Đầu tư Phát triển bền vững
Thời điểm "vàng" để doanh nghiệp tích hợp ESG vào chiến lược
Lê Quân - 10/12/2022 11:16
Biến đổi khí hậu, cùng cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nên đây là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp tích hợp ESG vào chiến lược để phát triển bền vững hơn.

Đây là nhận định của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam tại  Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5) do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Báo Đầu tư đồng tổ chức ngày 9/12 tại TP.HCM.

Bà Thanh nhận định, câu chuyện phát triển bền vững (ESG) gắn với hành động tích hợp (ESG integrated) được nhắc đến như một chương trình hành động quan trọng đối với mọi ngành nghề, mọi loại hình sở hữu bao gồm cả khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5  diễn ra ngày 9/12 tại TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn 

Tại Việt Nam, theo kết quả đánh giá của Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2022 vừa được công bố ngày 2/12 vừa qua, việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt vượt lên trên các quy định pháp lý vẫn là một thách thức với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Đánh giá thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN năm 2021 được công bố vào ngày 1/12 vừa qua, với kết quả Việt Nam duy trì xếp hạng 6/6 trong các nước ASEAN cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam dù có cải thiện trong năm qua những vẫn còn nhiều điểm còn hạn chế so với các quốc gia trong khu vực.

Trong khi doanh nghiệp nhiều nước đã quen với việc áp dụng thông lệ quản trị tốt của G20/OECD, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa sẵn sàng áp dụng các thông lệ này.

Theo bà Thanh, quản trị công ty (QTCT) hiện nay không đơn thuần là việc tuân thủ các quy định của pháp luật, vượt lên trên sự tuân thủ, QTCT đang được coi là một trong ba thành tố quan trọng của phát triển bền vững là một thước đo năng lực canh trạnh của doanh nghiệp.

QTCT gắn liền với quản trị hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon đi cùng với thực thi trách nhiệm xã hội, tích hợp ESG cần được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, và bắt đầu chuyển từ nhận thức sang hành động của Hội đồng quản trị (HĐQT)

Quản trị rủi ro chống biến đổi khí hậu gắn với quản trị công ty tốt sẽ tạo ra hiệu ứng cho các vấn đề xã hội. ESG không chỉ là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà còn là vấn đề then chốt đối với doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh hơn trong tương lai.

Theo khảo sát của Deloitte, 97% lãnh đạo các doanh nghiệp nhận định rằng doanh nghiệp của họ đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, doanh nghiệp còn chịu sức ép từ nhiều bên như Chính phủ, nhà đầu tư, người tiêu dùng và nhân viên.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu tích hợp tác động kinh tế xã hội của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng đối với Việt Nam đến năm 2050, nếu không tính đến những yếu tố phi tuyến tính về kinh tế, xã hội có thể nảy sinh từ biến đổi khí hậu, thiệt hại kinh tế trực tiếp tích lũy trung bình hàng năm vào khoảng 1,8% GDP khi nhiệt độ tăng lên 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thiệt hại sẽ là 4,5% GDP khi nhiệt độ tăng 1,5°C; 6,7% GDP khi nhiệt độ tăng 2°C và lên đến 10,8% GDP khi nhiệt độ tăng 3°C. 

Tình trạng báo động của biến đổi khí hậu cùng với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 về việc Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang tạo ra thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra chiến lược, chính sách và hành động với ba trụ cột ESG.

Để tích hợp ESG vào chiến lược, HĐQT đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể, có 7 vấn đề liên quan trực tiếp đến HĐQT gồm: hiểu về mô hình quản trị ESG; xác định cấu trúc của HĐQT; tích hợp ESG vào các khía cạnh chiến lược của công ty; nhất quán giữa rủi ro và giám sát ESG; hiểu về mức độ trưởng thành ESG của công ty; giám sát quá trình áp dụng khung ESG; thực hiện đảm bảo, công bố thông tin và truyền thông.

HĐQT cần xác định cơ cấu quản lý và yêu cầu cụ thể với từng thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, ủy ban phụ trách ESG và Ủy ban kiểm toán.

Khi ESG trở nên quan trọng hơn, các bên có lợi ích liên quan sẽ tập trung hơn vào tính trung thực trong các công bố thông tin về ESG của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, hiện nay tại Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất quy định khiến cho một số doanh nghiệp sẽ tìm cách đối phó, chỉ đưa ra thông tin giới hạn ít ảnh hưởng đến danh tiếng doanh nghiệp của mình. Theo đó, nhà đầu tư khó đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vì hạn chế dữ liệu để so sánh. Phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định chỉ số nào nên theo dõi.

Công ty và HĐQT cần chiến lược công bố thông tin, trong đó tích hợp hiệu quả của ESG vào nhiều kênh khác nhau. HĐQT cần hiểu khung quản lý đang được sử dụng để truyền đạt câu chuyện về tính bền vững của công ty cho các bên hữu quan cụ thể.

Để thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp cần nắm được cách thức các chỉ số ESG được công bố trên trang web của công ty, trong một báo cáo bền vững riêng biệt, hoặc được tích hợp trong hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Tin liên quan
Tin khác