Ảnh minh hoạ |
Sân chơi cho tổ chức chuyên nghiệp
Bản dự thảo công bố gần nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách tiếp tục xác định đối tượng tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức. Tuy nhiên, một khe cửa nhỏ được mở ra cho nhóm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân trong trường hợp trái phiếu riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành. Ngoài ra, theo điều kiện chuyển tiếp, trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành riêng lẻ trước ngày 1/1/2026 và còn dư nợ và các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước ngày 1/1/2026 đã gửi nội dung công bố thông tin trước cho sở giao dịch chứng khoán, mà chưa hoàn thành việc phân phối sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019.
So với những phiên bản đầu tiên của Dự thảo, quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đối tượng tham gia thị trường trái phiếu đã được nới đáng kể. Trước đó, để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cá nhân cần tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất hay nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 32 tỷ đồng…
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn được xác định là “sân chơi” của tổ chức chuyên nghiệp, trừ “ngách” riêng là nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành.
Cũng phải nói thêm rằng, đã từng có thời điểm trong năm 2021, nhà đầu tư cá nhân là nhóm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trên thị trường này, với tỷ trọng 41%. Đến tháng 6/2024, tỷ trọng này đã giảm về mức 24%. Với sự thanh lọc từ thị trường, nhà đầu tư cá nhân đầu tư trên thị trường trái phiếu riêng lẻ phải cân nhắc nhiều hơn trước các rủi ro có thể đối mặt.
Còn trên thị trường trái phiếu chào bán ra công chúng, cơ hội với các nhà đầu tư cá nhân cũng không nhiều. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, có 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỷ đồng và 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng từ đầu năm. Giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng chiếm tỷ trọng chưa đến 10%. Chưa kể, chỉ riêng đợt phát hành của Agribank đã huy động tới 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu chào bán ra công chúng.
Trước đó, năm 2023, tình hình cũng không khá hơn là bao, với tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, với chỉ có 29 đợt phát hành ra công chúng, huy động 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành).
Giải pháp nào?
Tổng hợp ý kiến góp ý từ nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định không cho phép các nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào các trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp không phải của tổ chức tín dụng sẽ có tác động rất lớn đến thị trường vốn.
Ở bối cảnh hiện tại, các tổ chức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… đang vướng nhiều hạn chế về quy định đầu tư trái phiếu. Nếu hạn chế các nhà đầu tư này, doanh nghiệp khó có thể phát hành thêm vì không có đủ nhà đầu tư trên thị trường để hấp thụ lượng trái phiếu phát hành ra. Cùng với đó, xét riêng ở nhóm trái phiếu riêng lẻ có mục đích cơ cấu nợ, nhà đầu tư cá nhân đang là tệp nhà đầu tư gần như duy nhất. Tới đây, doanh nghiệp có thể có nhu cầu huy động vốn để cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn hoặc cơ cấu các khoản nợ có chi phí huy động vốn cao.
“Do vậy, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn trong việc huy động vốn để tái cơ cấu nợ, có thể ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản trong 3-5 năm tới”, góp ý của VCCI nhấn mạnh.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu riêng lẻ đã có sự phát triển ổn định hơn sau nhiều biện pháp như vận hành chuyên trang thông tin trái phiếu của HNX, đăng ký và giao dịch tập trung trái phiếu riêng lẻ tại HNX... Do đó, VCCI đề nghị cân nhắc chưa bổ sung quy định trên trong lần sửa đổi này, mà chỉ nên bổ sung sau khi đã tháo gỡ các vướng mắc liên quan quy định về chào bán trái phiếu ra công chúng và giảm các hạn chế với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tổ chức.
Theo ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm Phân tích (Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating), quy định mới được cơ quan quản lý đặt ra nhằm giảm bớt rủi ro quá mức trong hoạt động đầu tư trái phiếu riêng lẻ, bằng cách giới hạn trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức.
“Sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức là rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường. So với nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tập trung vào mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn, thì các nhà đầu tư tổ chức thường phải cân nhắc rủi ro đầu tư kỹ hơn, chấp nhận đầu tư dài hạn và có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn trước những biến động ngắn hạn”, ông Lương ủng hộ sự tham gia sâu hơn của nhóm tổ chức chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% tổng số trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 6/2024 đang để lại khoảng trống cho thị trường. Đơn cử, nhà đầu tư tổ chức lớn nhất Việt Nam hiện nay là Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quy mô tài sản quản lý đạt 1,2 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2023, vẫn chưa thực hiện đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đại diện VIS Rating cho rằng, việc nâng cao nhận thức về rủi ro và tăng cường sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức là chìa khóa cho đoạn phát triển mới.