Ấn Độ điều tra tự vệ thép cán phẳng hợp kim có xuất xứ/nhập khẩu từ Việt Nam. |
Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) vừa ra thông báo khởi xướng điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim hoặc không hợp kim nhập khẩu vào nước này.
Vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ đại diện cho nhiều doanh nghiệp thép lớn của Ấn Độ như Arcelor Mittal Nippon Steel, AMNS Khopoli, Jindal Steel and Power, Steel Authority of India….
Sản phẩm bị điều tra trong vụ việc này là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng (Non-alloy and alloy steel flat products) thuộc mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7225, 7226 (mã HS chỉ có tính chất tham khảo).
Phạm vi sản phẩm bị điều tra bao gồm các sản phẩm thép cán nóng, thép cán nguội, thép phủ kim loại chống ăn mòn (bao gồm thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ hợp kim kẽm - magie) và thép phủ màu.
Các sản phẩm thép được loại trừ khỏi phạm vi điều tra gồm: Thép điện định hướng hạt cán nguội (cold rolled grain oriented electrical steel), thép cuộn/tấm không định hướng hạt cán nguội (cold rolled grain non-oriented electrical steel coil and sheet), thép mạ điện (coated-electro galvanized steel), thép lá mạ thiếc (tinplate), thép không gỉ (stainless steel).
Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Ấn Độ với khối lượng gia tăng nhanh, mạnh và đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ.
Các yếu tố diễn tiến không lường trước được gây ra sự gia tăng nhập khẩu đột biến bao gồm:
Sau khi Mỹ áp thuế 25% thuế thép theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại, nhiều quốc gia đã áp dụng liên tiếp các biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu, sự dư thừa công suất sản xuất thép đáng kể ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; chính sách nội địa của Trung Quốc chuyển sản xuất thép dài sang thép cán phẳng để xuất khẩu; đầu tư sản xuất thép của Trung Quốc sang các nước ASEAN.
Thời kỳ điều tra từ 01/10/2023 - 30/9/2024. DGTR cho biết sẽ điều tra số liệu từ 01/4/2021-31/3/2022; 01/4/2022-31/3/2023; 01/4/2023-31/3/2024 và thời kỳ điều tra.
Nguyên đơn đề nghị DGTR áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời do có tồn tại tình trạng khẩn cấp (critical circumstances) và áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm.
DGTR yêu cầu các bên liên quan gửi thông tin bình luận về vụ việc và các bản trả lời câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngành sản xuất nội địa, bản câu hỏi lợi ích kinh tế theo đúng thể thức và định dạng quy định theo địa chỉ email jd12-dgtr@gov.in; ad12-dgtr@gov.in; adv11-dgtr@gov.in; dgtr@govcontractor.in; consultant-dgtr@govcontractor.in.
Thời hạn gửi thông tin liên quan nêu trên là trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng. Trong trường hợp không nhận được thông tin bình luận DGTR sẽ sử dụng dữ kiện có sẵn để điều tra.
Để kịp thời ứng phó vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra nghiên cứu kỹ thông báo khởi xướng, đơn kiện bản công khai, gửi ý kiến bình luận về vụ việc (nếu có), gửi bản trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu theo đúng thể thức và định dạng quy định về cơ quan điều tra Ấn Độ theo địa chỉ email nêu trên.
Các doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị kết luận không hợp tác (thường dẫn tới mức thuế rất cao).
Trước đó, vào tháng 8 năm nay, Ấn Độ cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam, dựa theo đơn kiện được đệ trình bởi hai công ty thép lớn là JSW Steel và ArcelorMittal Nippon Steel India.