Viễn thông - Công nghệ
Thị trường smartphone 2019: Sự trỗi dậy của thương hiệu Việt
Hữu Tuấn - 26/12/2019 06:10
Dù chưa lọt vào Top 5, nhưng năm 2019 đã ghi dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng smartphone do Việt Nam sản xuất.
Nhà máy sản xuất smartphone Vsmart của Vingroup.

Khi “ông lớn” gia nhập cuộc chơi

Thị trường smartphone năm 2019 kết thúc bằng một sự kiện gây xôn xao: Tập đoàn Vingroup “chơi lớn” bằng việc tặng hơn 100.000 cư dân Vinhomes mỗi chủ nhà một chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart.

Smartphone của VinSmart trình làng năm 2018 với 4 mẫu đầu tiên có tên lần lượt Joy1, Joy1+, Active1 và Active1+, với giá 2,5 - 6,3 triệu đồng/sản phẩm. Trong năm 2019, VinSmart đã ra mắt thêm các mẫu điện thoại khác như Bee, Star, Joy2+, Live, với mức giá 1,39 - 7,9 triệu đồng.

Mới đây, tháng 10/2019, VinSmart đã chính thức công bố tham gia thị trường Nga với việc ra mắt 4 sản phẩm điện thoại thông minh mới nhất. Nga là thị trường xuất khẩu thứ ba của VinSmart, sau Tây Ban Nha và Myanmar.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 11/2019, VinSmart đã khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), với hệ sinh thái sản phẩm rộng lớn, gồm smartphone và các thiết bị điện tử thông minh... Sau khi đi vào vận hành, tổ hợp này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm sản xuất các thiết bị công nghệ hiện đại hàng đầu khu vực.

Với việc đưa nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart rộng hơn 14,8 ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm, mục tiêu ra mắt sản phẩm 5G đầu tiên vào năm 2020, có thể thấy, Vingroup đã rất quyết tâm và đầu tư rất lớn cho mảng sản xuất công nghiệp. Trong đó, smartphone là sản phẩm chủ lực.

Trong bảng xếp hạng smartphone mới nhất của nền tảng chấm điểm hiệu năng di động Antutu Benchmark vào tháng 11/2019, lần đầu tiên, một sản phẩm của VinSmart lọt vào danh sách các thiết bị tầm trung mạnh mẽ nhất, chỉ đứng ngay Redmi Note 7 Pro bản 128 GB.

Chiếc Vsmart Live đã trở thành một trong những hiện tượng công nghệ mới tại thị trường Việt Nam khi Công ty quyết định hạ giá chiếc smartphone này xuống chỉ còn một nửa so với giá bán niêm yết ban đầu. Đây cũng là một động thái quan trọng của nhà sản xuất để cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất tới từ Trung Quốc, vốn “độc tôn” trong phân khúc này.

Đúng như ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đã nói, VinSmart đã liên tiếp có những bước đi chiến lược, bài bản và thần tốc. Vingroup đang xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm thông minh trong tương lai, trong đó, smartphone Vsmart sẽ đóng vai trò là thiết bị hạt nhân.

“Là đơn vị đi sau, nhưng chúng tôi xác định, thị trường điện tử tiêu dùng của Việt Nam và thế giới vẫn còn phát triển bền vững, cơ hội vẫn còn nhiều cho những công ty đầu tư nghiêm túc và có chiến lược bài bản như VinSmart. Chúng tôi tin tưởng, với những thiết bị chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và chế độ hậu mãi hấp dẫn, Vsmart đủ sức chinh phục khách hàng Việt Nam cũng như thị trường quốc tế”, ông Quang nói.

Nếu như năm 2020, VinSmart sẽ là doanh nghiệp Việt sản xuất smartphone 5G đầu tiên, thì Bphone của Bkav cũng hé lộ sẽ là doanh nghiệp Việt đầu tiên trên thế giới sản xuất smartphone tích hợp công nghệ chụp ảnh điện toán do Bkav phát minh.

“Team camera BKav đã hoàn tất sáng tạo một công nghệ mới, lần đầu tiên có mặt trên smartphone. Bphone 4 của Bkav sẽ có khả năng chụp được những khoảnh khắc mà mắt thường không thể nhìn thấy. Với công nghệ này, Bphone sẽ là điện thoại đầu tiên trên thế giới có thể chụp được những khoảnh khắc như vậy, việc mà ngay cả máy ảnh cơ cũng khó làm được”, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav tiết lộ.

Bkav đã mất 5 năm nghiên cứu và phát triển Bphone để ra mắt chiếc Bphone đầu tiên vào năm 2015. Năm 2018, Bphone 3 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng về cả giá cả lẫn công nghệ. Bphone 3 là smartphone tầm trung duy nhất trên thị trường được trang bị các tính năng chỉ có trên smartphone cao cấp, như chống nước, chống bụi chuẩn cao nhất IP 68, chống trộm, chụp ảnh macro. Đến tháng 7/2019, Bkav đưa Bphone 3 sang chinh phục người tiêu dùng Myanmar. Dù doanh số chưa cao, nhưng Bkav luôn không ngừng nghiên cứu, cải tiến các thế hệ Bphone.

“Tôi có một khát vọng là xây dựng ngành sản xuất smartphone cũng như các ngành công nghệ khác cho Việt Nam”, ông Quảng nói. Cũng theo ông Quảng, dù thua lỗ, nhưng ông vẫn giữ tầm nhìn Bkav trở thành "Apple hay Samsung của Việt Nam". Đó là những khát vọng đáng trân trọng.

Chính Vinsmart hay Bphone đang hướng tới một mục tiêu lớn thay đổi thị trường smartphone Việt Nam bằng nỗ lực, quyết tâm của mình. Họ đã khiến các đối thủ trên thị trường Việt Nam bắt đầu lo ngại.

Xuất hiện “ngựa ô mới”

Trong lúc Vsmart, Bphone đang từng bước chen chân vào thị trường quy mô hàng tỷ USD, thì cục diện thị trường smartphone năm 2019 đã thay đổi. Một số sản phẩm của một số thương hiệu lớn đã biến mất khỏi kệ hàng.

Báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường GfK cho biết, trong 3 tháng gần đây nhất, doanh số bán điện thoại tại thị trường Việt Nam giảm sút, kéo theo kết quả cả năm 2019 kém hơn so với năm 2018. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, thị trường điện thoại di động nói chung giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái (tiêu thụ hơn 15 triệu chiếc, giảm hơn 1,3 triệu chiếc).

Cùng với số lượng máy bán ra giảm, doanh thu của toàn thị trường điện thoại di động cũng giảm theo. Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu điện thoại di động tại Việt Nam chỉ đạt gần 53.000 tỷ đồng, so với mức 58.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Thị phần của các thương hiệu smartphone cũng liên tục nhảy múa. Samsung vẫn là “ông kẹ” lớn nhất, chiếm giữ 42,8% thị phần Việt. Theo sau đó là Oppo với 23,2%.

Cái tên đáng chú ý nhất là Xiaomi - chiếm vị trí số 3 trên bảng xếp hạng thị phần. Theo số liệu GfK, tháng 9/2019, chú “ngựa ô” (phát triển bứt phá) này chiếm tới 10,7% thị phần, gần gấp đôi so với thị phần của Apple, giành vị trí thứ 3 toàn thị trường. Được biết, tháng 10/2018, Xiaomi mới chiếm 3,9% thị phần. Xiaomi đã làm được điều mà ngay cả nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới là Huawei chưa làm được.

Trong khi đó, trong vòng một năm trở lại đây, hãng Apple bắt đầu chững lại, chưa từng đạt được mốc trên 10% lượng smartphone bán ra tại Việt Nam.

Chú “ngựa ô” thứ 2 trong năm 2019 là Realme. Từ một nhãn hàng cực kỳ non trẻ, hãng này đã đạt được hơn 5% thị phần và lọt vào Top 5, đứng sau Samsung, Oppo, Xiaomi và Apple. Đáng chú ý là, Realme đã tạo được bước tiến ngoạn mục chỉ trong 1 năm. Trước đó, tháng 11/2018, Realme có thị phần chưa tới 1%. Nhưng từ tháng 4/2019, Realme đã bất ngờ quật khởi, liên tiếp đạt trên 5% thị phần trong các tháng giữa năm 2019. Trên toàn cầu, Realme cũng là thương hiệu smartphone phát triển nhanh nhất, khi đứng vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng smartphone toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, Realme có được thành quả tại Việt Nam chủ yếu do là thương hiệu con của Oppo. Các smartphone của hãng này có thiết kế theo xu hướng trẻ trung, khá tương đồng với thiết kế Oppo và có giá phù hợp giới trẻ. Realme cũng thừa hưởng toàn bộ mạng lưới bảo hành và kênh bán hiện có của Oppo. Cách truyền thông của Oppo cũng được Realme áp dụng. Những yếu tố đó khiến Realme tăng trưởng nhanh tại thị trường Việt Nam.

Chú “ngựa ô” thứ 3 là Vivo. Tháng 9/2019, Vivo đạt gần 5% thị phần, giành vị trí thứ 5. Một năm trước, Vivo còn khá èo uột. Tuy nhiên, những thay đổi mới đây của Vivo, trong đó có việc thuê cựu giám đốc kinh doanh của Mobiistar về phụ trách mảng bán hàng, đã giúp hãng này thay đổi đáng kể.

Nếu phải nói về cái tên đáng tiếc nhất thì đó là Huawei - thương hiệu từng chiếm hơn 5% thị phần trong năm 2018 và 2 tháng đầu năm nay. Mới đây, nhiều nhà bán lẻ đã dẹp quầy trưng hàng Huawei vì hãng này không còn hàng quốc tế để bán. Lý do là thương chiến Mỹ - Trung đã khiến Huawei bị Google và một số đối tác lớn khác tuyên bố không hợp tác.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế giới Di động, thị trường smartphone đang bão hòa, mức độ tăng trưởng rất thấp. Kết quả kinh doanh cụ thể của Thế giới Di động cho thấy mức độ lợi nhuận của ngành hàng điện thoại di động đang đi ngang, gần như không có tăng trưởng đáng kể trong quý III/2019. Tuy nhiên, theo chu kỳ kinh doanh, sức tiêu thụ điện thoại và điện máy có xu hướng chững lại từ quý III, sau mùa cao điểm bán hàng nửa đầu năm và sẽ tăng trưởng trở lại vào mùa lễ hội cuối năm.

Có thể thấy, cuộc cạnh tranh trên thị trường smartphone đang rất khốc liệt, nhất là Top 5. Hy vọng rằng, năm 2020, trong Top 5 này sẽ xuất hiện thương hiệu Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác