Các dự án quy mô lớn đã góp phần quan trọng “hâm nóng” dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Thời điểm cho sự tăng tốc
Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, vốn đầu tư 5,1 tỷ USD, sẽ bắt đầu chạy thử từ tháng 11 này, để chuẩn bị vận hành thương mại kể từ đầu năm 2024. Thông tin trên vừa chính thức được ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn công bố với báo giới.
Một tin mừng trong bối cảnh thời điểm gần đây có không nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn được đưa vào hoạt động. Chắc chắn, việc nhà đầu tư SCG tích cực triển khai, hoàn thiện nhà máy trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 10 tháng qua đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng có thể không quá lớn, nhưng 18 tỷ USD là con số kỷ lục và điều này, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã một lần nữa cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng, đổ vốn vào Việt Nam.
Thậm chí, các thông tin tích cực hơn còn đến từ vốn đăng ký. Con số được Cục Đầu tư nước ngoài công bố vào cuối tuần trước, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 10 tháng qua đã đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Trong số này, vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 54%; vốn điều chỉnh đạt hơn 5,33 tỷ USD, giảm 39%; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 5,13 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.
Như vậy, ngoại trừ vốn điều chỉnh giảm, thì cả vốn đăng ký mới lẫn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh. Sự xuất hiện của các dự án lớn góp phần quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam khởi sắc trở lại, sau một thời gian khá dài sụt giảm.
Ngoài dự án tăng vốn 1 tỷ USD của LG Innotek hồi cuối tháng 6/2023, trong tháng 10 vừa qua, đã có thêm 1 dự án tỷ USD khác. Đó là Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Ngoài các dự án tỷ USD, một số dự án quy mô lớn như Dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh, vốn đầu tư 690 triệu USD, hay Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance, vốn đầu tư 500 triệu USD... cũng đã góp phần quan trọng “hâm nóng” dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong một báo cáo vừa công bố, Savills Việt Nam nhấn mạnh việc các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ, nhờ vị trí và tiềm năng thu hút đầu tư lớn. Một số dự án quy mô lớn cũng được chuyên gia của Savills Việt Nam nhắc đến. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Fulian Precision Technology (621 triệu USD) và dự án của LONGi Green Energy Technoly Co. Ltd, (140 triệu USD) ở Bắc Giang. Hay Dự án Trina Solar 275 triệu USD tại Thái Nguyên…
Khi dự án lớn đổ vào Việt Nam, thì đó là thời điểm cho sự tăng tốc.
Số liệu thống kê cho thấy, vốn đăng ký mới lẫn vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần vào Việt Nam trong 10 tháng qua đều tăng mạnh. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Thanh Huyền |
Cơ hội mang tính bước ngoặt
Không chỉ là sự tăng tốc thông thường, khi mọi khó khăn, cản trở được tháo gỡ, mà Việt Nam đang có cơ hội mang tính bước ngoặt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ, diễn ra ngày hôm qua (31/10) tại Hà Nội, các khẳng định tương tự đã được đưa ra.
Thực tế, kể từ chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Joe Biden, với việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược toàn diện, các cơ hội để thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh song phương được mở rộng chưa từng có. Thậm chí, lĩnh vực hợp tác đầu tư đã được đặt trọng tâm vào công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực công nghiệp của thời đại 4.0.
Sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn của “làng” công nghệ nói chung, công nghiệp bán dẫn nói riêng, của Mỹ và của toàn cầu tại chuỗi các sự kiện khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023) mới đây đã khẳng định rằng, Việt Nam đang thực sự có những cơ hội to lớn vô cùng. Cả Google, Qualcomm, Nvidia, SpaceX, Intel, Synopsys, Cadence…, hay SK, Foxconn, Samsung… đều một lần nữa cho biết, họ thực sự quan tâm và mong muốn đầu tư lớn tại Việt Nam.
“Nguồn nhân lực dồi dào, sự ủng hộ của Chính phủ và tình hình địa chính trị ổn định là những lý do khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp bán dẫn Mỹ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ đóng gói và lắp ráp chip, các bạn nên tập trung phát triển cả lĩnh vực thiết kế đang rất tiềm năng”, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đã nói như vậy.
Có chung quan điểm, ông Michael Shih, Phó chủ tịch Tập đoàn Cadence cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành điểm đến toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Cái mà Việt Nam thiếu, đó chính là kinh nghiệm. Mà điều này, như lời ông Michael Shih đã nói, thì Cadence sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.
Không chỉ là nhà đầu tư Mỹ, các nhà đầu tư châu Âu cũng đang tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý III, do EuroCham công bố hồi đầu tháng 10/2023 đã tăng lên 45,1 điểm, từ mức 43,5 điểm của quý trước. Mức tăng không cao, nhưng cũng đủ cho thấy một dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Và hơn thế, là niềm tin của nhà đầu tư châu Âu.
Báo cáo BCI quý III/20203 của EuroCham cho thấy, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh. Có 63% doanh nghiệp thuộc EuroCham cho biết, họ xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu. Thậm chí, 31% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào top 3. Ấn tượng hơn, 16% nói Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.
Cần thấy rằng, không chỉ là niềm tin thuần túy, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc.
Tất nhiên, vẫn còn những trở ngại. Như sự không chắc chắn trong các quy định. Vẫn còn các rào cản trong việc xin giấy phép… Nhưng mọi sự khá rõ ràng. Chính ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cũng đã nhấn mạnh rằng: “Đã rất rõ ràng, Nhóm châu Âu tin tưởng vào Việt Nam. Gần 1/3 thành viên của chúng tôi xếp hạng Việt Nam là một trong 3 địa điểm đầu tư hàng đầu, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của chúng tôi vào mối quan hệ hợp tác này”.
Hẳn nhiên, giữa cơ hội và hiện thực còn là một khoảng cách khá xa. Lấp đầy khoảng cách này phụ thuộc vào những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phản ứng chính sách của Việt Nam trước sự thay đổi của điều kiện đầu tư, kinh doanh toàn cầu.