Hội nghị có sự tham dự của gần 300 đại biểu là Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng cục Du lịch Việt Nam; lãnh đạo một số Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Du lịch địa phương; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; chuyên gia du lịch, kinh tế; các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Các đại biểu nhấn nút Phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn. |
Thời cơ “vàng” để khôi phục du lịch
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá cao vai trò quan trọng của hội nghị trong việc mở cửa du lịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, để du lịch Việt Nam thực sự bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới. Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung chia sẻ, trao đổi, thảo luận cùng đưa ra các sáng kiến, ý tưởng, biện pháp cụ thể, thiết thực, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan nhằm nhanh chóng mở lại hoạt động du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới,
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, đây là thời điểm vàng để khôi phục hoạt động du lịch sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch. Thời gian qua, ngành du lịch cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kép hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa khôi phục hoạt động du lịch.
Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế được triển khai từ tháng 11/2021 đến ngày 14/3/2022, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2021, Việt Nam đã đón được 40 khách nội địa và đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2022.
Đến thời điểm này, Việt Nam cũng đón hơn 10.000 khách quốc tế theo chương trình Hộ chiếu vắc-xin. Đây là những tín hiệu tích cực để ngành du lịch mở cửa hoàn toàn, phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, Bộ VHTTDL đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo phương án mở cửa hoàn toàn, đón khách an toàn, hiệu quả.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, trong 2 năm vừa qua, với việc thực hiện phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời không ngừng chủ động phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã hết sức chú trọng đầu tư cho du lịch để chủ động phục hồi lại hiệu quả, xác định rõ đây là giai đoạn cấp thiết, đồng thời cũng là cơ hội đổi mới lại hoạt động du lịch.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bày tỏ mong muốn rằng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không sẽ sớm triển khai các chương trình xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh và các địa phương sẵn sàng đồng hành và tham gia tích cực vào các hoạt động quảng bá chung, góp phần tiếp tục quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh du lịch, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Quảng Ninh phấn đấu trở thành điểm đến bốn mùa
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu, diễn giả cũng đã cùng tham gia tọa đàm để trao đổi, thảo luận về các giải pháp hồi phục du lịch trong điều kiện bình thường mới; các địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị những gì cho việc tái xuất, đồng thời các bên sẽ liên kết với nhau như thế nào để hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao nhất...; Quảng Ninh cần phải làm mới như thế nào để không chỉ khôi phục hoạt động du lịch nhanh nhất, mà còn trở thành điểm đến bốn mùa…
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, vùng di sản đã sẵn sàng để đưa du lịch thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới, đồng thời phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến bốn mùa.
“Vịnh Hạ Long rất nổi tiếng nhưng chúng ta phải làm mới như thế nào? Ngoài việc tham quan du lịch, nghỉ đêm trên Vịnh, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động thêm nhiều sản phẩm mới như: du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch khám phá…Chúng tôi cùng với các doanh nghiệp phấn đấu xây dựng du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến bốn mùa: xuân, hạ, thu đông, tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, ví dụ như khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh hay các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm cao ở khu vực biên giới để thu hút khách…”, ông Phạm Ngọc Thủy chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun Group chia sẻ: “Muốn Quảng Ninh trở thành kỳ quan bốn mùa, để du khách đến Quảng Ninh không chỉ nghỉ hè mà còn nghỉ đông, nghỉ thu, nghỉ xuân… cần có thêm những sản phẩm để phát huy lợi thế của thiên nhiên, để khắc phục yếu tố mùa vụ. Và hệ sinh thái du lịch chính là chìa khóa. Hiểu được vai trò của hệ sinh thái du lịch, Sun Group đã quyết tâm đồng hành cùng Quảng Ninh, để đầu tư hệ sinh thái du lịch đồng bộ, nâng cao trải nghiệm cho du khách”.
