Dịch chuyển cán cân
Khoảng 5 năm trước, các doanh nghiệp nội như VNPT, Viettel, FPT… chỉ chiếm dưới 20% thị phần thị trường điện toán đám mây Việt Nam, song những năm gần đây, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp Việt khiến cán cân này dần thay đổi.
Mới đây nhất, Viettel đưa Trung tâm dữ liệu (Viettel IDC) tại Hà Nội vào hoạt động, nâng tổng số lên 14 trung tâm, với 1.500 rack (tủ chuyên dùng trong các khu trung tâm dữ liệu để chứa và bảo quản máy chủ), tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương.
Trước đó, cuối năm 2023, VNPT cũng khai trương IDC thứ 8 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với tổng số 4.619 rack. Cùng với đó, hàng loạt nhà cung cấp khác cũng đầu tư xây dựng thêm data center và đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ cloud như VNG, FPT, CMC…
Đến nay, Việt Nam có 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cloud nội địa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng, đưa mức doanh thu đạt được từ 900 tỷ đồng vào năm 2021, lên 2.362 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%.
Dự báo quy mô dịch vụ cloud tại Việt Nam sẽ đạt hơn 1,26 tỷ USD vào năm 2030 nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, các sáng kiến và hỗ trợ của Chính phủ, nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các khoản đầu tư ngày càng tăng cho hạ tầng CNTT, sự chuyển dịch công nghiệp vào các thị trường mới nổi trong khu vực, sự tập trung và tăng trưởng các ngành CNTT… Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt đầu tư phát triển, giành lại thị phần trong tay khối ngoại.
Xác định lợi thế của doanh nghiệp Việt
Trên thực tế, những nhà cung cấp dịch vụ cloud và data center quốc tế đầu tư vào Việt Nam thuộc diện Big Tech, họ có lợi thế về quy mô, công nghệ, đi trước khá xa so với các nhà cung cấp trong nước.
Tuy nhiên, không phải là không có “miếng bánh” cho doanh nghiệp Việt. Theo ông Lê Xuân Quế, Phó giám đốc Viettel IDC, các nhà cung cấp nội địa cũng có những lợi thế để có thể “đối mặt” với Big Tech.
Thứ nhất, đó chính là yếu tố an ninh, an toàn. Các nhà cung cấp trong nước có lợi thế về hạ tầng, kết nối được triển khai trong nước, đáp ứng đầy đủ các quy định về lưu trữ dữ liệu của Việt Nam; có đội ngũ chuyên gia/kỹ sư an toàn thông tin luôn sẵn sàng tư vấn, triển khai, hỗ trợ cho khách hàng khi có các vấn đề phát sinh.
Thứ hai, các nhà cung cấp nội địa có sự thấu hiểu khách hàng, có thể cung cấp dịch vụ một cách linh hoạt, đáp ứng đa dạng nhu cầu, tối ưu chi phí, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng cho khách hàng.
“Giá cả cũng được xem là một lợi thế của các nhà cung cấp nội địa trong một số dịch vụ, song đây là lợi thế ngắn hạn, không phải lâu dài. Để có thể phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt cần tập trung, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ mới, sản phẩm mới, từ đó thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các Big Tech, cũng như tập trung vào các ngành hẹp (vertical) mà doanh nghiệp Việt có lợi thế hiểu biết về ngành”, ông Quế lưu ý.
Đánh giá về cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) nhấn mạnh, một yếu tố quan trọng là chọn đúng phân khúc trên chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, doanh nghiệp Việt cần tận dụng thế mạnh là am hiểu và cung cấp dịch vụ phù hợp cho thị trường địa phương, cung cấp các dịch vụ phụ trợ trong hệ sinh thái cloud toàn cầu.
Do doanh nghiệp cloud nội địa đi sau doanh nghiệp ngoại khá lâu, nên theo ông Đồng, khó có thể “đi tắt đón đầu”, mà phải có chiến lược phát triển từng bước. Để đẩy nhanh quá trình này, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cloud nước ngoài, giúp đáp ứng mục tiêu kép là đảm bảo an ninh hạ tầng chiến lược, tăng hiện diện và thị phần trong hệ sinh thái dịch vụ cloud toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, trong đó quy định dữ liệu của cơ quan nhà nước phải lưu trữ tại Việt Nam. Sử dụng hạ tầng số, dịch vụ số “Make in Việt Nam” vừa đảm bảo hiệu quả, chi phí tối ưu, hiệu suất an toàn và linh hoạt hơn, đồng thời cũng chính là chung tay đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.