Thiên Long tăng vốn đầu tư dự án tại Singapore
HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long vừa thông qua việc điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với Dự án Flexoffice Pte.Ltd.
Cụ thể, TLG điều chỉnh mức vốn đầu tư ra nước ngoài từ 814,402 USD lên mức 1.31 triệu USD, tương đương hơn 31 tỷ đồng, bằng tiền mặt và là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Tập đoàn Thiên Long điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với Dự án Flexoffice Pte.Ltd. |
Lý do điều chỉnh được TLG cho biết là để phục hồi, duy trì và ổn định hoạt động kinh doanh cho dự án ở nước ngoài, sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khu vực và dịch bệnh giai đoạn 2020-2021, phục vụ cho việc nghiên cứu, thăm dò và tìm kiếm thị trường tiềm năng để thúc đẩy các thương vụ mua bán hàng hóa của nhà đầu tư ra các thị trường nước ngoài lân cận như Malaysia, Philippines, Indonesia, tiếp cận và đi sâu vào thị trường mục tiêu thông qua các hình thức hợp tác như góp, liên doanh với đối tác ở địa phương nhằm thúc đẩy nhanh và tăng tính hiện diện thương hiệu của sản phẩm và dịch vụ Việt Nam ra thị trường các nước tiềm năng ở khu vực châu Á.
Quyết định đầu tư dự án Flexoffice được TLG thông qua từ năm 2019. Lĩnh vực mà Flexoffice hoạt động là bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu văn phòng, dụng cụ học sinh, đồ dùng dạy học bằng nhựa, hàng nhựa gia công và các sản phẩm, hàng hóa mà pháp luật Việt Nam và Singapore không cấm lưu động.
Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT TLG có quyền quyết định các giao dịch liên quan đến Flexoffice, bao gồm nhưng không giới hạn các quyết định điều chỉnh vốn điều lệ, thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật Singapore.
Về kết quả kinh doanh, 11 tháng đầu năm 2022, chủ sở hữu bút bi Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.3 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 444 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 74% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của chủ sở hữu bút bi Thiên Long.
Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu tăng 59% so với cùng kỳ và đóng góp hơn 24% doanh thu cho Tập đoàn.
Công ty VNG chào sàn Upcom, định giá 350 triệu USD
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần VNG đăng ký 35,8 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn Upcom từ ngày 5/1/2023, với mã chứng khoán VNZ.
Theo World Startup Report, VNG được đánh giá là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam sau khi được định giá tài sản trên 1 tỷ USD. |
Theo HNX, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của VNZ là 240.000 đồng/cp. Với mức giá này, VNG có vốn hóa khoảng 8.590 tỷ đồng, tương đương gần 350 triệu USD. Mức định giá này thấp hơn rất nhiều so với mức trên 1 tỷ USD trong định giá trước đây.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của VNG, trong 9 tháng đầu năm, VNG đạt doanh thu hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ trò chơi trực tuyến chiếm 4.056 tỷ đồng, dịch vụ quảng cáo trực tuyến chiếm 933 tỷ đồng... Tuy nhiên, do các khoản đầu tư vào vào CTCP Zion (đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay) và CTCP Tiki, dẫn đến lỗ sau thuế là 764 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính riêng ngày 30/9/2022, VNG ghi nhận tổng mức đầu tư vào công ty con, công ty liên kết là 4.442,2 tỷ đồng, trong đó, khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Zion chiếm 2.500 tỷ đồng.
Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD. Đến năm 2019, quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá 2,2 tỷ USD.
Theo World Startup Report, VNG được đánh giá là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam sau khi được định giá tài sản trên 1 tỷ USD.
Thành công của VNG khởi đầu đến từ game. Ý tưởng ban đầu của những người sáng lập là thành lập công ty game nhằm tạo ra cái mới cho thế hệ trẻ. Với sản phẩm đầu tay Võ Lâm Truyền Kỳ, công ty đã thành công và nhanh chóng vươn lên số 1 ở thị trường trong nước.
Dù vậy, khi những doanh nghiệp kinh doanh game online trong nước đang rơi rụng dần, chỉ một vài doanh nghiệp trụ được thì VNG vẫn đang tăng trưởng một cách bền vững, giữ vững vị trí số 1 ở lĩnh vực này; bên cạnh đó còn mở ra nhiều mảng kinh doanh khác và tất cả đều có bước tiến.
Tính đến nay, VNG đang kinh doanh trong 4 lĩnh vực chính là: game, mạng xã hội (Zalo), thanh toán (Payment) và dịch vụ đám mây (Cloud). Trong đó payment và cloud là hai mảng kinh doanh mới mang tính chiến lược.
VNG đang tập trung mạnh nguồn lực cho mảng dịch vụ đám mây, một “hạ tầng” mới không thể thiếu trong kỷ nguyên 4.0. Ngày 16/12/2022, VNG đã khai trương trung tâm dữ liệu mới ở khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM). Trung tâm có quy mô 7.800 m2 và diện tích sàn sử dụng 12.400 m2. Ông Gary McKinnon, Giám đốc cấp cao tại VNG, đánh giá đây là một trong những data center hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ở khía cạnh khác, ứng dụng Zalo của VNG cũng đang hỗ trợ các địa phương, tỉnh thành kết nối, tương tác với người dân và triển khai chính quyền điện tử một cách hiệu quả. Ứng dụng Zalo của VNG cũng đang hỗ trợ các địa phương, tỉnh thành kết nối, tương tác với người dân và triển khai chính quyền điện tử.
Ngoài ra, ở mảng game, VNG đang có văn phòng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Philippines, Indonesia và vẫn nghiên cứu mở rộng tới những thị trường mới, giàu tiềm năng như Ấn Độ, Mỹ Latinh.
Hiện VNG có 3 cổ đông lớn cả cá nhân và doanh nghiệp, gồm: VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ; CTCP Công nghệ BigV sở hữu 4,6% vốn điều lệ. Riêng CEO Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ.
Vietjet vận chuyển cành mai, đào Tết
Hãng triển khai dịch vụ vận chuyển mai, đào trên một số chuyến bay nội địa từ ngày 6/1//2023 đến 5/2/2023, với mức giá 450.000 đồng mỗi bó.
Từ ngày 6/1/2023, Vietjet nhận vận chuyển đào, mai đi cùng hành khách |
Dịch vụ vận chuyển mai, đào áp dụng trên các chuyến bay nội địa đi và đến giữa Hà Nội, TP HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, khởi hành trong cùng thời điểm mở bán dịch vụ. Mỗi bó sẽ được vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi đi cùng hành khách trên chuyến bay.
Mỗi khách hàng được vận chuyển một bó với quy định: không quá hai cành một bó, không phải dạng cây hay dạng chậu có đất, kích thước không vượt quá 150cm x 40cm x 40cm, và phải được bọc ngoài cẩn thận.
Để linh hoạt và thuận tiện, khách hàng có thể đặt mua trong quá trình đặt chỗ hoặc sau khi đặt chỗ trên các kênh bán của Vietjet, bao gồm website, ứng dụng điện thoại Vietjet Air, đại lý, phòng vé, và tổng đài Vietjet.
Vì số lượng có hạn trên mỗi chuyến bay, hãng ưu tiên khách hàng mua trước 3 tiếng so với giờ khởi hành.
"Vietjet mong muốn đồng hành cùng hành khách trên những chuyến bay chở xuân nhiều niềm vui, trở về đoàn tụ cùng gia đình và du xuân trong dịp Tết Nguyên đán", đại diện Vietjet chia sẻ.
Vietnam Airlines đưa lao động nghèo về quê đón Tết
Vietnam Airlines cho biết sẽ tổ chức 1 chuyến bay khứ hồi miễn phí cho người lao động có quê quán tại các tỉnh, thành phố phía Bắc đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam để trở về quê nhà trong dịp Tết Nguyên đán cũng như dành tặng người lao động những món quà của hãng.