Cũng theo bà Nguyện, tại Quảng Ninh, Sun Group tạo ra một chuỗi trải nghiệm khép kín đầy đủ nhất: từ hạ tầng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đón tiễn khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sau này sẽ là mua sắm, tận hưởng không gian hưởng thụ đẳng cấp tại những dự án bên vịnh biển sang trọng... Những lễ hội, sự kiện đẳng cấp cũng sẽ được chúng tôi không ngừng bồi đắp cho điểm đến, để Quảng Ninh không ngừng mới, không ngừng hấp dẫn trong du khách.
“Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, có lẽ chúng ta vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng biển, rừng, đảo còn bỏ ngỏ của Quảng Ninh- một điểm đến được ví như Việt Nam thu nhỏ. Hệ sinh thái đó sẽ còn tiếp tục được bổ sung với những trải nghiệm, sản phẩm độc đáo hơn nữa, đưa điểm đến tiến xa hơn và phát triển bền vững hơn, khi có sự tham gia của những nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, với sự hỗ trợ tạo điều kiện của tỉnh Quảng Ninh”, bà Trần Nguyện chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm tại Tọa đàm, PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định ngành du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn, sẵn sàng để đón tiếp du khách. Đánh giá việc miễn thị thực cho 13 quốc gia và thời hạn tạm trú 15 ngày vẫn thể hiện tinh thần “quá thận trọng” khi mở cửa, PGS. TS Trần Đình Thiên để Du lịch kiến nghị Chính phủ cần tăng số lượng nước được miễn thị thực và tăng số ngày du khách có thể lưu trú, để tận dụng được cơ hội hồi phục mạnh mẽ hơn.
Với Quảng Ninh, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, Quảng Ninh đã chuẩn bị những yếu tố đó cho du lịch 4 mùa, nhưng có lẽ cần phải thay đổi nhiều hơn nữa, vì những tổ hợp du lịch của địa phương này vẫn đang chỉ tập trung vào mùa hè là chính. Quảng Ninh là “đất lành” không chỉ trải thảm mà còn trải lòng đón doanh nghiệp đến đầu tư, chia lửa được với các doanh nghiệp. Sun Group là một trong những doanh nghiệp có cách tiếp cận táo bạo, đi đầu, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, để góp sức đưa Quảng Ninh trở thành hình mẫu cho sự phát triển tại Việt Nam. “Khát vọng thay đổi của du lịch Quảng Ninh rất mạnh, đang làm rất tốt. Hy vọng Quảng Ninh là địa phương mở đầu cho những thay đổi tích cực của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay”, PGS. TS Trần Đình Thiên bày tỏ.
Ngoài ra, Tọa đàm cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của những lãnh đạo của một địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM, các doanh nhiệp hàng không, du lịch như Vietnam Airlines, Vietravel, Saigontourist…thảo luận về nhiều nội dung đưa du lịch Việt thích ứng trong điều kiện bình thường mới đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị để phát huy thế mạnh, khắc phục tồn tại, hạn chế đưa ngành công nghiệp không khói bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ của Tọa đàm, đại điện của Tỉnh Quảng Ninh, Vietnam Airlines và Sun Group đã tham gia ký kết Biên bản thỏa thuận Hợp tác kích cầu, phát triển thị trường du lịch. Theo đó, Tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Sun Group và Vietnam Airlines sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines và Sun Group. Ba bên sẽ tăng cường hợp tác chiến lược và toàn diện về chương trình kích cầu khách hàng thông qua hệ sinh thái của các bên nhằm tăng cường các mạng lưới do Viet Nam Airlines khai thác đi/ đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn- Quảng Ninh và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh sản phẩm của ba bên; Phối hợp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, thương mại, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư hàng không; Thực hiện các giải pháp phù hợp để sớm khôi phục ngành dịch vụ hàng không, ngành kinh tế du lịch và các ngành dịch vụ khác có liên quan sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, Xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ và ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau một cách hiệu quả.