Viễn thông - Công nghệ
Thị trường phần mềm: “Mỏ vàng” gần 1.000 tỷ USD và vị thế của người tiên phong
Như Loan - 16/06/2021 08:06
Trong 4 năm tới (2021-2024), thị trường phần mềm thế giới, gồm giải pháp, ứng dụng liên quan đến quy trình doanh nghiệp, phân tích dữ liệu,... sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt giá trị gần 1.000 tỷ USD.

Thị trường phần mềm thế giới dự báo tăng trưởng với CAGR đạt 11,3% đến năm 2024

Làn sóng chuyển đổi số bùng nổ trước áp lực của Covid-19 khiến thị trường phần mềm năm 2020 tăng mạnh 6% về quy mô, đạt mức 632,5 tỷ USD. Dự báo của MarketLine trong vòng 4 năm tới, thị trường phần mềm thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng cao với tỷ lệ trung bình 11,3% và dự kiến đạt con số 969 tỷ USD vào năm 2024. Riêng năm 2021, giá trị của thị trường dự báo đạt khoảng 685 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu sẽ tập trung vào các giải pháp, ứng dụng liên đến quy trình doanh nghiệp, phân tích dữ liệu, bảo mật, hạ tầng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo an toàn cho nhân viên, khách hàng và hoạt động kinh doanh liên tục, các doanh nghiệp buộc phải tăng cường triển khai các giải pháp công nghệ trong quản trị, vận hành… nhu cầu mảng các giải pháp, ứng dụng liên quan đến quy trình doanh nghiệp và phân tích dữ liệu dự kiến sẽ đạt khoảng 275 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Mặt khác, theo dự báo của IDC đến cuối năm 2022, 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp. Sang năm 2023, 75% các tổ chức toàn cầu sẽ có một lộ trình triển khai chuyển đổi số toàn diện, tạo ra một cuộc cách mạng số hóa trong nhiều khía cạnh của doanh nghiệp và xã hội, so với con số của năm 2020 là 27%.

Nhìn chung, xu hướng chuyển đổi số kỳ vọng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi con người ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của việc số hóa sau đại dịch. Nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục ở mức cao, giới quan sát ghi nhận. Trong đó, những xu hướng công nghệ chiến lược dẫn đầu trong năm 2021 như AI, Cloud, Big Data…sẽ xoay quanh 3 trụ cột chính là con người, không gian hoạt động và giao hàng linh hoạt.

Cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho các doanh nghiệp công nghệ

Sự phục hồi nhanh và tiềm năng tăng trưởng lớn của thị trường phần mềm thế giới đã, đang và sẽ tạo cơ hội tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp trong ngành, bất chấp những tác động tiêu cực và dai dẳng của Covid-19. 

Minh chứng, nhìn lại năm 2020, kinh tế thế giới ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,3%, theo số liệu của World Bank. Dưới tác động của đại dịch, nhiều ngành nghề cũng nằm trong xu hướng tăng trưởng âm như bán lẻ (-5,7%), hàng không (-60,9%). Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin đã có sự cải thiện đáng kể vào nửa cuối năm 2020 nhờ vào sự tăng trưởng vượt trội của các công ty công nghệ trên toàn cầu.

Đơn cử Accenture PLC - công ty tư vấn công nghệ, năm 2020 doanh thu tăng trưởng dương lên 44,33 tỷ USD, thu nhập ròng vào mức 5,11 tỷ USD, tương ứng hiệu suất sinh lời lên đến 11,5%. Hay Infosys Limited – công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin và outsourcing, cũng đạt 908 tỷ USD trong năm 2020, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Sang quý đầu năm 2021, Công ty thu về 263 tỷ USD doanh thu và 51 tỷ USD thu nhập ròng, tương ứng mức biên lợi nhuận vào mức 19%.

Trên thị trường, chỉ số các công ty công nghệ liên tục phá đỉnh và tăng gấp đôi trong năm qua là một minh chứng rõ nét khác về niềm tin vào triển vọng của các công ty công nghệ.

Tại Việt Nam, FPT – công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam kết thúc 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu Tập đoàn đạt 13.279 tỷ đồng, tăng 18,6% và lợi nhuận trước thuế thu về 2.428 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 5 tháng FPT đã thực hiện được gần 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cần nhấn mạnh, định hướng tập trung chuyển đổi số cho khối khách hàng chính phủ và các doanh nghiệp lớn; đồng thời chú trọng phát triển các giải pháp, nền tảng Made by FPT, lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường trong nước đã giúp FPT ghi nhận kết quả tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận.



Tựu trung, tiên phong và dẫn đầu về lĩnh vực công nghệ thông tin, FPT đang tận dụng cơ hội chuyển đổi số và tập trung xây dựng Hệ sinh thái các sản phẩm – giải pháp "Made by FPT" giúp các doanh nghiệp kinh doanh không gián đoạn, bứt phá trong bình thường mới, đồng thời tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn cho chính Tập đoàn này.

“Điều FPT tâm huyết nhất chính là bằng chuyển đổi số đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, mỗi người dân có một cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh và các doanh nghiệp tăng trưởng bứt phá”, Chủ tịch HĐQT FPT, ông Trương Gia Bình khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác