Cạnh tranh trên thị trường sơn ngày càng khốc liệt |
Cũng như thị trường bất động sản, thị trường sơn cũng được chia hạng theo các phân khúc, từ hạng bình dân đến hạng sang. Trong đó, phân khúc cao cấp là những hãng sơn Nhật, Mỹ, châu Âu như Akzo Nobel, Nippon, Jotun.
Đây là những doanh nghiệp có nhà máy cùng hệ thống phân phối tốt. Phân khúc trung bình khá đến từ các hãng như 4 Oranges, TOA, SeaMaster… Nhóm trung bình với các thương hiệu như Kova, Tison… Còn lại là các cơ sở sản xuất rải rác khắp cả nước, phục vụ cho các khách hàng thu nhập thấp.
Theo chia sẻ của anh Huy, nhân viên phân phối, tiếp thị sơn ở Hà Nội, sơn chủ yếu được bán qua kênh phân phối đến tay người tiêu dùng và các công trình, nên lượng tiêu thụ sơn ảnh hưởng nhiều đến độ chuyên nghiệp, độ “khéo” của nhân viên bán hàng và chế độ ưu đãi, chiết khấu của đại lý, công ty sản xuất.
“Tuy nhiên, như thường lệ, cứ mỗi dịp cuối năm, thị trường sơn lại “vào mùa” nhộn nhịp với đủ các loại, giá tiền và cạnh tranh khốc liệt từ những người tiếp thị”, anh Huy cho biết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Quang Thái, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á cho biết, hiện nay, thị phần sơn ngoại đang chiếm khoảng 60% trên tổng sản lượng tiêu thụ và sơn nội địa chiếm 40% thị phần. Bình thường, thị trường sơn đã có sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp, nhất là những công ty lớn với nhau.
Năm nay, mức độ cạnh tranh này sẽ còn khốc liệt hơn, bởi lượng doanh nghiệp kinh doanh về sơn ngày một nhiều, với khoảng hơn 800 công ty. Hơn nữa, do biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nhiều, nền kinh tế, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu. Điều này đã tác động trực tiếp đến sự cạnh tranh và ảnh hưởng đên sức bán hàng của các thương hiệu, nhà phân phối.
Bên cạnh đó, nhiều công ty mới ra đời đòi hỏi những doanh nghiệp cũ phải tự đầu tư làm mới mình để không mất thị phần với những chiêu bài như giá thành, chất lượng, dịch vụ, chế độ hậu mãi, khuyễn mãi,..
Với thâm niên hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực sơn, ông Thái nhận định, 3 tháng còn lại của năm nay chiếm khoảng trên dưới 50% doanh thu cả năm của các doanh nghiệp. Trong đó, các dự án, công trình lớn vẫn là kênh phân phối chiếm ưu thế hơn cả.
Là người trực tiếp đến “gõ cửa” người tiêu dùng, anh Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng đại lý của một hãng sơn lớn ở khu vực Mỹ Đình, Xuân Đỉnh (Hà Nội) chia sẻ: “Thị trường sơn năm nay cạnh tranh khốc liệt hơn, sôi động hơn.
Nếu xét ở góc độ phân phối trực tiếp như chúng tôi thì sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gần như rất ít. Bởi hầu hết các hãng sơn đều nhập nguyên liệu từ nước ngoài và người ta chỉ cạnh tranh nhau về thương hiệu, như hãng sơn xuất xứ ở Mỹ, Nhật Bản hay Đông Á…Với các chiêu truyền thống như cạnh tranh về chiết khấu, tri ân khách hàng, khuyến mãi…
Ở thị trường tỉnh lẻ, đối tượng khách hàng của các hãng sơn có vẻ thu hẹp hơn, nhưng cũng không nằm ngoài vòng xoáy của sự cạnh tranh về giá, thương hiệu, chế độ bán hàng, khuyến mãi và được dự đoán khá sôi động dịp cuối năm này.
Chia sẻ với Báo Đầu từ Bất động sản, anh Tuấn, chủ đại lý sơn Phú Tuấn của hãng sơn 4 Oranges (Hà Nam) cho biết, thị trường sơn ngày càng khốc liệt hơn, rất nhiều nhãn hiệu mới ra đời, họ có nhiều chế độ ưu đãi để thu hút khách hàng. Vì vậy, những đại lý lâu năm như anh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, thậm chí phải chia sẻ lợi nhuận 5-7% với khách hàng.
“Hơn nữa, thị trường trường tỉnh lẻ cũng bị bó hẹp hơn. Vì các dự án cơ sở hạ tầng ít, chủ yếu là bán cho người dân, hộ gia đình, cùng lắm thì xây dựng các trụ sở, cơ sở làm việc của các huyện, thị… Vì vậy, chúng tôi phải tính toán rất kỹ trước khi đưa ra các ưu đãi, phương án bán khi mỗi khi thị trường vào mùa. Tuy nhiên, theo dự định, năm nay có sẽ có những kết quả kinh doanh tốt, vì mức sống của người dân ngày một cao, quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới và nhu cầu xây dựng của người dân cũng cao hơn”, anh Tuấn nhận định