Nhu cầu camera ở Việt Nam rất lớn, nhưng đa phần nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Ảnh: Lê Toàn |
Dư địa thị trường rất lớn
Theo dự đoán của Globe News Wire, giá trị thị trường camera an ninh toàn cầu năm 2023 ước đạt 12,83 tỷ USD, tới năm 2032 sẽ đạt mốc 41,32 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,9%.
Tại Việt Nam, nhu cầu camera rất lớn, ước đạt hơn 150 triệu chiếc, trong đó chiếm 40% là camera hạ tầng, 30% camera thương mại và 20% camera gia đình, còn lại là các loại khác. Hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 5-6 triệu camera, chủ yếu là camera gia đình và doanh nghiệp, còn camera hạ tầng thì đang sơ khai, dư địa thị trường này rất lớn.
Ông Hoàng Quốc Huy, Phó tổng giám đốc MobiFone Global cho biết, ở Việt Nam mới có khoảng 2 camera/100 dân. Tỷ lệ này khá thấp so với các quốc gia trên thế giới. Tại Mỹ và Trung Quốc, tỷ lệ này là 15 camera/100 dân.
Theo xu hướng chuyển đổi số của xã hội, nhu cầu của người dân đối với việc sử dụng camera ngày càng lớn. Đối với khách hàng cá nhân, họ sẽ dùng để giám sát người già, trẻ em, an ninh. Với khu công nghiệp, họ dùng để giám sát các khu vực nội khu. Với các thành phố, camera còn được ứng dụng để giám sát giao thông, an ninh trong khu phố.
“Hầu hết các loại camera đang sử dụng là của nước ngoài. Điều này mang đến những nguy cơ lớn cho an ninh quốc gia. Xu hướng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc phát triển sản xuất camera an ninh theo tiêu chuẩn Việt Nam, phục vụ cho người Việt. Do đó, tiềm năng của thị trường camera Việt Nam còn rất lớn, không chỉ về sản xuất thiết bị, mà còn là các công nghệ AI phù hợp với nhu cầu của người dùng Việt Nam”, ông Huy đánh giá.
Ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Pavana cho biết, thị trường camera an ninh Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khoảng 12 - 13%/năm. Với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai hệ thống camera cho hạ tầng công cộng. Tuy nhiên, trong số hơn 5 triệu camera nhập khẩu hàng năm, có hơn 90% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nếu các thông tin từ camera giám sát không được bảo mật an toàn thì các bí mật kinh doanh, công nghệ sản xuất, nghiên cứu phát triển có thể bị lộ lọt.
Việc kiểm soát an toàn bảo mật của các camera an ninh không chỉ là sản xuất ở đâu, mà còn liên quan tới nhiều vấn đề như thiết kế mạch điện tử, phần mềm điều khiển, truyền dẫn, hệ thống server quản lý cần được đặt tại Việt Nam.
Làm gì để cạnh tranh?
Làm gì để cạnh tranh, giành lại thị phần camera là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, để cạnh tranh được thì cần có 2 yếu tố. Một là, quy mô thị trường đủ lớn, đại trà; có nghĩa, doanh nghiệp phải tiếp cận ở thị trường toàn cầu. Hai là, các chính sách bảo trợ của Nhà nước. “Doanh nghiệp các nước làm sản phẩm gì trong giai đoạn đầu cũng cần sự bảo trợ, hỗ trợ của Nhà nước. Nếu doanh nghiệp có cả 2 yếu tố này thì sẽ phát triển rất tốt. Nếu không thì phải có một trong hai. Pavana đang kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời cũng hướng đến thị trường toàn cầu”, ông Kiên chia sẻ.
Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc bộ phận sản phẩm Bkav AI View thì lạc quan cho rằng, dù camera Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ, thị trường lớn, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để cạnh tranh. Thời gian gần đây, thương chiến đang diễn giữa các quốc gia hàng đầu thế giới. Mỹ đã ban hành điều luật chính thức để hạn chế sử dụng thiết bị an ninh đến từ quốc gia bị cảnh báo an ninh. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia thị trường quốc tế.
Mặt khác, nếu dùng camera Trung Quốc thì sẽ chuyển dữ liệu qua server Trung Quốc trước, rồi mới chuyển đến người sử dụng Việt Nam. Đây là vấn đề lớn, đáng lo ngại liên quan đến bảo mật, lưu trữ, an toàn thông tin, an ninh quốc phòng.
Theo ông Hoàng Quốc Huy, đối với doanh nghiệp viễn thông, camera giờ không phải như ngày xưa, kết nối cáp đồng trục và mỗi hộ phải có một đầu thu, giờ là camera IP kết nối Internet. Hiện nay, dịch vụ camera gần giống như một dịch vụ viễn thông. Do cần phải có đường truyền kết nối, lưu trữ trên cloud, nên đây là thế mạnh của các nhà mạng. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ không có được sự kết nối với các nhà mạng như các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó tổng giám đốc VNPT Technology đề xuất, camera là một thiết bị công nghệ tích hợp, vừa là thiết bị quang, thiết bị thu phát sóng, máy tính kết nối mạng, cũng là thiết bị IoT, do vậy, phải ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho camera giám sát tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Theo đó, cần có tiêu chuẩn cho các phân khúc camera khác nhau như camera cho hộ gia đình, camera công cộng, camera giao thông, camera dùng cho khối chính phủ… đặc biệt là về mức độ đảm bảo an toàn bảo mật, tuân thủ luật an ninh mạng. Ví dụ, camera an toàn dùng cho khối chính phủ cần có nhiều mức bảo mật khác nhau: mã hóa dùng phần cứng (chip mã hóa chuyên dụng) trên camera, bảo mật phần mềm chống tấn công cài đặt phần mềm lạ, mã hóa luồng video nhằm chống bắt luồng trên đường truyền, mã hóa end-to-end…
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, Việt Nam rất cần các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam, trong đó có sản phẩm camera an toàn, bảo mật do Việt Nam tự sản xuất để xây dựng đô thị an toàn, thông minh.
“Bộ xác định vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cho camera an ninh là tối quan trọng. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn đối với thiết bị camera an ninh nhằm đảm bảo thiết bị được cung cấp trên thị trường đạt các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật”, ông Tuyên nói.
.