Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Khánh Hòa. |
Cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa trở thành 1 cực tăng trưởng
Giải trình trước Quốc hội trong phiên làm việc chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới sự đồng tình, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội với Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết để ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa.
Ông nhấn mạnh, mục đích của việc này là một mặt, nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, nhưng cũng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa.
“Các cơ chế, chính sách tạo điều kiện và động lực để Khánh Hòa phát triển bứt phá trong thời gian tới, khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế để có thể phát huy các thế mạnh của mình trở thành một cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và cũng là đảm bảo mục tiêu phấn đấu để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 như Nghị quyết 09 đã nêu”, Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội,
Về các vấn đề các đại biểu lưu ý, Bộ trưởng tổng hợp thành 4 vấn đề.
Thứ nhất, cụ thể hóa được các nội dung để triển khai nhanh. Thứ hai, về phân cấp, phân quyền mạnh hơn và phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Thứ ba, phải đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi dụng các chính sách đầu tư núp bóng. Thứ tư, phải đảm bảo quốc phòng, an ninh; việc nghiên cứu, nhân rộng các chính sách này trong thời gian tới; vấn đề về bảo vệ môi trường, rồi giám sát thực hiện.
“Thay mặt cho Chính phủ, chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết trước Quốc hội.
Giải trình thêm về các nội dung này, Bộ trưởng Dũng cho biết, quá trình nghiên cứu về các cơ chế chính sách cho Khánh Hòa được thực hiện theo những nguyên tắc rõ ràng. Đó là bám sát vào các chủ trương, đường lối của Đảng, của Nghị quyết, của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội; tương thích với cả các cơ chế chính sách đã được Quốc hội cho 8 tỉnh trước đây áp dụng; phải phù hợp với vai trò, vị trí, điều kiện thực tế của Khánh Hòa. Đặc biệt, các cơ chế này phải đảm bảo được quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo.
Nhắc tới ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), về việc cần có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa, ông cho biết, quá trình nghiên cứu đã từ lâu, rất kỹ càng, được thực hiện cùng với tỉnh Khánh Hòa, cùng với các bộ, ngành, kể cả các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Mục tiêu là tìm ra những cơ chế vượt trội, mang tính đột phá giúp cho Khánh Hòa có thể bứt phá trong thời gian tới, nhưng cũng là các chính sách mà các nhà đầu tư quan tâm. Thực tế, có những chính sách mà chúng ta đưa ra thì có khi nhà đầu tư lại không cần, có chính sách họ cần thì mình lại không cho được.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại Hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, Khánh Hòa rất xứng đáng, thậm chí xứng đáng hơn các tỉnh khác để có cơ chế, chính sách đặc thù, vì hai đặc thù vượt trội, đó là có huyện đảo Trường Sa, có vịnh Cam Ranh và cảng nước sâu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước. Nên ông đề nghị thiết kế các chính sách đặc thù cho Khánh Hòa ở trên ba bình diện: Một là cơ chế đầu tư. Hai là cơ chế tài chính. Ba là, đặc biệt là phân cấp, phân quyền.
Theo tờ trình của Chính phủ, Khánh Hòa có 11 nhóm chính sách, 7 chính sách tương đồng với các chính sách của 8 tỉnh và Quốc hội đã cho phép. Có các chính sách mới phù hợp với tính đặc thù.
Thứ nhất là, phục vụ cho phát triển Khu kinh tế Vân Phong có các tiềm năng nổi trội để phát triển bật lên được. Thứ hai là, khu Cam Lâm, gần sân bay để biến thành đô thị sân bay. Thứ ba là, khu phát triển kinh tế biển của Khánh Hòa.
“Về 4 chính sách mới, các đại biểu đa số đồng tình ủng hộ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội.
Khu Kinh tế Vân Phong cần nhà đầu tư chiến lược
Về Khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt, có tiềm năng rất vượt trội.
"Đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ. Chúng ta đang muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược...", Bộ trưởng làm rõ. Nghĩa là cơ chế, chính sách dành cho Vân Phong phải thu hút được các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược, thu hút được dự án lớn, quy mô lớn, có tính lan tỏa, có tính dẫn dắt, có tính đột phá....
"Với quan điểm này, cơ chế, chính sách tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án lớn ở đây”, Bộ trưởng giải trình.
Để đạt được mục tiêu trên, trong phần thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn. Về vấn đề này, Bộ trưởng báo cáo, trong nội dung Tờ trình của Chính phủ cũng có xác định danh mục ngành nghề ưu tiên để thu hút, để trở thành các nhà đầu tư chiến lược thì cần điều kiện gì, nhà đầu tư chiến lược thì được ưu đãi gì, nghĩa vụ của các nhà đầu tư chiến lược là gì...
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Tuyết Nga, đoàn Quảng Bình có nêu, đó là phải bổ sung thêm một cam kết về bảo vệ môi trường đối với các nhà đầu tư chiến lược, cùng với các cam kết đào tạo nghề hay là ứng kinh phí để thực hiện các điều kiện..., Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết.
Về các chính sách ưu đãi, ngoài áp dụng quy định của Điều 15 Luật Đầu tư, sẽ có 2 chính sách bổ sung thêm. Một là được trừ 150% chi phí cho nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Hai là được ưu tiên về các thủ tục hải quan và thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu...