độ rất kỳ thị đối với hợp tác xã kiểu cũ, sửa luật để chuyển sang một giai đoạn mới, có một hình thức tổ chức kinh tế hợp tác mới để thay đổi nhận thức trong xã hội, thì đấy là mục đích chính”, Bộ trưởng nêu thêm lý do cần đổi tên và nhấn mạnh rằng, việc đổi tên này đã được 100% thành viên Chính phủ đồng ý.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ, thấu đáo phương án đổi tên Dự án Luật, tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật để bao quát hết các loại hình kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần cụ thể hơn các quy định về tổ hợp tác, quy định chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã, chuyển đổi hợp tác xã thành doanh nghiệp, đã được các ý kiến thảo luận đề cập tại phiên thảo luận.

Đấu thầu vướng mắc muôn hình vạn trạng

Được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng ngày với Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), với sự quan tâm khá nhiều dành cho vấn đề đang rất thời sự: khó khăn trong mua sắm thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế.

Khẳng định, khó khăn này không vướng mắc gì ở Luật Đấu thầu, song ở nhiều lĩnh vực khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đang vướng mắc muôn hình vạn trạng.

“Về mặt pháp luật, có nhiều quy định đôi khi lại chặt quá, nhưng đôi khi lại lỏng quá, dẫn đến các nhà thầu hoặc người mời thầu lợi dụng để đưa ra các điều kiện trái với đấu thầu rộng rãi để cài cắm các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí. Nhà thầu có thể thông đồng với nhau để nâng giá, bỏ thầu, dẫn đến kết quả không minh bạch và không hiệu quả”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Bên cạnh đó, khi tổ chức thực hiện, theo Bộ trưởng, các nhà thầu đều lợi dụng sơ hở của pháp luật, hình thành lợi ích nhóm, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Họ mong muốn không thực hiện đấu thầu rộng rãi, mà chỉ thích chỉ định thầu để nhanh, dễ và có quyền lợi, lợi ích ở đằng sau.

“Thực tế hiện nay như vậy, buộc phải bổ sung, điều chỉnh quy định để bịt các lỗ hổng đó lại”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Soạn thảo Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhấn mạnh yêu cầu cần sửa luật.

Với yêu cầu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ rà soát lại để đảm bảo đúng nguyên tắc là không chồng chéo và phát sinh những mâu thuẫn mới.

Bộ trưởng cũng nêu một ví dụ đã đạt được một bước tiến, liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất, đã đạt được thống nhất giữa 2 Ban soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Đó là, trường hợp nào, điều kiện nào sử dụng đất mà phải đấu thầu thì quy định ở Luật Đất đai; còn trình tự, thủ tục đấu thầu thế nào thì quy định ở Luật Đấu thầu.

Để hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, lần sửa đổi này đã bổ sung một số quy định về tiêu chí để bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu.

Theo đó, trong các hành vi bị nghiêm cấm đã bổ sung quy định: Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm mục đích dàn xếp cho nhà thầu khác trúng thầu.

Nhấn mạnh yêu cầu lần sửa đổi này, các quy định càng cụ thể càng tốt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý phải làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và người đứng đầu, để công chức, cán bộ nếu có làm sai thì chỉ phải chịu đúng trách nhiệm ở khâu tham mưu.

Vấn đề khác, theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần được quan tâm, là phạm vi điều chỉnh mở thêm cả việc đấu thầu đối với những dự án có vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trường hợp nào thì áp dụng luật này, để một mặt phải tăng cường quản lý đồng vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhưng cũng phải bảo đảm được quyền tự chủ và quyền nhanh nhạy trong quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đấu thầu hiện hành chỉ quy định đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, lần sửa đổi này, theo nghị quyết của Trung ương, nên áp dụng với doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% trở lên. Doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước sẽ thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo nghị trình, hai dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023).

Mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương, 117 điều, bám sát 5 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua. Một số điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo Luật là mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác đến cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.

Lần sửa đổi này cũng mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển. Trong đó, quy định giới hạn tỷ lệ giao dịch bên ngoài do Điều lệ tự quyết định, Nhà nước không áp đặt một tỷ lệ cứng cho các tổ chức kinh tế hợp tác (quy định hiện hành là tỷ lệ không quá 50%).

Công khai tất cả thông tin về đấu thầu

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 92 điều, chỉ giữ nguyên 2 điều của Luật Đấu thầu hiện hành, gồm 5 nhóm chính sách.

Một số điểm mới đáng chú ý là quy định công khai tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bao gồm cả thông tin về nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Dự thảo cũng đẩy mạnh phân cấp, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định về danh mục, quy trình lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước có phạm vi áp dụng chung trên cả nước; chấp thuận chủ trương đối với dự án, gói thầu có quy mô lớn, liên quan đến quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ.

Các trường hợp còn lại sẽ phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm.

Tin liên quan
Tin khác