Ngân hàng - Bảo hiểm
Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn với FinTech
Nhuệ Mẫn - 13/11/2016 11:05
Làn sóng đầu tư lớn vào FinTech ngày càng trở nên mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây và Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay.

Tại Hội thảo “Ngân hàng số - tương lai của ngành Ngân hàng?” do Trường Bồi dưỡng Cán bộ Ngân hàng phối hợp với Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) phối hợp tổ chức ngày 11/11, ông Douglas Jackson, Giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn quản trị Boston Consulting Group (BCG) cho biết, gần 53 tỷ USD đã được dành cho các công ty Fintech và hiện có khoảng hơn 3.500 công ty Fintech.

Doanh nghiệp FinTech của Hoa Kỳ thu hút gần 70% vốn đầu tư và Trung Quốc đứng đầu trong các nước châu Á - Thái Bình Dương.

“Các công nghệ xử lý thông minh có thể tác động đáng kể lên hành trình xuyên suốt của khách hàng và FinTech có thể giúp khách hàng trải nghiệm trọn vẹn về dịch vụ, từ vay vốn như thế nào, vay vốn bao nhiêu, mua nhà đất loại gì…”, ông Jackson cho biết.

Hội thảo Ngân hàng số - tương lai của ngành Ngân hàng? (Ảnh: K.T)
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Jan Bellens, Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu, thị trường ngân hàng và vốn EY Singapore cho biết thêm, đối với việc cho vay, với ứng dụng FinTech, giúp ngân hàng có dữ liệu tốt hơn về khách hàng, đồng thời đánh giá về khách hàng tốt hơn. Liên quan tới bảo hiểm, FinTech giúp gắn thiết bị lên ô tô nhằm ghi lại hành vi lái xe, sẽ định giá sát nhất rủi ro họ có thể chấp nhận. Hoặc tư vấn tài chính thông qua hệ thống thuật toán, robot, dựa trên phân tích hành vi của khách hàng…

Cũng như nhiều thị trường khác, tại Việt Nam, dịch vụ thanh toán là mảng chịu ảnh hưởng đầu tiên. Cụ thể ở Việt Nam hiện nay, FinTech tập trung vào thanh toán như ví điện tử, thanh toán trực tiếp, cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân…

“Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn đối với FinTech, bởi sở hữu những đặc điểm thú vị là chưa nhiều người dùng dịch vụ ngân hàng và đây là một khoảng trống nếu có công nghệ có thể đáp ứng được nhóm khách hàng này theo một cách tiết kiệm chi phí nhất. Bên cạnh đó, tương lai khá sáng sủa cho FinTech  Việt Nam, do tại đây có nhiều ngân hàng bán lẻ nhưng vẫn còn quá nhiều thủ tục giấy tờ”, ông Jan Bellens nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình, người sáng lập, Chủ tịch NextTech Group of Technopreneurs cho rằng, vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số tại các quốc gia mới phát triển, trong đó có Việt Nam nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này.

“Hệ thống ngân hàng không nên bỏ qua những thay đổi lớn của FinTech để tối ưu hóa hoạt động của mình”, ông Jan Bellens nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác