Đây là nhận định chung của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hội thảo: “Bắt mạch dòng tiền và bất động sản 2021”, được tổ chức sáng 18/12 tại TP.HCM.
. |
Thị trường dần phục hồi
Tại Hội thảo, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, năm 2021, thị trường bất động sản sẽ có những yếu tố tích cực hơn, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như TP.HCM hay Hà Nội.
Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ chưa thể có bước đột phá mạnh, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, ở TP.HCM, việc chậm tiến độ của các dự án do vướng thủ tục pháp lý sẽ chưa được giải quyết triệt để khi chuyển sang năm 2021.
Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Có những tin vui là Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nên người dân tích cực trong việc đầu tư bất động sản. Nhưng cơ bản dịch bệnh vẫn còn, vắc xin mới xuất hiện và cần thời gian để kiểm chứng.
Theo ông Kiệt, trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung lớn ở phân khúc cao cấp, hạng sang không thể qua Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm 2021, phải chờ đến khoảng quý II hoặc quý III, cũng có thể là hết năm 2021 khi mọi thứ trở lại bình thường, các chuyến bay được mở trở lại, thì chúng ta mới có thể đón lại khách quốc tế.
Do đó, năm 2021 là năm của sự phục hồi nhưng chưa có sự đột phá. Nguồn cung sẽ có sự cải thiện, các chủ đầu tư sẽ đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho biết, trong điều kiện bất ổn về kinh tế, khủng hoảng..., người dân sẽ chuyển dòng tiền của họ thành những hình thức đầu tư khác để bảo đảm được tài sản và có thể kiểm soát được, trong đó vàng và bất động sản được ưu tiên lựa chọn.
Với các doanh nghiệp, những dự án đang phát triển (đang làm thủ tục giấy tờ, làm quy hoạch 1/2000, 1/500, thiết kế…), nếu có khó khăn hơn đi nữa, thì doanh nghiệp cũng phải làm.
“Theo tôi, thị trường có khó khăn đi nữa thì nhu cầu đối với bất động sản vẫn còn, đây là câu chuyện dài hơi chứ không phải năm sau khó khăn bởi vì chính sách này chính sách kia. Ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là pháp lý, còn các yếu tố khác như lãi suất tăng thì đều sẽ xử lý được”, ông Khương nói.
Vùng ven tiếp tục chiếm sóng
Trước thực trạng trên, có một số nhà đầu tư đặt câu hỏi: Vậy dòng tiền trong năm 2021 sẽ chảy vào khu vực nào, phân khúc nào sẽ là chủ đạo của thị trường?
Trả lời về vấn đề này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, đây là một câu hỏi rất rộng và khó trả lời vì không có địa điểm cụ thể, không có thời gian cụ thể.
Với sự phát triển của hạ tầng, khu vực vùng ven sẽ tiếp tục chiếm sóng trong thời gian tới (Ảnh: Lê Toàn) |
Theo phân tích của ông Kiệt, khi đầu tư bất động sản ở bất kỳ thị trường nào thì nhà đầu tư cũng phải xác định được đặc tính của từng vùng đó. Đơn cử, tại thị trường TP.HCM, phân khúc căn hộ là phân khúc sản phẩm được phát triển mạnh nhất trong các năm trở lại đây, dẫn dắt thị trường, vì đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng. Còn các sản phẩm khác như nhà phố, biệt thự... cũng có, nhưng chỉ tập trung vào một số nhóm khách hàng có lượng tiền khá cao.
Hay như tại thị trường Bình Dương, khoảng 4 - 5 năm trước đây, thị trường này gần như không có nhiều dự án căn hộ, chỉ có một số dự án để đáp ứng nhu cầu cho đối tượng là công nhân và chuyên gia làm việc ở các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, thị trường căn hộ Bình Dương rất sôi động khi có rất nhiều dự án mọc trên trục đại lộ Bình Dương, bên cạnh đó là các thành phố như Dĩ An, Thủ Dầu Một. Mỗi một thị trường ở một thời điểm sẽ có sự thay đổi về chủng loại sản phẩm và nhu cầu thị trường khác nhau.
“Câu hỏi phân khúc nào dẫn dắt thị trường sẽ rất khó, bởi một thị trường có một đặc điểm khác nhau”, đại diện CBRE Việt Nam nói và cho biết thêm, thị trường vùng ven sẽ trỗi dậy trong thời gian tới.
Cụ thể, trong năm 2020, nếu so sánh về con số tăng trưởng nguồn cung thì sẽ thấy TP.HCM sụt giảm, nhưng thị trường Bình Dương lại tăng lên. Cụ thể, thị trường Bình Dương đón nhận lượng căn hộ hơn 8.200 căn hộ, tăng gần 150% so với cùng thời điểm của năm 2019.
Do đó, nếu như TP.HCM sụt giảm, thì các thị trường lân cận trở thành thị trường thay thế. Các chủ đầu tư thay vì đầu tư vào TP.HCM sẽ dịch chuyển sang các thị trường lân cận và Bình Dương là một trong những điển hình. Bên cạnh đó, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… với những khu đô thị vệ tinh xung quanh TP.HCM cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
“Đây sẽ là xu hướng không chỉ của năm nay, mà còn trong năm 2021 hoặc có thể nhiều hơn”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt chia sẻ, việc các doanh nghiệp bất động sản dịch chuyển ra vùng ven là một chiến lược linh hoạt trong thời kỳ khó khăn.
“Đó cũng là lý do Phát Đạt thành công trong phát triển ở thị trường Quy Nhơn (Bình Định). Bởi ngoài phát triển về hạ tầng, nơi đây còn phát triển thành công cả về kinh tế và du lịch. Trong giai đoạn này, Phát Đạt càng phải đặt mục tiêu phát triển hơn nữa và tấn công chứ không phòng thủ”, ông Vũ nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, Hưng Thịnh cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên linh hoạt mở rộng thị trường ở những nơi khác để phát triển đội ngũ, duy trì kinh doanh của mình.
“Chúng ta thấy, dù chưa như mong muốn, nhưng cơ sở hạ tầng phát triển khá là tốt trong những năm qua, kết nối các vùng, địa phương thuận tiện hơn nhiều. Với tình hình vĩ mô như hiện nay, đây là một cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính. Đây là cơ hội mà Hưng Thịnh cũng đã tận dụng được”, ông Nhiên nói và cho biết thêm, trong năm 2020, đến thời điểm này, Công ty đã bán được 10.000 sản phẩm và bỏ ra hơn chục nghìn tỷ để M&A các dự án khác.