Thưa ông, năm 2016, huyện Thọ Xuân có sự đột phá trong thu hút đầu tư. Ông có thể thông tin chi tiết các dự án và kết quả đạt được?
Đúng là, năm 2016, huyện có bước đột phá trong thu hút đầu tư. Cụ thể là có 25 hồ sơ của các doanh nghiệp xin chấp thuận chủ trương, địa điểm thực hiện đầu tư trên địa bàn huyện, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Đến nay, có 14 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư. Trong đó có một số dự án có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động như: Dự án Sản xuất và Lai tạo giống gà công nghệ cao tại xã Xuân Phú; Dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung, xưởng cán tôn, nhà hàng dịch vụ thương mại hỗn hợp tại xã Nam Giang; 2 dự án nhà máy may công nghiệp xuất khẩu tại xã Tây Hồ... Các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đang khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để khởi công xây dựng, đưa dự án vào hoạt động.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân |
Các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động cùng với những doanh nghiệp đang hoạt động hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều việc làm cho lao động, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn huyện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Những kết quả trên cho thấy, với những chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huyện đang là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, nơi để doanh nghiệp thành lập và phát triển.
Giải pháp cụ thể để đạt được kết quả nêu trên là gì, thưa ông?
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ tinh thần chủ trương từ nghị quyết về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa, lãnh đạo huyện ủy, UBND đã tổ chức quát triệt, triển khai, xây dựng kế hoạch hành động. Các cấp đảng ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện xuống đến cơ sở đã thực hiện tốt công tác công khai rộng rãi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành nghề để nhà đầu tư tham khảo lựa chọn đầu tư; chủ động kết nối với các sở, ngành cấp tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện; phối hợp tốt với các nhà đầu tư trong việc khảo sát chọn vị trí địa điểm để lập dự án đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho nhà đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng...
Đặc biệt, trong năm 2016, lần đầu tiên, huyện tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp theo tinh thần nghị Nghị quyết số 19/NQ - CP, ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm, 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ - CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ…
Thọ Xuân sẽ có kế hoạch gì để tiếp tục duy trì, đảm bảo ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn?
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2016 - 2020, huyện Thọ Xuân có nhiều thuận lợi. Đó là nằm trong "tứ giác" kinh tế của tỉnh; quy hoạch đô thị Lam Sơn - Sao Vàng đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại II; một số công trình quan trọng của Trung ương, của tỉnh tiếp tục được triển khai trên địa bàn huyện; Cảng hàng không Thọ Xuân được xây dựng hoàn thành; Khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng được hình thành là điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh...
Xác định chương trình phát triển đô thị là một trong 4 chương trình trọng tâm và một trong 5 khâu đột phá để phấn đấu đến năm 2020, cùng với việc đô thị Lam Sơn - Sao Vàng được công nhận là đô thị loại IV, tỷ lệ đô thị hóa trong huyện đạt 35%.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân huyện Thọ Xuân nỗ lực, quyết tâm thực hiện; trong đó tập trung và thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 - NQ/TU của Tỉnh ủy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông; quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh của huyện; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh.
Hai là, tiếp tục tranh thủ tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, kết hợp với huy động nội lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện. Ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đường giao thông chính yếu, các tuyến đường liên huyện, liên xã, phấn đấu tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn đến năm 2020 được cứng hóa đạt 90%.
Ba là, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, huyện sẽ chủ động phối hợp tốt với các sở, ban, ngành cấp tỉnh để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang các xã, thị trấn trong Khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng để sớm hình thành đô thị loại IV vào năm 2020, làm tiền đề xây dựng thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đồng thời, quan tâm bố trí và huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, chỉnh trang một số công trình, tuyến phố tại thị trấn Thọ Xuân, đáp ứng yêu cầu của thị trấn huyện lỵ.
Bốn là, xúc tiến xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tập trung, có cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở quy hoạch hình thành 7 cụm kinh tế - thương mại đầu mối trên địa bàn huyện, chú trọng phát triển các ngành nghề chế biến tạo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...