Thuốc, vật tư y tế thiếu vì ... không dám làm
Theo đại diện Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Bộ Y tế vừa có thông tin gửi cơ quan báo chí giải thích tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế |
Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.
Ngoài ra theo lý giải của Bộ này, việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật.
Đặc biệt, 2 năm 2020-2021 đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, theo đại diện Bộ Y tế, do việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.
Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra. Đặc biệt, do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thẩu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
Đồng thời lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc xây dựng và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các đơn vị cần xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch, đặc biệt trong trường hợp trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao mới được đưa vào danh mục mua sắm do nhu cầu sử dụng tăng hoặc áp dụng danh mục dịch vụ kỹ thuật mới đưa vào sử dụng so với năm trước liền kề.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về y tế, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đề nghị lãnh đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn.
Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hoá chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn.
Nguyên nhân gốc rễ có phải chỉ vì sợ?
Dẫu biết rằng, việc này cung ứng thuốc, vật tư y tế liên quan tới nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau, song với chỉ đạo có tính chất "chung chung" nêu trên của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế là Bộ Y tế, người bệnh còn phải mòn mỏi chờ đợi thuốc, vật tư y tế
Trước đó, nói về tình trạng khan hiếm thuốc hiện nay, theo GS-TS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thực tế một số bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế không phải là câu chuyện mới.
Có nhiều ý kiến cho rằng, do nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, dẫn đến tình trạng sợ không dám làm, không dám mua sắm thuốc, vật tư, song nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình.
“Khi hoàn thành việc đấu thầu mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế, còn một quy trình nữa là thẩm định. Việc thẩm định trong thời gian qua cũng còn bất cập, nhiều cán bộ thẩm định đã vướng vào vòng lao lý, nên có tình trạng cán bộ thẩm định không dám làm. Trường hợp thẩm định xong, gửi lên Bộ Y tế để phê duyệt lần cuối cũng bị ngâm ở đó, gần như không ai dám xét duyệt”, ông Trí nói.
Phân tích thêm nguyên nhân, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao.
Một số ý kiến khác thì nêu ra, xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại, phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.
Để khắc phục vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung.
Đồng thời phải quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu.
TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng đồng thuận với kiến nghị cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…
Ngoài ra, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh các quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu yên tâm thực hiện.
Liên quan việc đấu thầu mua sắm và cung ứng thuốc bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị:
Theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại sở y tế, các cơ sở khác chữa bệnh để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.
Tham gia có hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các Hội đồng đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cần chủ động đề nghị sở y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu; Đấu thầu, mua sắm kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị đối với các thuốc nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 của các thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo phân cấp của Bộ Y tế.
Theo dõi, đôn đốc việc mua sắm thuốc đảm bảo các cơ sở thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết đối với thuốc đấu thầu tập trung theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.