Vietnam Airlines sẽ tổ chức 1 chuyến bay khứ hồi miễn phí cho người lao động đang làm việc ở các tỉnh miền Nam, có quê ở các tỉnh miền Bắc |
Theo đó, người lao động cũng được hỗ trợ chi phí từ sân bay Nội Bài về các bến trung chuyển để đi tiếp về địa phương quê nhà.
Chương trình mang tên “Chuyến bay mơ ước - Hành trình đoàn viên”, được tổ chức nhờ sự chung tay, ủng hộ của các hội viên LotuSmiles, chương trình khách hàng thường xuyên của hãng, tại phiên đấu giá từ thiện trong khuôn khổ chương trình Triệu dặm tri ân diễn ra vào ngày 1/12/2022 vừa qua.
Chuyến bay chiều đi có hành trình từ TPHCM đi Hà Nội ngày 9/1/2023. Các chuyến chiều về có hành trình từ Hà Nội, Vân Đồn, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh đi TPHCM ngày 10-15/2/2023.
Danh sách những người lao động sẽ do các liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố phía Nam đề nghị, trên cơ sở ưu tiên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trải qua nhiều mùa Tết xa quê hương.
Ngoài ra, hãng hàng không này cũng dành tặng một số vé cho người lao động đăng ký trên fanpage và địa chỉ email của hãng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết thông qua chương trình, hãng mong muốn chung tay giúp người lao động cả nước có một cái Tết thật đầm ấm, hạnh phúc và sum vầy.
Đây cũng là một phần trong chiến dịch “Flights of Love”, hướng tới lan tỏa các thông điệp, trách nhiệm xã hội, giá trị nhân văn tốt đẹp vì cộng đồng mà hãng đã thực hiện từ nhiều năm qua.
Novaland có thể bán bớt dự án chưa triển khai để cơ cấu lại doanh nghiệp
Để gỡ vướng cho Tập đoàn Novaland, Tổ công tác của Thủ tướng đang yêu cầu doanh nghiệp này cơ cấu lại sản phẩm, bán bớt dự án chưa triển khai, tập trung làm những dự án đang triển khai.
Novaland cũng như nhiều doanh nghiệp khác gặp khó vì vừa trả nợ ngân hàng, vừa đáo hạn trái phiếu trong cùng một thời điểm |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp - cho biết tại cuộc họp báo do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 30/12 ở Hà Nội.
Theo ông Sinh, Novaland cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong cùng một thời điểm vừa trả nợ ngân hàng, vừa đáo hạn trái phiếu nên gặp khó. Qua rà soát tổ công tác thấy nổi lên vấn đề trách nhiệm của các doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, trong giai đoạn thị trường tốt, doanh nghiệp thực hiện cùng lúc nhiều dự án mà không cân đối nguồn lực. Đây là khó khăn do chính doanh nghiệp tạo ra. Họ làm cùng lúc quá nhiều dự án nên rất khó khăn về tài chính.
Để xử lý vấn đề này, Tổ công tác của Thủ tướng đã yêu cầu doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, bán bớt dự án chưa triển khai, tập trung làm những dự án đang triển khai.
Doanh nghiệp có thể bán sản phẩm, có được dòng tiền. Về lâu dài doanh nghiệp vay vốn phải thực hiện đúng dự án đề xuất vay, tránh việc vay dự án này làm dự án khác như hiện nay, ông Sinh nhấn mạnh.
Việc thành lập tổ công tác để gỡ vướng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản theo ông Sinh rất cần thiết, cho thấy sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Thời gian qua, khi rà soát 89 doanh nghiệp, dự án bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng cũng phát hiện hàng loạt vấn đề vướng mắc pháp lý của các dự án, đặc biệt các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai như kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất.
Các vướng mắc khác như điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư chồng chéo giữa các bộ; khó khăn về nguồn vốn đầu tư khi cùng thời điểm doanh nghiệp phải đáo hạn trái phiếu, trả nợ ngân hàng.
Theo Bộ Xây dựng, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng dự án, nhà thầu phải cho công nhân nghỉ việc.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng đã đốc thúc địa phương giải quyết nhanh thủ tục dự án, và đưa ra thời hạn giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 65 theo hướng gỡ vướng cho các doanh nhiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.